HÀ NỘI (CTM Media) – Trong thời gian qua các định chế tài trợ quốc tế như Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB), Ngân Hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vẫn thường xuyên đưa ra các khuyến cáo giúp Việt Nam nên phát triển kinh tế một cách bền vững, thay vì chỉ chăm chú ngó vào các con số báo cáo tỉ lệ tăng trưởng.
Theo Ông Eric Sidgwick, giám đốc tại Việt Nam của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) nhận định về đường lối điều hành kinh tế của chế độ Hà Nội, thì “Tỉ số tăng trưởng kinh tế mỗi năm là những con số quan trọng, nhưng chiều hướng tăng trưởng của tỉ lệ tăng trưởng mới là điều quan trọng.”
Theo các báo cáo của cả DAB và WB, cái ước tính tăng trưởng này vẫn là quá xa thực tế. Họ chỉ cho rằng nhiều lắm, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng được 6% cho năm 2016 thay vì 6,7% mà Hà Nội đã đề ra hồi đầu năm.
Ông Eric Sidgwick nhấn mạnh, điều quan trọng hơn cả tỉ số tăng trưởng là phải bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế bền vững hàng năm cũng như sự tăng trưởng phải được chia xẻ cho những người đóng góp vào sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc moi tài nguyên thiên nhiên lên bán cũng như xuất cảng một số nông sản, thủy sản, Việt Nam dựa vào các nhà đầu tư ngoại quốc mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam để có thành tích kinh tế tốt. Vì chú trọng vào xuất cảng trong khi không có khả năng kiểm soát tình hình thị trường thế giới, nền kinh tế của Việt Nam ở trong thế bị động.
Vì vậy, Việt Nam cần phải đa dạng hóa các loại hàng hóa xuất cảng các sản phẩm của mình cũng như đa dạng hóa thị trường xuất cảng hầu đối phó với các cú sốc kinh tế, cũng như cần phải cải cách khu vực nông nghiệp để có khả năng cạnh tranh tốt hơn cũng như tăng thu nhập cho nông dân vốn phần lớn sống ở thôn quê.
Đã có nhiều bài viết nói về tình trạng cùng khổ của người nông dân Việt Nam dù họ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hàng ngày để nuôi sống chế độ nhưng lại là thành phần bị chế độ “của dân, do dân và vì dân” bóc lột tàn nhẫn nhất.
Ông Sidgwick cũng cho rằng Việt Nam cần phải chú trọng vào việc gia tăng tiêu thụ nội địa vì với hơn 91 triệu người, Việt Nam có một thị trường tiêu thụ rất lớn. Cho tới nay, hàng hóa Trung Quốc đủ loại, từ sản phẩm điện tử đến củ hành củ tỏi, quần áo, tràn ngập thị trường Việt Nam từ thành phố đến thôn quê.
Bên cạnh đó, để nền kinh tế phát triển hiệu quả hơn, cần phải thúc đẩy khu vực kinh tế tư doanh và giảm bớt các công ty quốc doanh. Điều này đã từng được khuyến cáo rất nhiều suốt nhiều năm qua nhưng chế độ Hà Nội vẫn hô hào lấy quốc doanh là ‘chủ đạo” dù chúng phần lớn đều “lời giả, lỗ thật” và là cơ hội để đám quan chức đảng viên đục khoét.
Nói tóm lại, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, cải tổ hệ thống quốc doanh, thị trường tài chính, cải thiện nhiều nữa hạ tầng cơ sở để có thể phát triển kinh tế thành công.
Leave a Comment