Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt khẩn cấp và khám xét tư gia vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. Diễn tiến của vụ bắt giữ này từ việc Mẹ Nấm cùng thân mẫu của Nguyễn Hữu Quốc Duy đến trại giam để làm thủ tục thăm gặp.
Quốc Duy là một thanh niên trẻ ở Khánh Hoà, mới đây Duy bị xét xử theo điều 88, tội tuyên truyền chống phá nhà nước CNXH Việt Nam cùng với em họ của mình là Nguyễn Hữu Thiên An. Công an trại giam đã ngăn cản quyền gặp thân nhân của Quốc Duy.
Việc Như Quỳnh đi cùng bà Nay, mẹ của Quốc Duy, đến trại giam để tìm hiểu việc vi phạm chế độ thăm gặp của trại giam là một việc làm bình thường của một công dân quan tâm đến chuyện công bằng của pháp luật. Đoạn clip quay lại việc tiếp xúc với cán bộ trại giam trên Facebook của Như Quỳnh cho thấy Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng với bà Nay có thái độ cực kỳ ôn hoà và không hề có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thế nhưng chỉ ít phút sau, công an Khánh Hoà tiến hành bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và khám xét khẩn cấp theo tội danh của điều 88.
Đến chiều cùng ngày, báo Công An Nhân Dân đưa bản tin khá dài liệt kê lý do bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong đó không đả động gì đến việc thăm gặp Nguyễn Hữu Quốc Duy trước đó. Điều này chứng tỏ việc bắt giữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nằm trong tính toán của Bộ Công An từ trước, không phải vì nguyên nhân có từ vụ thăm gặp kia.
Khái quát những tội danh mà Bộ Công An liệt kê cho Như Quỳnh có 3 điểm sau.
– Tham gia nhiều hoạt động của các tổ chức dân sự, gặp gỡ nhiều cơ quan quốc tế.
– Viết và đăng tải nhiều bài viết trên Facebook có nội dung phê phán sai trái của nhà cầm quyền.
– Lập hồ sơ về những vụ công an bạo hành, giết người.
Đặc biệt tập hồ sơ về những vụ công an bạo hành, giết người được nhấn mạnh nhất. Đây là tập hồ sơ có tên “Stop police killing civilians” được Như Quỳnh bắt tay soạn thảo từ năm 2014 đến nay.
Ở điểm một và điểm hai có nhiều người đấu tranh cũng hoạt động tương tự giống Như Quỳnh. Ở hai mục này Như Quỳnh hoạt động nhiều, nhưng vẫn duy trì được sự ôn hoà hơn so với nhiều người khác, trong những hoạt động này Quỳnh còn va cham với nhiều cá nhân, tổ chức khác.
Nhưng ở điểm thứ ba là soạn thảo và thu thập hồ sơ các vụ bạo hành của công an là điểm đặc biệt rất độc đáo của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mà chưa có người đấu tranh hay tổ chức dân sự nào làm nghiêm túc như vậy. Tinh trạng công an bạo hành diễn ra nhiều năm, càng gần đây xu hướng này càng có chiều hướng ra tăng trắng trợn và tàn bạo hơn.
Có thể nghĩ việc bắt giữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là sự trả thù của Bộ Công An với về việc Quỳnh đã lập hồ sơ các tội ác của bộ này diễn ra trong những năm qua. Nếu đọc kỹ những gì bài báo công an nêu ra, có vẻ như Bộ Công An muốn nói rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có nhiều hoạt động trước đó, nhưng đến nay vì lên án trực tiếp vào uy tín của Bộ Công An nên họ mới tiến hành bắt giữ.
Gần đây lãnh đạo của Bộ Công An nói chung và cơ quan an ninh nói riêng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi về nhân sự cũng như đường lối so với những năm trước kia. Điển hình là việc lần đầu tiên Tổng Bí Thư tham gia vào đảng uỷ Bộ Công An. Những thay đổi này khiến Bộ Công An trở thành cơ quan quyền lực nhất đất nước, là lực lượng trọng yếu để bảo vệ quyền lợi của đảng. Hiện nay thành phần uỷ viên BCT xuất thân từ Công An chiếm rất nhiều trong Bộ Chính Trị. Phải nói là chiếm tỷ lệ lịch sử nhất từ trước đến nay. Qua việc công an đánh nhà báo rồi trắng trợn nói đó chỉ là gạt tay, giơ chân và xử phạt ngược lại nhà báo mới đây, cho thấy rõ cơ quan công an đã đưa ra thông điệp cảnh báo đến toàn xã hội họ là thành trì bất khả xâm phạm, đứng trên mọi góc độ của pháp luật.
