Ngày 16/9/2016, trang VOA loan tin Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết họ sẽ bắt đầu tập trung vào việc thụ lý và xét xử những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp. Thật là một tin vui và làm cho những kẻ đối xử tàn ác với thiên nhiên, môi trường bắt đầu phải e ngại, lo lắng.
ICC là tòa án quốc tế được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, đặt trụ sở tại thành phố The Hague (Hà Lan). Thành lập từ năm 2002, thời gian qua ICC chủ yếu xét xử những vụ án hình sự lớn về diệt chủng và tội ác chiến tranh. Thế nhưng nay thì đã khác.
Ngày 15/9/2016, người phát ngôn của ICC cho biết hành động hủy hoại môi trường và chiếm đoạt đất đai có thể đưa tới việc “khởi tố những chính phủ và cá nhân về tội ác chống nhân loại”.
Theo VOA, chiếm đoạt đất đai đã trở nên ngày càng phổ biến khắp thế giới, với việc những chính phủ cấp quốc gia và địa phương cấp hàng chục triệu hecta đất cho những công ty tư nhân trong 10 năm qua. Những nhà vận động chống tham nhũng thuộc tổ chức Global Witness nói điều này đã dẫn đến nhiều vụ cưỡng chế di dời, sự diệt chủng văn hóa của những dân tộc bản địa, sự suy dinh dưỡng và sự hủy hoại môi trường.
Bà Alice Harrison của Global Witness nói với hãng tin Reuters: “Sự thay đổi này có nghĩa là tòa án có thể bắt đầu buộc những giám đốc điều hành của những công ty lớn chịu trách nhiệm về việc chiếm đất và di dời quy mô lớn xảy ra trong thời bình.”
Trên thực tế và trong lịch sử xã hội loài người, mặc dù hành vi hủy hoại môi trường hay chiếm đoạt đất đai những năm gần đây đã bị xem là tội phạm hình sự tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam với Bộ luật hình sự mới. Tuy nhiên, đánh giá (quốc tế) theo hướng đây là “tội các chống nhân loại” và đưa ra truy tố, xét xử tại các tòa án quốc tế, như tòa án hình sự quốc tế ICC là điều chưa từng có. Đặc biệt là hướng đến việc truy tố xét xử chủ thể là “chính phủ”.
Tại Việt Nam, thông tin về việc ICC sẽ xét xử các vụ án về môi trường được một số tờ báo lớn đưa như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP.HCM… đã dấy lên sự quan tâm của dư luận, với nhiều hy vọng, niềm vui. Đơn giản là vì nhiều người liên tưởng tới hành vi hủy hoại môi trường ở vùng biển miền Trung Việt Nam của tập đoàn tàn ác hạng nhứt thiên hạ Formosa. Tập đoàn này vừa qua đã bị Chính phủ VN buộc phải bồi thường 500 triệu USD.
Theo báo Tuổi Trẻ, hãng luật về nhân quyền Global Diligence LLP, có trụ sở tại London (Anh), các tội ác về môi trường sẽ được xem xét điều tra theo những thẩm quyền hiện có của ICC.
Các nhà vận động chiến dịch và các luật sư nhân quyền cho rằng sự thay đổi này của ICC cho thấy thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của các tội ác gây ra với môi trường. Nó cũng giúp các nạn nhân có thể tìm công lý thông qua hệ thống tòa án hình sự quốc tế nếu đơn khiếu nại của họ không được giải quyết ở cấp tòa án trong nước.
Sự thay đổi chính sách này của ICC được công bố ngay trước thời điểm công tố viên Fatou Bensouda của ICC phải ra quyết định về việc có điều tra hay không một vụ việc do nhóm luật sư nhân quyền khởi kiện năm 2014, buộc tội các quan chức và doanh nhân Campuchia đã tước đoạt quyền sử dụng đất một cách trái phép.
Hãng luật Global Diligence LLP là đơn vị đại diện cho các nguyên đơn Campuchia cho biết sự thay đổi chính sách của ICC đã mở ra cơ hội giúp vụ việc này được tòa quốc tế thụ lý, điều tra. Trong khi đó chính phủ Campuchia cho rằng đây là vụ việc có động cơ chính trị xúi bẩy và dựa trên “những con số không có thật về những người bị ảnh hưởng trong quá trình thâu tóm đất đai”.
Theo tổ chức Global Witness, năm 2015 là năm xảy ra nhiều nhất các vụ xung đột bạo lực liên quan tới vấn đề đất đai với tỉ lệ cứ mỗi tuần lại có 3 người thiệt mạng trong các vụ xung đột đất đai với các công ty khai khoáng, khai thác gỗ, doanh nghiệp xây dựng đập thủy điện hoặc kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Với diễn tiến như trên, quay trở lại Việt Nam, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu Formosa Việt Nam có thể bị kiện ra Tòa án hình sự quốc tế hay không – với đề nghị truy tố về “tội ác chống nhân loại” do hành vi hủy hoại môi trường của mình ? Và nếu điều ấy xảy ra thì k3hi nào? Ai/ tổ chức nào sẽ đứng ra khởi kiện? Khả năng thắng kiện là như thế nào? Chúng ta hãy cùng chờ đợi.
(Xem tiếp trang 2: Hủy hoại môi trường là hành vi phạm tội theo luật Việt Nam)
Dưới đây là Youtube clip của VOA Tiếng Việt liên quan đến sự kiện:
Leave a Comment