C ó một thực tế không thể phủ nhận là phần lớn người dân vẫn đang kiên trì yêu cầu đóng cửa Formosa. Dẫu báo chí chẳng viết được mấy dòng, thì sự thật là ở Kỳ Anh mấy bữa trước, hàng vạn người dân đã tập trung trước cửa Formosa vì thông điệp ấy. 506 lá đơn khởi kiện Formosa đã được gửi đến toà án nhân dân huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Và rồi, chúng được trả về với lý do không đủ căn cứ xác định thiệt hại.
Con đường một bộ phận ngư dân đang đi có vẻ dần xa bước chân của những người quản lý nhà nước. Tôi biết mình đang nói ngược. Bởi đáng ra, cán bộ quản lý phải hướng về nhân dân, xã hội nào cũng vậy. Nhưng, có lẽ chính họ còn đanh loay hoay với câu hỏi, Formosa – đường nào đi về phía nhân dân?
Đối thoại
Từ khi Formosa cúi đầu thừa nhận chính họ gây ra vụ cá chết ở miền Trung, tôi chờ mãi một cuộc đối thoại của chính quyền với người dân.
Tôi chưa thấy cá nhân, tổ chức nào giải toả được những thắc mắc của người dân về độ an toàn của hải sản, về giải pháp phục hồi môi trường, về sinh kế cho ngư dân, về biện pháp đảm bảo không để xảy ra những vụ việc tương tự bằng các thông tin hoàn toàn thuyết phục.
Tiền từ ngân sách đã được chi vào việc tổ chức các hội thảo na ná nhau, lần lượt ở Huế, Hà Tĩnh để các chuyên gia, nhà quản lý nói về việc biển tự làm sạch. Đáng ra, nên dành một khoản cho cuộc đối thoại cởi mở với dân, có sự tham gia của những người đại diện do dân uỷ nhiệm. Điều này, ít nhất là một tín hiệu về sự lắng nghe, điều mà họ đã mỏi mòn.
Xử lý người có trách nhiệm
Người VN nói là làm. Formosa phải bị quy trách nhiệm pháp lý khi đã xử lý bùn thải nguy hại không đúng quy định pháp luật. Những cá nhân có liên quan, từ cán bộ quản lý, đến người của Formosa, Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh phải bị xử lý.
Những cái tên như Võ Tá Đinh, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Anh Đức, giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường… không thể được che chở bởi cái gọi là đúng quy trình, rút kinh nghiệm, mà phải xuất hiện trong các quyết định kỉ luật, thậm chí cách chức và hơn thế nữa.
Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn không những phải xin lỗi nhân dân, mà việc khuyên dân ăn hải sản (có độc) cho thấy cá nhân này không xứng đáng tiếp tục ngồi ở vị trí “quan phụ mẫu”.
Người đã ký giấy phép cho Formosa xả thải ra biển thay vì ra sông Quyền (phương án hiện nay đang dự kiến đổi lại) không thể hạ cánh an toàn. Đó là thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai.
Người đã rước Formosa vào Vũng Áng 70 năm khi chưa được Chính phủ chấp thuận, người đã gian dối khi giới thiệu Formosa có kinh nghiệm luyện thép dù đây là dự án đầu tiên của họ, phải bị truy cứu trách nhiệm. Không thể nào cá biển đã chết vì nhiễm độc, làng chài tiêu điều, ngư dân điêu đứng, mà con người ấy, tức ông Võ Kim Cự lại lên tivi nói về thực phẩm sạch và điềm nhiên ngồi trong Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội như những ngày qua. Điều đó bào mòn niềm tin và sức chịu đựng của nhân dân.
Formosa get out – bằng cách nào?
Formosa đã đầu tư 10 tỉ USD vào Vũng Áng. 10 tỉ USD là 222.000 tỉ đồng, một con số khổng lồ đối với một nền kinh tế khó khăn chồng chất như VN hiện nay. Đóng cửa Formosa rất khó, nhưng không phải không có cách.
Trước tiên, Chính phủ cần bỏ ngay việc ưu ái đối với các nhà máy luyện thép qua việc xử lý nước thải. Nước thải luyện thép phải được xử lý và đạt chuẩn như nước thải các ngành công nghiệp khác, chứ không thể nới lỏng riêng cho ngành thép ở mức dễ dãi hơn như hiện nay.
Chính phủ cần yêu cầu Formosa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn, với kinh phí đầu tư phải khoảng 20-25% tổng mức đầu tư của dự án. Chỉ khi nào Formosa làm được một hệ thống xử lý nước thải trị giá 2-2,5 tỉ USD mới được vận hành nhà máy. Tuyệt đối không thể không thể chấp thuận nhà máy 10 tỉ USD mà họ chỉ bỏ ra vỏn vẹn 44,5 triệu USD cho hệ thống xử lý nước thải.
Thêm nữa, chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải (không nằm trong vốn đầu tư ban đầu) phải được kiểm toán và đảm bảo ở mức 17 USD/tấn thép như trung bình ở Mỹ. Bởi nếu tiết kiệm chi phí vận hành, môi trường sẽ vẫn ô nhiễm.
Hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn giữa một bên là lợi ích của ngành thép với một bên là ngành công nghiệp không khói – du lịch, ngành đánh bắt và chế biến hải sản, và đặc biệt là sự bình yên trong xã hội. Có thể xem lại việc bảo hộ ngành thép bằng thuế. Thậm chí là tăng phí môi trường, thuế tài nguyên đối với công nghiệp luyện kim.
Chỉ cần áp dụng tất cả những biện pháp trên, tức đảm bảo phải làm thép sạch, Formosa sẽ tự động rút lui. #FormosaGetOut – thực ra là có thể. Vấn đề vẫn là sự lựa chọn mà thôi.
Leave a Comment