Tuy nhiên suy nghĩ nguyên nhân việc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, do Bộ Công An trả thù hành động Như Quỳnh lên án họ, là suy nghĩ cá nhân người viết. Còn nhiều nguyên nhân khác như nhiều nhà phân tích khác đưa ra cũng rất thuyết phục, chẳng hạn như đây là một âm mưu để gây cản trở đến phong trào đòi môi trường sạch, đòn tấn công vào sự phát triển của phong trào xã hội dân sự, gây căng thẳng ngoại giao với phương Tây và làm hài lòng Trung Cộng…
Nhưng dù là nguyên nhân nào đi nữa, việc Bộ Công An bắt giữ một người mẹ đơn thân đang nuôi hai đứa con nhỏ, hoạt động bảo vệ nhân quyền một cách ôn hoà, đấu tranh đòi hỏi công bằng, minh bạch dựa trên cơ sở của pháp luật… việc bắt giữ một người như thế là một hành đông phi nhân tính và vô pháp luật. Hành động bắt giữ này ngay lập tức đã gây tiếng xấu cho đất nước trên phương diện quốc tế và dư luận nhân dân. Nhất là áp dụng điều 88 của bô luật hình sự là điều mà các nước tiến bộ đang lên án dữ dội. Ví dụ trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã can thiệp để một số nhà đấu tranh bị áp dụng điều luật 88 này rời khỏi nhà tù Việt Nam đến Hoa Kỳ, đó là các trường hợp Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần… nhưng thời gian để đưa những người như vậy ra tù thường khá lâu, và trong thời gian rất dài đó, họ thường bị ngược đãi thậm tệ trong nhà tù.
Nếu cho rằng việc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giữ, là sự trả thù của công an vì những lên án của Như Quỳnh đối với các hành động thô bạo, chà đạp pháp luật và nhân tính hành hạ người dân từ phía công an. Thì việc Như Quỳnh bị công an bắt giữ mới đây chính là bằng chứng sống động nhất để minh hoạ cho sự tàn bạo ấy.
Lớp lãnh đạo đảng CSVN sau đại hội 12 chưa gây được ấn tượng tốt đẹp gì với các nước tiến bộ phương Tây. Các hoạt động của lớp lãnh đạo này với bên ngoài trong thời gian họ nhậm chức đến nay là những hoạt động tiếp xúc với những thế lực, cá nhân độc tài, phi tiến bộ như Nga, Phi, Trung, I-Ran, Triều Tiên, Cu Ba, Venezuela… Việc liên tiếp bắt và xét xử những người bất đồng chính kiến với điều 88 như Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hữu Quốc Duy…vvà đến nay là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, là những hành động đẩy xa Việt Nam khỏi nền văn minh, tiến bộ của thế giới.
Lãnh đạo ĐCSVN cần chấm dứt những hành động nguy hại đến lợi ích dân tộc như trên, phải thả tự do cho những người bất đồng chính kiến, hoạt động bảo vệ nhân quyền, môi trường đang bị giam giữ bất công, trái pháp luật đã nêu, ngay lập tức. Trong bối cảnh đất nước suy thoái kinh tế nặng nề, nợ công trầm trọng, đời sống người dân ngày một sa sút, thuế phí tăng cao. Việc nới rộng tự do, dân chủ là cần thiết để người dân hy vọng lạc quan đến tương lai. Sử dụng biện pháp trấn áp tự do lúc này chỉ khiến nhân dân cảm thấy ngột ngạt và bế tắc trước thời cuộc thêm mà thôi.
Hãy để người dân còn thấy được niềm tin và chút hy vọng trong những năm tháng đen tối này, đó là một cách sự xử khôn ngoan.
Leave a Comment