Đ ầu tháng 4 năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị nhà cầm quyền Cộng sản bắt, giam ở khám Chí Hoà. Một số thơ ông làm trong thời gian này (chẳng hạn bài mở đầu bằng câu “Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn”) đã được chuyển về cho gia đình và đã được phổ biến. Đầu tháng 9-1976, thấy sức khỏe của ông suy sụp, những người cầm quyền thả ông về để chết ở nhà. Tương truyền trong thời gian bị giam, ông có làm 12 bài thơ lấy nhan đề chung là “Đọc lại người xưa,” nhân hai câu thơ của tiền nhân (như Phạm Ngũ Lão, Thị Lộ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát …) mà viết ra 12 câu lục bát, ý về thời thế rất kín đáo nhưng chưa được phổ biến. Sau khi ông mất, CS khám nhà rất nhiều lần nhưng không tìm ra tung tích những bài thơ ấy.
Năm 2007, nhân một người yêu thơ Vũ Hoàng Chương từ Mỹ về Việt Nam, đến thăm gia đình cố thi sĩ, một người học trò thân của Vũ Hoàng Chương ở ngoài nước nhận được 12 bài thơ từ gia đình thi nhân họ Vũ gửi sang, với lời giải thích là “nhà thơ Hoàng Hương Trang đã đem những bài thơ ấy trả lại cho bà Vũ Hoàng Chương,” và bà muốn các bạn cùng môn sinh cũ của nhà thơ ở ngoài nước tìm cách phổ biến.” Nhận thấy ý tưởng gửi trong những bài thơ ấy quá kín đáo, hai người bạn của cố thi sĩ (nhà thơ Cao Tiêu và giáo sư Lưu Trung Khảo) đã cùng một người học trò thân của Vũ Hoàng Chương ở California thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, với kết quả là bài “Đọc lại người xưa : Bành Ngọc Lân” do Trần Từ Mai chấp bút đã được gửi đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ và một số trang mạng.
Năm 2012, trong “Tuyển tập Văn xuôi Hoàng Hương Trang” (xuất bản trong nước), nữ thi sĩ họ Hoàng cho in cả 12 bài “Đọc lại người xưa” của Vũ Hoàng Chương, và cho biết khi tới thăm thi nhân họ Vũ sau khi ông được thả từ Chí Hoà về, bà đã được Vũ Hoàng Chương đọc cho nghe 12 bài thơ ấy để chép lại. Bà cũng đã đọc lại cho ông bà Vũ Hoàng Chương cùng nghe và xác nhận là đúng trước khi đem về cất giữ. Lời thơ trong những bài này hệt như trong những bài các ông Cao Tiêu, Lưu Trung Khảo, Trần Từ Mai nhận được từ gia đình thi sĩ Vũ Hoàng Chương năm 2007. Chuyện nhà thơ Hoàng Hương Trang được ông bà Vũ Hoàng Chương giao cho giữ 12 bài thơ ông làm trong thời gian bị giam ở Chí Hoà năm 1976 là điều đích thực.
Vậy mối liên hệ giữa Vũ Hoàng Chương và Hoàng Hương Trang cũng là điều cần được chúng ta tìm hiểu.
Nhà thơ Hoàng Hương Trang tên thật là Hoàng Thị Diệm Phương, sinh năm 1938 ở Vân Thê, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên. Bà tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật năm 1960, Sư Phạm Mỹ Thuật năm 1961. Bà từng dạy hội họa ở nhiều trường Trung học, và tại trường Đại học Mỹ thuật Sài Gòn. Bà được giải hội họa trong một kỳ thi ở Huế năm 1958, và là tác giả 6 tập thơ từ 1964 đến 2002, trong đó có 4 tập trước 1975:
Khép đôi mi nhỏ(1964)
Linh hồn cỏ biếc(1968)
Túy ca(1972)
Hợp tuyển(1974)
Thơ của bà được in chung trong hơn 30 tuyển tập thơ văn trong và ngoài nước. Bà cũng có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954 – 1973 của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh (Sàigòn : Sống Mới, 1974).
Như thế Hoàng Hương Trang trẻ hơn Vũ Hoàng Chương 23 tuổi (1938-1915), ít tuổi hơn một số môn sinh của ông (trên giấy tờ, Vũ Hoàng Chương được ghi là “sinh năm 1916” nhưng thực ra ông sinh năm 1915). Bên cạnh mối liên tài giữa hai nhà thơ, Vũ Hoàng Chương lưu tâm hơn tới Hoàng Hương Trang có lẽ từ khi bà cho in tập Túy Ca năm 1972, nhắc ông nhớ đến Thơ Say với “Bài ca tận túy” của ông. Sự giao cảm giữa hai nhà thơ chung một nguồn cảm hứng đã được Vũ Hoàng Chương nói rất rõ trong bài thơ thủ bút “Cảm đề Tuý ca,” ông viết để tặng Hoàng Hương Trang năm 1972:
“Bài ca Tận túy” đi hoang Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay.
Cùng làm thơ, chung một nguồn cảm hứng, lại nhận thấy trong danh hiệu có những chữ giống nhau, Vũ Hoàng Chương dễ dàng nhận thấy nơi Hoàng Hương Trang một “trần ai tri kỷ.” Cảm động trước thịnh tình của một nhà thơ tiền bối, Hoàng Hương Trang quan tâm thăm nom Vũ Hoàng Chương sau khi ông bị Cộng sản bắt giam. Biết rằng để thơ ở nhà sẽ không an toàn, việc giao cho Hoàng Hương Trang giữ hộ những bài được làm trong khi bị giam là một điều hợp tình hợp lý đối với Vũ Hoàng Chương. Nhờ thế những bài “Đọc lại người xưa” Vũ Hoàng Chương làm ra trong thời gian ở trại giam Chí Hoà năm 1976 đã không bị mai một.
Leave a Comment