Quảng Cáo

Một đám đông lại hôi của, cả đất nước lại…cảm thấy ê chề

Quảng Cáo

Thời dân hôi xăng đúng là đói khổ để rồi chết thương tâm, dù không thể hiểu được, nhưng vì đói ăn vụng, túng làm liều. Nhưng thời nay không ai thiếu tới mức đi hôi bia mang về uống, lấy vài ba bịch đường, chai xà bông. Họ không thể quá nghèo, sắp chết đói, mà phải liều.

Hàn Quốc, tiền rơi không ai nhặt

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, một phụ nữ Hàn rút từ ngân hàng ra 25 triệu won rồi đem rải ngay quảng trường trước Tòa thị chính Seoul. Người phụ nữ bị cảnh sát bắt giữ ngay lúc đó, số tiền trên cũng được cảnh sát thu dọn trong trật tự và tuyệt nhiên không một ai nhặt tiền.

Nhưng có phải sự thật là người Hàn “thờ ơ” với tiền? Nói thẳng ra, ai cũng cực khổ vì tiền. Nhưng không phải vì vậy mà ai cũng tham tiền, nhất là khi tiền đó không thuộc về mình.

Kwon Hyun Woo – một người Hàn sinh sống ở TP.HCM trao đổi với phóng viên rằng theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, người lượm tiền bất hợp pháp sẽ bị phạt.

photo@yna.co.kr
Hơn nữa, vụ việc xảy ra ngay giữa trung tâm Seoul, có nhiều người chứng kiến và nhiều camera theo dõi nên Kwon Hyun Woo cho rằng: “Ai mà dám!”. Anh nói: “Sở dĩ không ai lượm tiền lúc đó là vì họ phải xấu hổ. Đó là vấn đề của lương tâm, của đạo đức. Còn pháp luật cũng quy định là người nhặt được tiền phải báo cảnh sát, nếu không thì bị phạt!”.

Phạm Quang Văn – một người Việt hiện đang làm việc tại Seoul cũng chia sẻ: “Người Hàn Quốc không lượm tiền giữa đám đông, như vậy mất mặt lắm. Họ được giáo dục về điều đó. Hơn nữa, ở Hàn chỗ nào cũng có camera, ai nhặt cũng khó thoát. Người Hàn có ý thức dân tộc cao. Cứ ai mang vinh quang về cho đất nước là đắt sô quảng cáo. Họ ủng hộ vô điều kiện. Còn ngược lại lỡ làm xấu hình ảnh thì coi như hết đường sống”.

Một cư dân mạng tên Cát Tường cũng đồng tình điều này trên diễn đàn: “Ở Hàn Quốc nhặt tiền rơi hay ví rơi mà không trả thì bị khép vào tội ăn cắp, bị phạt tiền hoặc ở tù mà, trong hồ sơ đã có án thì rất khó tìm việc làm. Thế thôi!”.

Việt Nam – xăng, bia, nước mắm, bột giặt… lấy tất

Cách đây mấy năm (2013), mạng xã hội sôi sục về video clip hôi của tại Đồng Nai khi một xe tải chở bia bị nạn, những két bia văng ra đường, dân xô vào hôi bia mặc cho lái xe van xin.

Cảnh hôi bia 2013

 

Nạn nhân giao thông khi ngã xuống đường bất tỉnh nhân sự, tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, có khi ngất đi lần nữa vì phát hiện túi xách, giấy tờ tùy thân, tiền, điện thoại…không cánh mà bay.

Xe chở bồn xăng bị lật, lẽ ra phải tránh xa vì nguy cơ cháy nổ, thì dân bất chấp nguy hiểm, mang can, thùng, xô để hút xăng vì miễn phí.

Hay mới đây nhất, mặc cho tài xế khóc nức nở hàng chục người vẫn cầm bao và túi nilon chạy đến, lục xới và lấy những vật dụng còn sót lại như bột giặt, bếp, bột ngọt, sữa… trên chiếc ôtô tải đang cháy.

