Nguồn: Yingjie Guo, “The CCP returns to Chinese cultural roots”, East Asia Forum, 03/10/2016.
Biên dịch: Lâm Minh Đạt | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Thời gian gần đây, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quay lại với các cội nguồn Trung Quốc đã mang lại một xu hướng tổng hợp mới giữa chủ nghĩa dân tộc về mặt chính trị và văn hóa. Nhà nước độc đảng của Trung Quốc đã không chỉ dần từ bỏ phong cách cách mạng bình thường của mình mà còn đang thúc đẩy chủ nghĩa “dĩ Hoa vi trung” với một sự nhiệt tình khác thường. Sự thay đổi này tạo ra những tác động đáng chú ý cả trong nước lẫn quốc tế.
Trong một thời gian dài, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc không phải là một phong trào tư tưởng đồng nhất mà được chia thành các dòng nhánh về văn hóa và chính trị mâu thuẫn nhau suốt gần một thế kỷ. Về mặt văn hoá, chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa nhắm đến việc duy trì sự tự chủ, thống nhất và bản sắc văn hóa bằng cách bảo vệ “một lối sống riêng biệt và thấm nhuần lịch sử”. Trong chủ nghĩa dân tộc về văn hóa, các giá trị dân tộc, truyền thuyết và ký ức là nền tảng của cộng đồng quốc gia.
Mặt khác, chủ nghĩa dân tộc về mặt chính trị tìm cách tạo dựng lại các quyền lực chính trị của nhà nước và thay thế những di sản văn hóa của Trung Quốc bằng một nền văn hóa mới tương thích với nhà nước hiện nay. Nó cũng phục vụ mục đích xây dựng đất nước, xây dựng nhà nước hoặc hiện đại hóa tùy thuộc vào ý thức hệ chính trị đương đại hiện hành. Chủ nghĩa dân tộc chính trị hoàn toàn lấn lướt chủ nghĩa dân tộc văn hóa từ những năm đầu thế kỷ 20 đến cuối những năm 1980 do niềm tin phổ biến rằng các truyền thống văn hóa xưa kia phải chịu trách nhiệm cho sự lạc hậu và sự ô nhục của đất nước dưới tay các cường quốc phương Tây.
Giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, chủ nghĩa dân tộc văn hóa của Trung Quốc đã trở nên nổi bật hơn. Tháng 11 năm 2013, ông tới thăm Khúc Phụ (Qufu) – nơi sinh của Khổng Tử – và một năm sau đó tham dự lễ tưởng niệm ngày sinh của nhà hiền triết này. Cùng lúc đó, Bộ Giáo dục phát hành một loạt các hướng dẫn về việc giảng dạy văn hóa truyền thống trong các cơ sở giáo dục. Các Đảng viên được yêu cầu tham dự những buổi học tại các trường Đảng và các trường về quản lý nhà nước. Gần đây, Tập đã bổ sung niềm tin về văn hóa vào ‘ba niềm tin” mà ĐCSTQ muốn tăng cường, trong đó bao gồm “niềm tin ý thức hệ”, “niềm tin vào đường lối XHCN” và “niềm tin vào hệ thống XHCN”.
Sự phát triển này biểu hiện cho việc nhà nước độc đảng Trung Quốc đang dần thoát lui khỏi chủ nghĩa Mác và những truyền thống lâu đời về chủ nghĩa dân tộc chính trị. Từ khi tiến hành cải cách, sứ mệnh lịch sử của ĐCSTQ đã chuyển từ đấu tranh giai cấp và cách mạng liên tục sang tập trung vào phát triển kinh tế, xã hội hài hòa và thực hiện “giấc mơ Trung Hoa’.
ĐCSTQ không còn là một ‘nền chuyên chính dân chủ nhân dân’ dựa trên liên minh của giai cấp vô sản công nghiệp và nông dân như được định nghĩa trong hiến pháp của đất nước nữa. Nó cũng không còn được dẫn đường bởi lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin hoặc tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong một môi trường mới, ĐCSTQ phải được dẫn dắt bởi các tư tưởng truyền thống, tín ngưỡng và tầm nhìn Trung Hoa. Và thay vì dựa vào những thành công kinh tế trong khoảng thời gian 1949-2013, tính chính danh của ĐCSTQ bây giờ phải được bắt nguồn từ sự tương thích của Đảng với các quan niệm truyền thống về quản trị tốt.
Hiện nay, các lãnh đạo của ĐCSTQ không chỉ biện minh cho hệ thống chính trị, các giá trị chính trị và mô hình phát triển của Trung Quốc dựa trên cơ sở “các điều kiện quốc gia” mà còn làm như vậy bằng cách tham khảo các truyền thống Trung Quốc xa xưa. Có nghĩa là điều kiện quốc gia đang được mở rộng để bao gồm cả các di sản lịch sử. Do đó, Trung Quốc đang ngày càng trở nên hướng nội và ít tự do hơn về mặt chính trị so với bất kỳ thời kì hậu Mao nào.
Sự chuyển hướng sang văn hoá của nền chính trị dưới thời Tập Cận Bình đã có những ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ với Mỹ. Trái ngược với những suy nghĩ hiện nay về tác động của chủ nghĩa dân tộc lên quan hệ quốc tế, quan hệ Trung-Mỹ đã được cải thiện đáng kể khi ĐCSTQ duy trì chủ nghĩa dân tộc chính trị và bác bỏ bản sắc xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Mỹ và các nước phương Tây đã nhận được sự chú ý của Trung Quốc và được coi là mô hình đáng học hỏi. Mỹ và các nước phương Tây hoan nghênh và ủng hộ cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc vì Trung Quốc đã bắt đầu tiếp nhận chủ nghĩa tư bản và đồng nhất với các giá trị Mỹ.
Mặc dù vậy, quan hệ Trung-Mỹ cũng đã trở nên căng thẳng dưới thời Tập Cận Bình do nhiều yếu tố. Đáng kể nhất là sự phát triển nhanh chóng về mặt sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Ngoài ra, quan trọng không kém là sự từ bỏ chủ nghĩa dân tộc chính trị mang tính phê phán, đồng thời tăng cường chủ nghĩa dân tộc văn hóa, điều dẫn đến việc đánh giá lại toàn diện các tư tưởng chính trị, mô hình phát triển và giá trị văn hóa của ĐCSTQ.
Khi ĐCSTQ trở về với cội nguồn văn hóa và đẩy mạnh bản sắc Trung Quốc, các tư tưởng, giá trị và mô hình phát triển gắn với nước Mỹ đã mất đi tính hợp pháp trong diễn ngôn chính thức. Thay vào đó, ĐCSTQ đang ngày càng tách biệt Trung Quốc ra khỏi Mỹ – đặc biệt là về mặt chính trị và văn hóa – để đảm bảo quyền lực của Đảng không bị đe dọa, và sự tự chủ, thống nhất và bản sắc của Trung Quốc được duy trì.
Điều này không có nghĩa rằng sự trở lại của ĐCSTQ với cội nguồn văn hóa sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh. Nó cũng không có nghĩa rằng ĐCSTQ, hay người dân Trung Quốc, sẽ bác bỏ hết tất cả các giá trị Mỹ. Thay vào đó, ĐCSTQ đang tránh xa những lí tưởng của Mỹ về dân chủ, nhân quyền và nền kinh tế thị trường tự do vốn đe dọa quyền lực của mình. Sự khác biệt về những ý tưởng như vậy cùng với sự cạnh tranh kinh tế, chính trị và quân sự sẽ tiếp tục cản trở quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai gần.
***
Yingjie Guo là giáo sư về Trung Quốc học tại Đại học Sydney.
Leave a Comment