‘Nguyễn Như Phong nổi loạn’
Quyết định rất nhanh của Bộ Thông tin và Truyền thông rút thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Petrotimes, sau khi cơ quan chủ quản là Hội Dầu khí Việt Nam đã cách chức ông Phong, đồng thời đình bản Petrotimes 3 tháng, cho thấy vụ Petrotimes đăng lại bài Thời Báo (Đức) phỏng vấn Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) không phải do một cấp dưới của ông Nguyễn Như Phong tự ý đăng mà ông Phong không biết, cũng không phải ông Phong bị “gài” bởi một bàn tay bí ẩn nào đó, mà chính là ông Nguyễn Như Phong quyết định đăng bài phỏng vấn này.
Hiểu một cách nào đó, vụ việc chưa từng có trên có thể ví như “Nguyễn Như Phong nổi loạn”. Trong lịch sử cầm quyền của đảng CSVN, thỉnh thoảng lại có một tờ báo bị đình bản hoặc một tổng biên tập bị cách chức vì đăng bài mang quan điểm có phần đối lập. Tuy nhiên, chỉ là “có phần” thôi chứ không toạc móng heo như vụ Petrotimes đăng bài phỏng vấn Người Buôn Gió.
Người Buôn Gió lại nằm trong số nhân vật bất đồng chính kiến bị đảng cầm quyền ghét cay ghét đắng và đánh giá là “cực kỳ phản động”. Không những thế, blogger này đang liên đới cực kỳ mật thiết với nhân vật Trịnh Xuân Thanh ra mặt chống đảng mà đảng lùng bắt mãi không được. Không ít ý kiến cho rằng việc Petrotimes đăng bài phỏng vấn Người Buôn Gió là một thách thức trực tiếp đối với quyền lực của đảng và đồng thời là một “cái tát” đối với thể diện của Tổng Bí thư Trọng – người mà có lẽ thù Trịnh Xuân Thanh và Người Buôn Gió đến tận xương tủy.
Nhưng sau tất cả màn hỉ nộ sân si ấy, có thể hiểu tâm thế của ông Nguyễn Như Phong ra sao để dẫn ông đến hành động đăng bài chưa từng có như trên?
Tâm thế Nguyễn Như Phong
Nguyễn Như Phong lại là đại tá công an, từng là phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân của Bộ Công an. Trong suốt quá trình hành nghề của mình, Nguyễn Như Phong không chỉ nổi tiếng với triết lý “làm nhà báo phải như con chó ấy”, mà là tác giả của không ít bài báo công kích, kể cả xúc phạm nhân phẩm giới đấu tranh dân chủ nhân quyền. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế – một trong những nhà đấu tranh dân chủ có bề dày ở Việt Nam – kể lại rằng vào năm 1991 khi bác sĩ còn trong tù, chính nhà báo Nguyễn Như Phong đã vào tận trại giam để chụp hình và viết bài công kích ông.
Với chiều dài quá “chuyên chính” như thế, vì sao Nguyễn Như Phong lại quyết định “kết” Người Buôn Gió – nhân vật nằm trong “đám” mà ông Phong vẫn thường chửi rủa thậm tệ? Nếu để câu lượng đọc cho báo, ở Việt Nam không thiếu gì vụ cướp – giết – hiếp mà sao Nguyễn Như Phong phải quá mạo hiểm đề cập đến “lằn ranh đỏ” – giới hạn mà là một nhà báo công an quá nhiều kinh nghiệm, ông Phong không thể không thấm đến tận não bộ?
Nhìn lại, từ khi Nguyễn Như Phong về làm tổng biên tập ở Petrotimes, tờ báo này đã bật lên và có ít nhất hai thế lực chính trị mạnh sủng ái: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công an.
Vào thời gian trước Đại hội XII, Petrotimes là một trong số ít tờ báo có vẻ ra mặt ủng hộ Thủ tướng Dũng. Dư luận cũng thường nhắc đến mối quan hệ “thân tình” giữa Thủ tướng Dũng với ông Nguyễn Như Phong.
Theo đó, không loại trừ việc đăng lại bài phỏng vấn Người Buôn Gió là một hành động “cướp cò” của ông Nguyễn Như Phong để phản ứng trước chiến dịch một số tờ báo nhà nước “đánh Trịnh Xuân Thanh”, bởi bài trả lời phỏng vấn của Người Buôn Gió là có lợi cho Trịnh Xuân Thanh, mang hàm ý thanh minh cho Thanh ở PVC; đồng thời phản ứng với loạt bài của tác giả Huy Đức tấn công trực diện Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng, qua đó gián tiếp phản ứng với chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng mà dường như đang nhắm đến Đinh La Thăng và sau đó có thể là Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu quả Nguyễn Như Phong muốn phản ứng theo cách trên thì chỉ có thể cho rằng: để bảo vệ nhóm lợi ích của mình, trong một cơn bức xúc không kiềm chế được hoặc với một chủ đích đã tính toán, ông Phong đã gạt phắt ý thức hệ bảo vệ chế độ để một bước nhảy thẳng sang phía “thế lực thù địch” Người Buôn Gió.
Bước nhảy ghê gớm trên có thể làm sững sờ phần còn lại của giới công an, đặc biệt đối với những cán bộ công an vẫn giữ rịt quan niệm “còn đảng còn mình”, đồng thời khiến bật ra một câu hỏi chĩa thẳng vào rường cột chế độ: Phải chăng cú nhảy quyết liệt của Nguyễn Như Phong công an là một đặc trưng cho tâm trạng sẵn sàng quay ngoắt của đa phần cán bộ đảng viên nếu “tình hình có biến”?
Thông điệp nào của ông Trọng?
Bất kể Tổng Bí thư Trọng và các đồng chí của ông đang nghĩ gì, biến đổi cũng là quy luật của thời gian, chỉ là sớm hay muộn hơn một chút mà thôi.
Sau những gì thuộc về tâm thế Nguyễn Như Phong, hãy nhìn vào tâm thế của đảng, hay chính xác hơn là một bộ phận nhỏ trong đảng. Bằng động tác cách chức và rút thẻ nhà báo ông Nguyễn Như Phong, đảng muốn “nhắn nhủ” gì đến xã hội và nội bộ?
Với xã hội, đảng vẫn đương nhiên muốn ngăn chặn những tư tưởng bất đồng, đặc biệt trong giới báo chí.
Ông Trương Minh Tuấn đã mau mắn và mẫn cán thi hành việc này. Tuy nhiên, quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong và đình bản 3 tháng Petrotimes lại không nêu rõ lý do. So với những trường hợp kỷ luật báo chí gần đây đều nêu nguyên do, sự trống vắng quá khó lý giải vào lần này cho thấy ít nhất hai điều:
1. Ông Nguyễn Như Phong có một khả năng thoát bị truy tố vì vụ đăng bài phỏng vấn Người Buôn Gió, vì nếu bên đảng tự tin thì đã nêu rõ lý do ông Phong bị rút thẻ nhà báo và báo Petrotimes bị đình bản 3 tháng.
2. Dường như đã có một sự không thống nhất giữa cơ quan tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Công an trong việc “xử lý Nguyễn Như Phong”. Nói cách khác, có thể Bộ Công an tìm cách “đứng ngoài cuộc” và để cho cơ quan đảng làm phần hành của bên đảng, nhưng chỉ làm việc xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật chính quyền, còn việc đưa ông Phong vào vòng tố tụng hình sự là một chuyện hoàn toàn khác.
Quyền lực của đảng cũng vì thế vẫn đang theo khuynh hướng dần bị co hẹp. Nếu trước đây quyền lực này bị áp lực bởi phản ứng của phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì nay còn chông chênh hơn bởi những bất đồng đã biến thành hành động công khai ngay trong nội bộ.
Rất có thể, vụ Nguyễn Như Phong mang ý nghĩa như một phát pháo công khai đầu tiên trên mặt báo chí nhà nước, thay vì chỉ trên mạng xã hội như trước đây, của một nhóm quyền lực – tài phiệt phản ứng đối với thế lực bên đảng, tiếp theo hàng loạt vụ việc nội bộ nổ ra từ tháng Tám năm 2016 cho đến nay như cái chết bị nghi vấn của viên thiếu tướng chỉ là “phụ trách Tư lệnh quân khu 2” Lê Xuân Duy, vụ giết quan chức Yên Bái với tin đồn kinh khủng “cả ba bị bắn”, vụ Trịnh Xuân Thanh ung dung tẩu thoát ngay trước mũi công an, vụ bắt Vũ Đức Thuận sau đó, và tất nhiên phải kể đến nhân vật Đinh La Thăng có thể đang nằm trong tầm ngắm “truy diệt” của bên đảng.
Đồng thời với một vị trí “giám sát” mới của mình trong Thường vụ Đảng ủy công an trung ương, có lẽ Tổng Bí thư Trọng – thông qua vụ kỷ luật rất nhanh ông Nguyễn Như Phong – còn muốn răn đe lực lượng công an “phải trung thành hơn với đảng”, và muốn đánh bạt mọi hy vọng cứu vớt cho nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật vừa là cựu nhưng vẫn là đương kim đối thủ của ông Trọng.
Leave a Comment