Thế kỷ trước ở Hà Tây, một làng có mấy chục người chết do hôi xăng do đường ống bị vỡ, dân chúng đổ xô đi lấy. Một vị hồi hộp, bật diêm hút thuốc lá và… tất cả hưởng dương đúng vào ngày hôi xăng.

Dư luận cố tìm hiểu tại sao nên nông nỗi hôi của thế này, thiếu ăn, đói rách hay do lòng tham cố hữu của con người.

Thời dân hôi xăng đúng là đói khổ để rồi chết thương tâm, dù không thể hiểu được, nhưng vì đói ăn vụng, túng làm liều.

Nhưng thời nay không ai thiếu tới mức đi hôi bia mang về uống, lấy vài ba bịch đường, chai xà bông. Họ không thể quá nghèo, sắp chết đói, mà phải liều.

Có lẽ nó bắt đầu từ những vụ phong bì cho được việc, cửa quan lấy tiền hối lộ của dân không bị ngăn chặn bởi pháp luật nên cứ biến thái dần, làm thui chột đạo đức xã hội.

Trộm cắp bắt đầu là bao thuốc thời xưa “nhờ anh giúp cho tình cảm”. Tiếp theo là chai rượu, hộp mứt dịp tết, rồi tiến tới phong bì dịp ma chay cưới xin. Trước là tiền Việt, sau đổi thành đô la, và cả kim cương. Ngày nay biến thái thành villa, căn hộ cao cấp, đôi khi cả một khu đất.

Mua chức bán quyền hàng tỷ, dân chỉ dám thì thầm, nhưng không ai dám nói vì không có chứng cứ. Két, bàn làm việc ở văn phòng bị trộm viếng thăm nhưng không dám báo công an.

Từ hôi ngàn tỷ đến hôi của cỡ vài chai bia hay mấy củ khoai lang là hình ảnh luật pháp không được thượng tôn, đạo đức xuống cấp, vô cảm, dối trá và ô nhục.

Sự hôi của thật còn lây sang cả hôi của… giả. Bộ KH&CN tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Cảnh hôi hàng nhái

Khi vị chủ trì công bố vụ tiêu hủy bắt đầu thì người tham dự xô vào hôi hàng nhái có nhãn mác cao cấp như Luis Vuitton, Hermes. Trong số đó có cả nhà báo, cán bộ của Bộ và dân thường.

Tin cho hay, chuyện này từng xảy ra năm 2015 và nay chỉ lặp lại. Người cầm bút không thể là kẻ hôi của vì chữ nghĩa của họ ảnh hưởng đến hàng triệu người. Mang đồ giả do hôi của mà có lại càng không nên.

Vì tiền bạc, đất cát, chức vụ lắm lộc… người ta có thể bất chấp. Người sính ngoại, không đủ tiền lại thích hàng hiệu, đó là thói đạo đức giả, lừa dối người đời và cả bản thân bằng một cái túi LV giá 50$, nếu là hàng hiệu thật thì giá 5.000$. Trong túi chỉ có 50$ tại sao phải sỹ diện mình có gấp 100 lần như thế?

Hôi của thật làm cho đạo đức suy vong. Tới lúc hôi cả của giả kiểu vơ bèo vạt tép như vừa xảy ra tại Bộ KH&CN thì suy vong không còn chỗ để đi tiếp.

Từ chuyện lượm tiền ở Hàn Quốc nhìn lại Việt Nam để thấy rằng, một nền giáo dục tốt là giáo dục cho con người lòng tự trọng và sự tiết chế lòng tham. Một xã hội văn minh là biết khuyến khích những việc làm tốt, lên án những việc phạm pháp, đồng thời có những công cụ kìm chế, răn đe những lòng tham đột xuất dẫn đến hành vi phạm pháp hoặc vi phạm đạo đức của con người. Đến bao giờ nước ta mới đạt được điều đó?

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux