Rodrigo Duterte, Tổng thống Phi Luật Tân, thăm Trung Quốc vào tuần rồi và báo hiệu muốn bỏ Washington để xoay qua Bắc Kinh. Trong khi người tiền nhiệm của ông kiện Trung Quốc trước Tòa trọng tài và thắng kiện thì ông Duterte tuyên bố là sẽ mở lại đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về vùng biển tranh chấp. Liệu Hoa Kỳ sắp sửa mất đi một đồng minh có ký kết hiệp ước lâu năm? Bắc Kinh trả giá gì để Duterte đổi thái độ? Liệu các quốc gia bạn khác của Hoa Kỳ theo bước của Phi? Và Hoa Kỳ nên có phản ứng ra sao?
Sau đây là ý kiến của ba học giả nghiên cứu về Châu Á.
Zhang Baohui, Giáo sư Chính Trị Học, Đại học Lingnan, Hồng Kông:
Chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Duterte làm thế giới chú ý vì nó có thể tác động thay đổi chẳng những đến quan hệ Trung-Phi mà còn đến thế quân bình tại Châu Á Thái Bình Dường. Tuy khó đoán được còn quốc gia nào khác tìm cách giàn xếp với Trung Quốc, xu hướng dài hạn không có vẻ lợi lắm cho Washington về thế quân bình quyền lực và ảnh hưởng trong vùng.
Để duy trì thế quân bình thuận lợi trong vùng, Hoa Kỳ đề xướng vừa việc “tái quân bằng chiến lược” vừa thúc đẩy các đồng minh và bạn xúc tiến các biện pháp quân bằng chống lại Trung Quốc. Để làm việc đó, Hoa Kỳ cần một tình huống với hình ảnh Trung Quốc là kẻ hung hãn. Quan trọng hơn nữa, tình huống đó cần có một “nạn nhân” của bá quyền Trung Quốc để từ đó nhấn mạnh nhu cầu cho các quốc gia trong vùng gia tăng quốc phòng và hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.
Việc “xoay trục sang Trung Quốc” của ông Duterte phá hỏng tình huống đó. Ông ta cho thấy thay vì quân bằng Trung Quốc, thì phát triển mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh với kết quả đôi bên cùng thắng là một cách giải quyết vấn đề an ninh trong vùng hay hơn. Ông ta chủ yếu cổ xúy cho một giải pháp khác về “vấn đề Việt Nam”.
Quả thật, nếu Phi Luật Tân và Trung Quốc có thể giải quyết căng thẳng bằng một công thức hợp tác đôi bên cùng thắng, thì những quốc gia khác, như Việt Nam, có thể có động cơ để từ bỏ chiến lược quân bằng và chọn giàn xếp với Trung Quốc. Nếu vậy, ông Duterte có thể gây ra một phản ứng dây chuyền ảnh hướng sâu sắc đến thế quân bằng trong vùng thuận lợi cho Trung Quốc.
Trong bối cảnh thay đổi chính sách ngoại giao của Phi, Việt Nam đã bắt đầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Vào cuối tháng Tám, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Tướng Ngô Xuân Lịch viếng thăm và đặt vòng hoa tại lăng Mao Trạch Đông. Ông phát biểu là người dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ của Trung Quốc trong cuộc chiến giành độc lập. Rồi vào giữa tháng Chín, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh một lần nữa phát biểu là Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ lớn lao của Trung Quốc trong quá khứ. Ông cũng hứa là quan hệ Trung-Việt là ưu tiên hàng đầu của chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Rất có thể là những động thái “ra dấu” này đến từ sự thay đổi của ông Duterte. Trước đó, Hà Nội và Manila hành xử như đồng minh đối với những vấn đề Biển Đông. Sự thay đổi của ông Duterte khiến cho Việt Nam có cơ nguy đối đầu với Trung Quốc một mình.
Về dài hạn, thế quân bình trong vùng có thể tiếp tục nghiêng về thuận lợi cho Trung Quốc. Duterte nói rõ là chỉ có Trung Quốc “có đủ nguồn lực” để giúp Phi Luật Tân đạt được hiện đại hóa kinh tế. Những ước muốn của ông gồm có việc Trung Quốc xây đường rầy xe lửa và cải thiện hạ tầng cơ sở của Phi. Ông còn muốn tham gia vào chương trình Một Vành Đai, Một Con Đường của Bắc Kinh để được hưởng lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.
Điều này hàm ý là việc xoay trục sang Trung Quốc của ông Duterte có một phần động cơ kinh tế. Vì Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ, hiện nay là đối tác giao thương lớn nhất với các quốc gia trong vùng. Do đó, rất có thể một Trung Quốc trên đà đi lên sẽ kéo các quốc gia khác trong vùng đi theo. Theo học giả chính trị học Hoa Kỳ, ông Randall Schweller, thì quyền lực kinh tế hiện nay là thước đo quyền lực. Trong bối cảnh đó, tính ưu việt của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh không đủ để đảo ngược thế quân bình đang đổi thay trong vùng và đà xuống dốc của thế thượng phong của Hoa Kỳ.
