Tuổi trẻ Hồng Kông, gồm 6 con người, tuổi đời chỉ từ 20 đến 26 không hơn, nhưng đã bước lên bục cao nhất của một vị thế chính trị đối với công dân của một quốc gia mà bất kỳ chính trị gia nào cũng đều mong muốn đạt được – nghị sỹ dân biểu trong Hội đồng lập pháp quốc gia.
Bởi ở đất nước đó, tuổi trẻ, họ được đào tạo và giáo dục những nền tảng của sự văn minh và chuẩn mực, họ không được giáo dục để nghe theo, tuân thủ và bị kiểm soát, kiểu 22 tuổi ra trường vẫn còn phải nhờ vả bố mẹ hay người quen để xin việc, hoặc lao đao bao năm cho xong tấm bằng thạc sỹ xong cũng vứt đi mà làm công nhân nếu không muốn chịu cảnh thất nghiệp, hàng loạt tiến sỹ, giáo sư ngồi với nhau trong phòng lạnh để bàn thảo về những định hướng trên trời đầy ảo tưởng và trở nên gần như vô dụng trước những thảm trạng của quốc gia mà ngày càng xấu đi.
Tuổi trẻ của họ, từ 18 tuổi trở lên đã có thể tự quyết định và hành động đối với cuộc đời mình. Nên nhân dân của họ có thể đặt trách nhiệm chuyện quốc gia đại sự lên vai của những người trẻ hiểu biết và bản lĩnh như thế.
Tuổi trẻ, ở nơi này, chịu đủ sự định hướng và áp đặt, giáo điều, từ rất lắm loại người, và với việc chính bản thân họ lại luôn chặc lưỡi cho qua mọi chuyện dù nó có xảy ra thế nào trước mắt, thì khi nào họ mới có thể vươn vai để trưởng thành thực sự? Hay cứ mãi nhỏ bé và làm đứa trẻ 30 tuổi, cả đời chăm chú tìm kiếm và bòn mót lợi ích như một sự tích cóp đáng giá cho mình rồi qua đời vào một ngày nào đó, mà rồi vẫn trắng tay đến phút cuối cùng? Không những thế, đó là để lại hậu quả nặng nề cho thế hệ sau gánh lấy.
Leave a Comment