Quảng Cáo

Nhức nhối Formosa

Quảng Cáo

Thảm hoạ do Formosa gây nên đã ảnh hưởng khủng khiếp đến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung. Đặc biệt đối với hai ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản và du lịch. Đây là hai nghề có nguồn thu chủ yếu của dân địa phương, bởi thế sự khủng hoảng của hai ngành nghề này đã kéo theo hệ luỵ cho nhiều ngành nghề khác ở đây.

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đàm phán bí mật với Formosa để nhận bồi thường 500 triệu usd cùng với lời nhắc nhở Formosa không được để tình trạng xả độc tái diễn lớn như vậy.

Suốt từ tháng 4 đến tháng 10, tức đã nửa năm xảy ra thảm hoạ này. Người dân địa phương có ngành nghề liên quan bị thiệt hại chỉ nhận được hơn chục kg gạo mốc hỗ trợ.

Từ ngày đầu tháng 7, thông tin trên báo chí cho biết đã hoàn tất kế hoạch của chính phủ sử dụng tiền đền bù Formosa thế nào.
(http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/500-trieu-usd-den-bu-cua-formosa-su-dung-the-nao-20160701094022206.htm)

Nhưng bản kế hoạch đã hoàn tất này phải đợi đến gần 3 tháng sau, ngày 23 tháng 9 năm 2016 mới có tin là sắp trình lên chính phủ. Xin nhắc lại là sắp trình chứ không phải đã trình.
(http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/the-post-formosa-compensation-plan-will-be-presented-pm-next-week-09232016134954.html)

Ngày 1 tháng 7 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sử dụng số tiền bồi thường này vào hai mục chính. Đó là hỗ trợ giảm lãi suất vay cho người dân có tàu đánh cá và khắc phục môi trường và hỗ trợ cho người dân thiệt hại.

Đến nay, đã 6 tháng từ khi xảy ra thảm hoạ, việc khắc phục môi trường của chính phủ là cho người ra bờ biển nhặt xác cá chết. Còn lại là chờ thời gian, bão tố, mưa giông sẽ làm chất độc bão hoà vào biển. Và người dân thì vẫn chưa được đồng tiền đền bù nào?

Giờ thì không ai biết chính phủ sẽ khắc phục môi trường và bồi thường người dân thế nào với khoản tiền 500 triệu usd kia. Chính xác hơn là đến bao giờ?

Có lẽ, cách giải quyết mà chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn là đợi cho môi trường tự làm sạch theo thời gian. Và theo thời gian sự mong ngóng đòi bồi thường của người dân cũng mòn mỏi và nhạt nhoà đi. Khi sự việc xảy ra quá lâu rồi, những chứng minh thiệt hại sẽ chẳng còn thuyết phục. Người dân muốn được bồi thường sẽ vấp phải sự đòi hỏi chứng minh thiệt hại từ phía nhà cầm quyền như một cuộc thẩm vấn. Lúc đó họ sẽ chán nản và chả thiết tha gì, vì đòi hỏi được bồi thường là công việc quá mệt mỏi.

Nhưng người dân dường như cũng thấy âm mưu của chính phủ, họ đã tổ chức những cuộc biểu tình thúc chính phủ phải có cách giải quyết rõ ràng về thảm hoạ Formosa. Yêu cầu của người dân là bồi thường thoả đáng và Formosa phải chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.

Cả hai yêu cầu này đều chính đáng, ở yêu cầu thứ nhất nạn nhân phải được bồi thường thoả đáng những gì họ bị thiệt hại là đúng với pháp luật. Ở yêu cầu thứ hai, những kẻ gây tai hoạ phải bị trừng trị nghiêm khắc vì gây ra hậu quả cực lớn, ảnh hưởng lâu dài. Nhìn từ cách hành xử của chính phủ Việt Nam và Formosa thì việc đòi chấm dứt Formosa hoạt động càng đúng đắn. Bởi cách xử lý dễ dãi với nhau giữa chính phủ và công ty này mang tính coi thường lợi ích của người dân, thoả thuận ấy của chính phủ và Formosa mang tính chất ưu tiên lợi ích của bọn họ hơn là lợi ích của người dân.

Chỉ vất ra 500 triệu usd, Formosa đã phủi trắng tay khỏi trách nhiệm xả độc làm hại môi trường, khéo léo đẩy cuộc đối đầu của họ với người dân sang phía chính phủ Việt Nam với người dân Việt Nam.

Nghiệt ngã thay, chính phủ Việt Nam đã cầm tiền và sẵn sàng đóng vai đối đầu với người dân trong vấn đề này.

Thế nên, các cuộc biểu tình, ý kiến đòi hỏi minh bạch hay bồi thường của người dân sẽ bị chế độ xuyên tạc thành những ý đồ chống phá nhà nước, gây mất an ninh trật tự….

Và bây giờ, chính phủ Việt Nam gác mối lo xử lý bồi thường cho người dân, khắc phục môi trường sang một bên. Thay vào đó họ nghĩ cách làm thế nào để quy chụp động cơ đòi bồi thường và xử lý dứt điểm Formosa của người dân, trở thành động cơ chính trị, tôn giáo, chống phá an ninh quốc gia. Sau khi đã quy chụp làm cho ý chí người dân bị tê liệt, bị phân tán và hoang mang. Lúc đó chính phủ bồi thường vài ba đồng còm cho người dân thế nào cũng được, lại mang tiếng thương dân, vì dân.

Bởi thế chúng ta thấy bản kế hoạch bồi thường dùng dằng không được thực thi, trong khi đó báo chí bị cấm nhắc đến Formosa, mặt khác những bài viết của dư luận viên quy chụp những người biểu tình phản đối Formosa ngày một nhiều hơn và nặng nề hơn.

Biến nạn nhân trở thành tội phạm, đó là sở trường của chế độ này trong các vụ khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, chủ quyền biển đảo. Giờ đây chế độ cộng sản Việt Nam lại tiếp tục, đem phương pháp này áp dụng vào những người dân đang đòi hỏi làm rõ vụ Formosa.

Người dân bị nạn vốn đã nhức nhối vì tai hoạ, giờ họ càng trở nên nhức nhối hơn. Nếu họ chờ đợi chính phủ đền bù, đó sẽ là chờ đợi mỏi mòn mà kết quả đền bù sẽ quá nhỏ nhoi so với công sức họ chờ đợi. Nên nhớ là công sức chờ đợi chứ chưa phải là thiệt hại của họ do Formosa gây ra.

Trong chương trình các uỷ viên bộ chính trị tiếp xúc với cử tri đầu tháng 10 này. Bộ Chính Trị đã thống nhất chỉ đạo cho các cơ sở tổ chức, phải bố trí mớm lời cho các cử tri đặt câu hỏi về tham nhũng, không được để cho các cử tri hỏi về Formosa. Sau khi kết thúc chương trình tiếp xúc cử trị, sẽ cho báo chí rầm rộ đưa tin trọng tâm mà các cử tri cả nước quan tâm là chương trình chống tham nhũng, tiêu cực của đảng. Toàn thể nhân dân đều nhất trí đồng tình, ủng hộ và bày tỏ sự tin tưởng vào chiến dịch này….

Và khi đã đưa tin thế, thì những vụ việc như Formosa có lớn hay tác hại đến đâu đi nữa, chỉ là chuyện nhỏ.

Chỉ có những người dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh miền Trung là chuyện lớn với họ. Nhưng khi đảng cấm báo chí nói đến, thì chuyện lớn đó chẳng được ai biết tới, nó sẽ không là chuyện lớn nữa.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux