Tuy mang biệt danh “Trọng lú” nhưng giữa cơn sóng gió của Đại hội đảng lần thứ 12 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã thi thố nhiều ngón nghề gian manh để lần lượt đánh bại đối thủ, nắm cho được cái ghế đầu đảng. Dù tham quyền cố vị, Trọng cũng chỉ hy vọng ngồi đó trong vòng hai năm và sẽ hạ cánh an toàn với chức thái thượng hoàng.
Nhưng chỉ mới sau 9 tháng của nhiệm kỳ hai, biết bao biến cố đã diễn ra khiến ông Trọng như ngồi trên đống lửa. Từ những tiếng súng của đảng viên cao cấp ở Yên Bái thanh toán lẫn nhau vì mâu thuẫn quyền lợi, đến vấn nạn Formosa ngày càng bùng nổ lớn do cách giải quyết mờ ám của lãnh đạo, vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, thách thức cả bộ máy đảng. Và gần đây nhất sau cơn lũ Miền Trung, niềm tin trong dân tuột xuống con số 0.
Cuộc đời chính trị của ông Trọng càng không được xuôi chèo mát mái khi bàn cờ quốc tế thay đổi hàng ngày, Philippines thi hành sách lược thương thuyết đơn phương nghiêng về Bắc Kinh. Việt Nam như bị bỏ rơi bên lề trong khi ông Trọng cứ loay hoay với chiêu bài chống tham nhũng mà càng chống, tham nhũng càng vững. Những thế lực khác trong đảng chắc chắn sẽ không tha cho tổng bí thư tỏ ra quá bất lực trước tình hình sống còn của đảng.
Thế rồi trong ba ngày từ 19 đến 21 Tháng 10, Đinh Thế Huynh Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư đã được phái đi Bắc Kinh. Chuyến đi được mô tả là để tái xác nhận mối “quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai đảng. Trong con mắt của các nhà quan sát, đây chỉ là chuyến đi ra mắt của nhân vật quyền lực số 2 với các lãnh tụ thiên triều trước khi đảng Việt Nam có sự thay đổi nhân sự cao cấp.
Sau Bắc Kinh, Đinh Thế Huynh có mặt tại Hoa Kỳ từ ngày 24/10 theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry. Chuyến đi của Huynh không được báo trước nhưng nằm trong ước mơ thầm kín của đảng CSVN là TPP và chiến lược “xoay trục” của Mỹ, hai lợi ích sống còn của đảng. Nhưng không may là vào cuối nhiệm kỳ Obama, con đường xoay trục của Mỹ bị chận ngang vì Duterte “đổi trục”, công khai hướng về Trung Cộng. Việt Nam giờ đây ở trong tình thế đu dây đầy bất an. Lợi thế “tây có mày đông có tao” không còn, thế đứng của đảng trở nên chênh vênh bất định, Việt Nam không còn cách nào khác hơn là đi tìm sự tồn tại nơi người Mỹ.
Hai chuyến đi của Đinh Thế Huynh rõ ràng mở ra một bước ngoặt nhằm thay ngựa giữa giòng mà người thay thế Nguyễn Phú Trọng không ai khác hơn là Đinh Thế Huynh. Giờ đây vị thế của Đinh Thế Huynh đặc biệt được nâng lên trong tầm nhìn của Bắc Kinh và Washington. Cả hai đều là đối tác chiến lược của Việt Nam nhằm cân bằng hai mâu thuẫn trong nội bộ đảng. Đó là hệ tư tưởng chính trị hướng về phương Bắc và tư duy nghiêng về phương Tây để mơ giấc mơ tiếp tục dùng đồng đô-la tái cơ cấu nền kinh tế. Thay thế Trọng là chuyện chẳng đặng đừng khi nhiều nhân vật chóp bu của đảng đã nhận ra sự yếu đuối của một tổng bí thư lẽ ra đã về hưu.
Nhìn vào cuộc đời của ông Trọng từ lúc lên làm tổng bí thư, người ta thấy triều đại của ông từ Đại hội XI năm 2011 đến đại hội XII hiện nay đã không đưa ra được một chính sách phát triển và bảo vệ tổ quốc nào có ý nghĩa. Ngoài trừ những lời ca tụng thành công 30 năm đổi mới và lời hứa hẹn vu vơ đưa đất nước thành “hiện đại hóa và công nghiệp hóa” vào năm 2020 nghe mãi hóa nhàm.
