Ngày 2 tháng 11 năm 2016 cơ quan an ninh điều tra Công an Thành Phố Hồ Chí Minh tiến hành bắt giữ khẩn cấp ông Hồ Hải. Tiếp đến ngày 6 tháng 11, cơ quan này tiếp tục bắt giữ ông Lưu Văn Vịnh thuộc khối dân tộc liên minh tự quyết.
Việc cơ quan an ninh thành phố HCM bắt khẩn cấp hai người này gây ra nhiều dấu hỏi trong dư luận. Thực sự thì cả hai người đều giống nhau ở chỗ sự gắn kết và tác động của họ trong giới đấu tranh không cao. Ông Hồ Hải là một cây viết độc lập, ông không có những hoạt động gắn bó với các hoạt động của giới đấu tranh trong nước. Còn ông Lưu Văn Vịnh mới xuất hiện nổi lên gần đây với những tuyên bố đấu tranh mạnh mẽ. Những phát ngôn mạnh mẽ của hai người này, đôi khi đi quá xa với thực tế đang diễn ra, khiến cho họ chẳng những không gây ảnh hưởng lớn trong giới đấu tranh, trái lại một số người còn nghĩ họ là những người hơi hướng ảo tượng.
Những hành động của hai người này, có thể nói hậu quả việc họ làm, không cần thiết phải bắt giữ khẩn cấp. Bởi việc làm của họ xét về nhiều khía cạnh thực tế, hành động của họ không ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh nhiều, cũng như không gây hại cho thể chế đến mức cấp bách.
Và đúng như vậy, tin tức về vụ bắt giữ hai người này không gây sóng gió trong giới đấu tranh như vụ bắt giữ Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Nếu như vụ bắt Mẹ Nấm diễn ra sau cuộc tranh luận của mẹ Nấm ở trại giam đấu tranh đòi quyền thăm gặp tù nhân lương tâm, thì việc bắt giữ ông Hồ Hải và ông Vịnh diễn ra ở tại nơi làm việc và nhà riêng. Tính chất bắt giữ khác nhau cho thấy việc bắt ông Hải, ông Vịnh của an ninh thành phố HCM là có tính toán chủ động sẵn. Trong trường hợp của ông Vịnh dù đã tuyên bố rời khỏi liên minh dân chủ trước đó vài ngày, nhưng lệnh bắt không vì thế mà đình lại. Cơ quan an ninh xộc thẳng vào nơi làm việc , nhà riêng tiến hành việc bắt giữ, khám xét.
Sự khác nhau về diễn biến bắt giữ, cũng như ảnh hưởng của cá nhân bị bắt. Lý giải một phần nào nguyên nhân bắt giữ hai người đàn ông này. Đó có thể là cơ quan an ninh thành phố Hồ Chí Minh bắt để lập thành tích, bắt để đạt chỉ tiêu báo cáo tổng kết năm 2016. Chắc chắn hai vụ bắt giữ này sẽ là một chiến công sáng giá trong báo cáo thành tích tổng kết năm 2016 của cơ quan an ninh thành phố HCM. Nhưng ngoài ra còn có những mục đích khác chẳng hạn như đe doạ phong trào đòi xử lý Formosa đang lên cao trong nhân dân. Hoặc một mục đích thâm độc hơn nữa là cơ quan an ninh thành phố HCM muốn bắt giữ như vậy, để khiến bộ mặt chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ khó khăn hơn khi tới đây tiếp xúc với chính quyền các nước tiến bộ trên thế giới.
Tức việc bắt giữ này cùng một lúc đạt nhiều mục tiêu của các bên. Với cơ quan an ninh TP HCM thì họ đạt chỉ tiêu và có thành tích trong giữ gìn an ninh chính trị. Đáp ứng được với trung ương đảng CS đã có biện pháp trấn áp phong trào dân chủ và phong trào đòi xử lý Formosa. Với các phe nhóm đạt được việc gây áp lực, tạo hình ảnh xấu cho chính phủ trong quan hệ ngoại giao quốc tế.
Sự vụ bắt giữ bác sĩ Hồ Hải và ông Lưu Văn Vịnh mang mục đích riêng của an ninh TPHCM hơn là chủ trương chung của Bộ Công An. Từ đầu năm 2016 đến nay, khi bộ sậu mới của đảng lên cầm quyền, bộ công an thiên về việc đàn áp không để lại dấu vết, dùng thủ đoạn và tiểu xảo thô bỉ nhưng thâm độc để đối phó với những người đấu tranh trong nước. Lần cuối cùng gần đây nhất mà Bộ Công An vào cuộc bắt người là vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài từ tháng 12 năm 2015, đến nay đã gần 1 năm nhưng chưa đem ra xét xử. Các vụ bắt giữ từ đầu năm 2016 trở lại đây đều do công an địa phương các tỉnh thành thực hiện.
Từ các điểm trên, có thể đặt nghi vấn vụ bắt giữ liên tiếp cách nhau vài ngày của công an TPHCM với hai người như Hồ Hải, Lưu Văn Vịnh mang mục đích riêng của cơ quan địa phương nhiều hơn là chỉ định của Bộ Công An. Và nếu như mục đích là lập thành tích, có cơ sở báo cáo tổng kết cuối năm thì câu trả lời không có gì phức tạp. Nhưng nếu như còn mục đích khác như gây chú ý quốc tế, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của chính phủ nhằm cản trở bôi xấu mặt nhau, thì rõ ràng ngay cả trong bộ máy chính quyền đang có sự chia rẽ. Một số người đấu tranh lẻ tẻ, ít có gắn kết sẽ thành nạn nhân của sự chia rẽ này, cũng là thành tích của cơ quan công an địa phương.
Nhưng dù có thế nào đi nữa, số phận của những người đấu tranh, bất đồng chính kiến ở Việt Nam đều rất mong manh nguy hiểm. Những người có ảnh hưởng, có quan hệ rộng là con mồi của Bộ Công An. Những người không có ảnh hưởng, không có tác động lớn là con mồi cho các công an cấp tỉnh thành. Và chủ trương dù của Bộ công an hay cơ quan công an địa phương đi chăng nữa đều mang mục đích chung là bảo vệ chế độ cộng sản, mặc dù có thể có những lý do riêng rẽ chung. Tựu trung đều hướng tới mục đích khủng bố , trấn áp làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam.
Sau những phiên toà nhơ nhuốc xét xử Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Minh Thuý, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Duy Hữu An vi phạm luật tố tụng đến trơ tráo khiến dư luận nhân dân và cái nhìn của quốc tế rất bất bình, chế độ cộng sản dường như còn chưa thoả mãn mà còn muốn dấn sâu thêm vào tội ác bằng các vụ bắt bớ tiếp theo đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Hải, Lưu Văn Vịnh. Qua những vụ bắt bớ này, hình ảnh Việt Nam càng trở nên tồi tệ trong mắt quốc tế và trái lại càng thân thiện hơn với người anh em Bắc Kinh. Có lẽ đây mới là mục đích chính trong các cuộc xét xử và bắt giữ liên tếp vừa qua.
Leave a Comment