Mời Tổng thống mới của Hoa Kỳ thăm Việt Nam”
Không hổ là nhân vật được xem như “người kế thừa vĩ đại” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh – dù chỉ xếp thứ 5 trong bảng tổng sắp của Bộ Chính trị nhưng lại đương kim “phó đảng” và đang sáng lạn hơn bao giờ hết với tương lai danh phận thành “số 1” – đã khai triển thế song hành công du đối ngoại vào năm 2016 hệt như ông Trọng đã triển khai vào năm 2015: đi Mỹ sau khi đã “vấn ý” Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.
Nhưng cũng tương tự trường hợp Ủy viên bộ chính trị – Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị “diện kiến” ở Washington vào tháng 7/2016, phải đến 3 ngày sau khi ông Huynh đặt chân lên đất Mỹ, Thông tấn xã Việt Nam mới đưa tin.
Tuy thế, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam có thể khiến không ít người ngỡ ngàng với tựa đề thật đặc biệt: “Đồng chí Đinh Thế Huynh mời Tổng thống mới của Hoa Kỳ thăm Việt Nam”.
Có lẽ không ai quên việc Thường trực Đinh Thế Huynh từng có thời phụ trách Ban Tuyên giáo trung ương và hiện tại vẫn như “nắm” rất chặt khối này.
Theo nguyên tắc vừa nổi vừa chìm của đảng, thông thường chỉ những nhân vật chủ tịch nước và thủ tướng mới có đủ thẩm quyền và danh nghĩa để mời nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm Việt Nam. Trường hợp ngoại lệ gần nhất là “giới đảng” – Tổng bí thư Trọng – sau chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 mà đã được Tổng thống Obama tiếp đón như cấp nguyên thủ quốc gia, đã mạnh miệng đưa ra lời mời Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam.
Không hiểu vô tình hay hữu ý, cách rút tít của Thông tấn xã Việt Nam đã khiến người ta tưởng tượng rằng một cách nào đó, ông Đinh Thế Huynh đã trở thành “nguyên thủ quốc gia”, hoặc chí ít cũng đã lọt vào “tứ trụ”.
Hơn hẳn Phạm Quang Nghị
Nhưng dù thế nào chăng nữa, hình như chức vụ chỉ là Thường trực Ban bí thư của ông Huynh không làm người Mỹ phải quá “lăn tăn”.
Nước Mỹ mùa bầu cử. Với đủ thứ chộn rộn cuối nhiệm kỳ cũ và chuẩn bị cho một giai đoạn tổng thống mới. Nhưng lịch làm việc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn được lèn thêm thời gian tiếp Thường trực Đinh Thế Huynh. Không những thế, thể diện của giới đảng Việt Nam vẫn được chu toàn vì chính người Mỹ phát ra lời mời để ông Huynh thăm Mỹ.
Không những thế, giới lãnh đạo Việt Nam vốn nặng tâm lý sĩ diện hão còn được bảo toàn thể diện bởi Thường trực Đinh Thế Huynh đã không “đi chơi”, mà là một chuyến công du có vẻ mang tính thực chất. Rất nhiều nội dung quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ đã được nêu ra và còn có thể được bàn thảo như TPP, “kinh tế thị trường hoàn chỉnh”, Biển Đông, chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sau khi có tổng thống mới, giải tỏa cấm vận vũ khí sát thương, nhiệm vụ nhân đạo, kể cả những vấn đề mà phía Việt Nam luôn sợ sệt như Công đoàn độc lập, quyền tự do lập hội và những yêu sách khác về quyền con người.
Trên tổng thể, toàn bộ các nội dung làm việc trong chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh có “tầm vóc” không kém thua mấy so với Tuyên bố chung Mỹ – Việt nhân chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.
Tất nhiên đó là một thành công có thể tính được của Đinh Thế Huynh, nếu đối sánh với kết quả của chuyến đi Phạm Quang Nghị đến Mỹ vào năm 2014 mà đã chỉ gặp được vài thượng nghị sĩ và đảng Cộng sản Mỹ.
Tuy nhiên, điều hơi đáng tiếc là nếu Tổng bí thư Trọng mạnh dạn “ủy quyền” hơn nữa cho ông Đinh Thế Huynh, biết đâu một người chuyên làm công tác đảng như ông Huynh đã được tiếp không chỉ bởi cấp hành pháp là Ngoại trưởng John Kerry mà còn bởi Phó tổng thống Mỹ.
Nhưng nói đi thì cũng cần nói lại. Chuyến đi “tiền trạm” đến Mỹ của Bộ trưởng công an Trần Đại Quang để chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ sau đó của Tổng bí thư Trọng cũng chỉ tiếp cận được cấp Bộ Ngoại giao nước chủ nhà. Người Mỹ rõ ràng rất biết sắp xếp các quân cờ nghi thức đối ngoại.
Những dấu hỏi
Còn bây giờ, Trần Đại Quang đã là chủ tịch nước, và Nguyễn Xuân Phúc cũng chẳng còn là cấp phó thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một dấu hỏi tế nhị: vì sao lại là Đinh Thế Huynh mà không phải Trần Đại Quang hay Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ và “mời tổng thống mới của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam” vào lần này?
Như đã đề cập, cả hai ông Quang và ông Phúc đều danh chính ngôn thuận hơn ông Huynh khi đưa ra lời mời đối với một nguyên thủ quốc gia.
