Đây là người đàn ông đã bắn đạn hoa cải vào đoàn cưỡng chế của công ty Long Sơn ở Đăk Nông khiến 3 người chết và 16 người khác bị thương. Sau vài hôm trốn trong rừng, ông đã biết nhờ luật sư và cả nhà báo để dẫn ra đầu thú mà không phải bởi một lực lượng đại diện nào khác.
Điều đáng nói ở đây, trong bài báo trên báo Danviet đã nêu rõ, tình trạng hàng trăm hộ dân ở đây đã bị chèn ép, cướp phá và có người bị chém đến cảnh phải sống thực vật. Và có một cô giáo đã nói, khi hàng trăm dân làng đang thương xót để tiễn người đàn ông này đi, rằng, anh ấy đã hành động thay và vì hàng trăm người dân ở đây trong suốt nhiều năm qua.
Lý do gì mà doanh nghiệp lại có thể thực hiện việc cưỡng chế? Lý do gì mà các doanh nghiệp kiểu này lại có thể hoành hành và chèn ép, đánh đập người dân đến mức kinh hoàng như thế mà không bị xử lý?
Chắc hẳn, chúng phải được bảo kê và bao che bởi những tên có quyền chức và tham lam, nếu không thì điều gì mà có thể khiến những doanh nghiệp lộng hành, cướp đất, phá hoại cuộc sống và cả tấn công những người dân ở đây liều lĩnh đến thế?
Tình trạng thu hồi đất, về thực chất chính là hành vi cưỡng bức một quyền dân sự đối với tài sản của một người thông qua một mệnh lệnh áp đặt hành chính. Và hiện tượng thu hồi đất rẻ mạt thông qua những dự án đầu tư, dù với bất kỳ danh nghĩa nào, cũng đều dẫn đến những bất công trong chính sách bồi thường vì không thông qua thoả thuận giữa bên có tài sản với bên có nhu cầu, mà lại thông qua bên thứ ba có quyền lực để áp đặt lên để tước bỏ tài sản của công dân thông qua thủ tục “thu hồi”.
Những người dân rất hiền lành và chân chất, không tự nhiên cầm súng để bắn ai nếu không cầm cuốc, xẻng lên nương, rẫy làm vườn tược, trang trại. Nhưng chỉ khi đã thực sự bị dồn đến đường cùng, không những thế, cả những tiếng kêu cứu đã bị bỏ mặc nhiều năm trong vô vọng trước sự nguy hiểm của những kẻ cướp đất, họ mới phải ra tay, để bảo vệ phương tiện sống cuối cùng để cứu gia đình của mình trong sự không được lựa chọn.
Những tiếng súng vang lên trên rẫy mấy ngày qua, chắc chắn là tiếng súng trái ngược với tiếng súng trên Yên Bái của những ngăn tủ chứa hàng trăm tỷ đồng được bung ra sau khi vài mạng quan chức gục xuống.
Một bên là để bảo vệ tài sản, tính mạng bị xâm hại bất hợp pháp một cách công nhiên và vô pháp, một bên là những lợi ích trong phòng kín không thể hoà giải bằng những thoả thuận ngầm.
Tiếng súng ở Hải Phòng đã từng vang lên, ở Hưng Yên thì bằng những mạng người lặng lẽ, ở Dương Nội cũng đầy những tiếng kêu oán than.
Kẻ cướp, rồi cũng chết vì lòng tham không được chia đều, kẻ lương thiện, cũng khó tránh khỏi tù tội và rơi vào cảnh tan nát, khốn cùng.
Tôi đành phải lấy câu hỏi của cụ Nam Cao đã đặt vào miệng Chí Phèo, để ném tung nó vào giữa cái lòng xã hội chó chết này mà gần như tất thảy mọi người đang cố gắng lặng im để tìm lấy sự bình an né tránh nào đó: ai, cho tao lương thiện bây giờ?
Leave a Comment