Ông Nguyễn Phú Trọng suốt bao nhiêu năm tháng chỉ ôm lấy một khẩu hiệu duy nhất là chống tham nhũng như một lá bùa hộ mệnh cho sự lãnh đạo cuối mùa của ông. Có lẽ đây cũng chính là chiêu bài mà ông Trọng dùng để củng cố lại phe giáo điều Mác-Lê bao gồm những lãnh đạo cộng sản đã bế tắc trong lý luận và mệt mỏi trước viễn ảnh u ám của chủ nghĩa xã hội.
Sự thắng thế và bành trướng của phe Nguyễn Tấn Dũng từ năm 2006 mà ông Trọng gọi là ’lợi ích nhóm’ đã mọc rễ chằng chịt trong các cơ chế nhà nước, khiến ông Trọng đã phải dùng đến chiêu bài chống tham nhũng để mong tiêu diệt tàn dư của ông Dũng.
Năm 2012, dưới chiêu bài chống tham nhũng, ông Trọng ra quân đầu tiên trong Hội nghị trung ương 6 khóa 11, bằng cách “đề nghị Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu kỷ luật Bộ chính trị và đồng chí X” để mong qua đó ông Trọng mượn tay tập thể loại ông Dũng.
Nhưng Nguyễn Phú Trọng thất bại và nghẹn ngào rơi nước mắt trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị, đánh dấu sự bất lực đầu tiên của mình. Sự kiện không kỷ luật được Nguyễn Tấn Dũng để lại một kỷ niệm đau đớn khó phai mờ trong cương vị tổng bí thư của Trọng.
Năm năm sau, cũng dưới chiêu bài chống tham nhũng, ông Trọng đã trực tiếp chỉ đạo mang Trịnh Xuân Thanh ra làm con dê tế thần cho một chiến dịch mới vào tháng 6 năm 2016. Nhưng do sớm biết số phận mình sẽ giống Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh đã cao bay xa chạy sang Đức trước khi bị ông Trọng bắt giữ. Thêm một lần nữa, ông Trọng lại chuốc lấy sự thất bại trong khi có vẻ đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Sau khi Thanh lọt lưới pháp luật một cách dễ dàng và đầy thách thức, Nguyễn Phú Trọng vội vàng tự đẩy mình vào vị trí đứng đầu Đảng ủy Bộ Công an để trực tiếp chỉ đạo và kiểm soát ngành này. Lần đầu tiên một tổng bí thư đảng mặc áo công an, trở thành công cụ bạo lực bao trùm khắp nước.
Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của khóa XII vào tháng 10 năm nay, ông Trọng lại tuyên bố “chống tham nhũng là ta đánh vào ta”, và “chống tham nhũng như việc đánh răng rửa mặt hàng ngày” khiến cho dư luận thấy là ông Trọng bắt đầu phát biểu linh tinh.
Linh tinh ở chỗ là đảng càng ra nghị quyết, hô hào chống tự diễn biến, chẳng khác nào đảng tự tát tai đảng hay chỉ là biện pháp giơ cao đánh khẻ để đảng viên bảo vệ lẫn nhau.
Giá như biết từ đầu thì ông Trọng đã không giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, vì kết quả sau cùng ông Trọng đã đánh vào chính mình, làm trò cười cho dư luận. Và giờ đây sau 9 tháng ngồi ghế tổng bí thư lần thứ nhì, chưa bao giờ tư thế chính trị của ông Trọng lại xuống thấp đến như vậy, gần như sụp đổ toàn diện.
Chẳng còn mấy ai trong đảng coi ông Trọng là người có khả năng chống tham nhũng để xoay chuyển tình thế khi ông chỉ biết kêu gào chống “tự diễn biến” hay “chỉnh đốn đảng”, xây dựng đảng trong sạch vững mạnh. Làm sao ông chỉnh đốn đảng khi bàn tay nào của đảng viên các cấp từ trên xuống dưới đều “nhúng chàm” như chính ông từng thừa nhận.
Do đó, việc Đinh Thế Huynh vội vã đi Tàu, đi Mỹ chẳng vì lợi ích cho đất nước mà chỉ vì muốn cứu Trọng lúc này để Trọng hạ cánh bớt tủi hổ trước khi canh bạc chống tham nhũng của ông ta bị cháy rụi.
Leave a Comment