Trừ phi những người bên đảng như ông Trọng và ông Huynh đã thực sự thỏa mãn rằng phía Mỹ còn chịu chơi với cả “kênh đảng” của chính thể Việt Nam cực kỳ phức hợp vừa nhà nước, vừa chính phủ và cả đảng cầm quyền. Mà từ sau đại hội 12, “kênh đảng” đã nổi lên như một thế lực có tầm chi phối bao trùm và đang hướng đến mục tiêu “nhất thể hóa”.
Tuy thế, không phải sự đời cứ muốn thì đều mãn nguyện. Vụ Trịnh Xuân Thanh biệt tăm ở nước ngoài là một thách đố quyền lực vô cùng lớn đối với Tổng bí thư Trọng và “kênh đảng’ của ông. Cả nước đều muốn biết ai, những ai hay lực lượng chính trị nào đã ra tay cứu vớt ông Thanh và tạo nên thế đối đầu công khai với ông Trọng.
Hơn 4 tháng sau khi phát lệnh “việc cần làm ngay” và lối phát ngôn úp mở có vẻ tự tin “Chống tham nhũng chưa nói ra hết, kẻo lộ chúng nó chạy”, tâm thế của Tổng bí thư Trọng vừa lộ ra nhiều dấu hiệu mệt mỏi hơn với tán thán từ “chống tham nhũng khó lắm vì ta tự đánh vào ta”.
Có lẽ đã đến lúc phải sửa soạn cho “người kế thừa vĩ đại”.
Dường như có một động cơ đầy ẩn ý và gấp gáp đối với chuyến đi Mỹ vừa qua của ông Đinh Thế Huynh, đặc biệt chuyến đi này lại không phải diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi đường hướng đã rõ ràng. Đơn giản là giới lãnh đạo Việt Nam thừa hiểu rằng để cho ông Huynh đến Mỹ trước bầu cử sẽ chẳng thu hoạch được bất cứ một kết quả mang tính cam kết nào về tương lai chiến lược. Mà phải nhằm giải quyết càng sớm càng tốt một nhu cầu đặc biệt nào đó của giới lãnh đạo Việt Nam, hoặc một vấn đề cấp tốc trong quan hệ Việt – Mỹ…
Một trong những biểu hiện đột ngột của chuyến đi Mỹ của Đinh Thế Huynh là báo nhà nước đã chỉ thông tin về chuyến đi này với độ trễ đến ba ngày sau khi ông Huynh đến Mỹ, trái ngược việc ngay trước đó cũng chính báo nhà nước đã mau mắn đưa tin về chuyến đi Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình của Đinh Thế Huynh.
Một dấu hỏi nữa là liệu chuyến “diện kiến” bất thường của Đinh Thế Huynh ở Mỹ có liên quan gì đến vai trò của ông Huynh trong cuộc đua giành chức tổng bí thư từ đây đến cuối năm 2017, nếu ông Trọng giữ đúng cam kết “sẽ nghỉ sau hai năm”?
Hãy nhớ lại, chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng bí thư Trọng vào vào giữa năm 2015 – bất chấp việc ông Trọng đã phải nhân nhượng Mỹ về Công đoàn độc lập – đã mang lại kết quả mĩ mãn cho ông về “uy tín trên trường quốc tế”: cuối năm ấy, Nguyễn Phú Trọng vượt hẳn qua người từng được xem là ứng viên số 1 cho chức tổng bí thư – Nguyễn Tấn Dũng. Không những thế, ông Dũng còn phải “về vườn”.
Lịch sử tái hiện?
“Người kế thừa vĩ đại” của Tổng bí thư Trọng hẳn đang muốn tái hiện thành công vang dội ấy, dù ông Huynh biết chắc chắn con đường trở thành “số 1” sẽ còn lắm gian nan và không loại trừ hiểm nguy.
Lịch sử dường như đang lặp lại: sau chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng bí thư Trọng vào năm 2015, đã nảy sinh cuộc chiến quyền lực giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng; và cũng có thể là như vậy sau chuyến đi Mỹ tháng Mười năm 2016 của ông Đinh Thế Huynh.
Ông Huynh sẽ phải đấu với ai?
Âm thanh sấm động của một cơn bão lớn đang ầm ì ở góc trời. Thỉnh thoảng lại vụt ra những tia sét ngoằn ngoèo, xanh lè đầy đe dọa…
Thêm một giả thiết: Nếu cuộc chiến quyền lực của Tổng bí thư Trọng có độ trễ 6 tháng tính từ sự kiện đi Mỹ tháng Bảy năm 2015, thời điểm “chốt” cho cuộc chiến quyền lực của ông Huynh sẽ phải kết thúc vào khoảng giữa năm 2017!
Tháng 10/2016, vài dấu hiệu sớm đã xuất hiện cho cuộc chiến quyền lực ấy: ngay sau khi Đinh Thế Huynh được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp, trên mạng xã hội đã xuất hiện ít nhất 2 bài viết mang mùi phe phái “đánh” ông Huynh theo cách vừa trực tiếp vừa gián tiếp.
Lúc này đây, có thể giới tuyên giáo và phái “thân Trung” đang bắt đầu thì thào về “Tổng bí thư Đinh Thế Huynh”. Nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để thốt ra cụm từ ấy, nếu chịu khó ngẫm lại bài học lịch sử của Phạm Quang Nghị: dù đã được xem là “thái tử”, ông Nghị đã hoàn toàn “biến mất” sau chuyến đi Mỹ tháng Bảy năm 2014.
Leave a Comment