Taisu Zhang, Giáo Sư đại học luật Yale:
Tôi đồng ý với nhận xét của Giáo sư Zhang về xác suất hiệu ứng dây chuyền xảy ra trong vùng. Chính sách ngoại giao của các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi những việc khác ngoài chuyện Trung Quốc và Hoa Kỳ hứa hẹn. Quan trọng không kém là họ nghĩ rằng các nước khác trong vùng sẽ làm gì. Chưa chắc là suy nghĩ đó sẽ đẩy các quốc gia đi về cùng một phía. Trước khi có động thái thay đổi của Duterte, có cả lợi và bất lợi cho ai đi nước cờ đầu tiên. Tức là nếu bạn trở thành đồng minh đầu tiên của Trung Quốc trong vùng, thì dĩ nhiên là bạn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn là người thứ tư hay thứ năm. Ngược lại nếu là người đầu tiên xé rào thì bạn có cơ nguy bị tẩy chay cao hơn.
Bây giờ thì ông Duterte đã đi nước cờ đầu tiên. Có một suy nghĩ khác trước, đó là: thế liên kết đối đầu Trung Quốc đã bị vỡ, vậy thì nhận quà kinh tế của Trung Quốc hợp lý hơn là đối đầu một mình về việc tranh chấp biển đảo. Ngược lại họ cũng có thể nghĩ rằng ở lại chơi với Hoa Kỳ có lợi hơn bao giờ hết, vì Hoa Kỳ đang bị mất đồng minh trong vùng, do đó họ sẽ trân quý những người bạn còn lại. Việt Nam có vẻ đi theo hướng đầu – có thể hợp lý vì địa thế sát cạnh Trung Quốc và vì quan hệ với Hoa Kỳ không sâu đậm – nhưng các quốc gia khác có thể chọn hướng sau.
Richard Heydarian, tác giả sách Chiến Trường Mới của Châu Á: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Cuộc Tranh Giành Tây Thái Bình Dương:
Trước nhất, chúng ta cần phải hiểu chuyện gì đang xảy ra tại Phi Luật Tân. Cho tới nay điều mọi người chứng kiến là một sự tái xác định chiến lược, chứ không phải cách mạng toàn diện về chính sách ngoại giao của Phi. Mặc dầu có ăn nói đao to búa lớn, ông Duterte vẫn ý thức rằng không thể theo con đường của Hugo Chavez: tức là, nhảy từ phe Mỹ sang phe Tàu theo chủ thuyết phản đế.
Theo nhiều cuộc thăm dò thì Phi Luật Tân là một trong những quốc gia thân Mỹ nhất trên thế giới. Người dân Phi có rất nhiều cảm tình dành cho Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, guồng máy quốc phòng Phi phụ thuộc khá nhiều vào sự giúp đỡ của quân đội Hoa Kỳ, từ hậu cần cho đến tình báo, huấn luyện, tài trợ, … Điều có thể xảy ra là Phi sẽ thương lượng lại một số điểm về hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ để đánh đổi các thúc đẩy kinh tế và cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Rốt cuộc lại, chính quyền Duterte có thể ở thế quân bằng giữa hai cường quốc hơn là đứng về bên này chống bên kia.
Trong vùng, từ Việt Nam đến Miến Điện và Nam Hàn, chúng ta thấy Trung Quốc không thành công chuyển đổi sức mạnh kinh tế sang sự phục tùng địa chính trị. Tuy láng giềng của Trung Quốc hoan nghênh việc tiếp cận nhiều hơn với Bắc Kinh, thời gian qua cho thấy họ vẫn tiếp tục phòng hờ bằng cách duy trì quan hệ quân sự mạnh mẽ với Hoa Kỳ. Điều này thấy rõ với Singapore, Đài Loan. Ít có quốc gia láng giềng nào chịu ngã theo Trung Quốc hoàn toàn. Họ thà giữ thế quân bằng để có lựa chọn. Phòng hờ thủ thế tiếp tục là điều bình thường trong vùng. Phi Luật Tân cũng vậy.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Phi, Washington phải điều chỉnh với điều “bình thường mới” trong quan hệ song phương, mà chính quyền Phi không còn xem quan hệ với Hoa Kỳ là đặc biệt và bất khả xâm phạm như trước. Hoa Kỳ nên sẵn sàng với cam kết quân sự đối với Phi, đừng lập lờ về Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương với Manila (có bao gồm Biển Đông hay không?), và xây dựng liên hệ với chính quyền Duterte về chính sách “khai chiến với ma túy”. Thay vì chỉ trích Duterte, Hoa Kỳ nên giúp đỡ bằng cách hợp tác tình báo (chống lại các nhóm tội phạm có tổ chức) và viện trợ cho các trung tâm cai nghiện. Hơn hết, Hoa Kỳ phải củng cố nội bộ sau mùa bầu cử rắm rối, khiến cho người ta hoài nghi về sự vững mạnh của nền dân chủ và định chế chính quyền Hoa Kỳ.
Foreign Policy – 25/10/2016
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment