Người ta cho rằng trong 20 năm trời xây dựng quân đội, vũ khí của Trung Quốc chế tạo có khá hơn trước nhiều. Điều này đúng phần nào đó. Các loại vũ khí như chiến đấu cơ J-10, tàu ngầm hạng-Yuan, xe tăng T-99 chắc chắn là tốt hơn máy bay J-7, tàu ngầm hạng-Ming, xe tăng T-59, những thứ này chỉ là đồ nhái của vũ khí Liên Sô của thập niên 50s. Vũ khí sau này của Trung Quốc đương nhiên là phải có khá hơn.
Cùng lúc đó, một số vũ khí của Trung Quốc có tính cạnh tranh cao với vũ khí của Tây Phương và Nga. Thí dụ như là các loại máy bay (drone) không người lái, hỏa tiễn chống chiến hạm, hỏa tiễn SAM (đất đối không) vác vai, máy bay huấn luyện loại nhẹ. Nhưng tất cả điều này dẫn đến một điểm quan trọng: nếu vũ khí Trung Quốc tốt như thế, tại sao ít có quốc gia nào muốn mua?
Trên giấy tờ thì Trung Quốc có vẻ là một quốc gia xuất khẩu vũ khí thành công. Năm vừa rồi Bắc Kinh bán gần 2 tỉ đô la vũ khí. Từ 2011 đến 2015 cho thấy Trung Quốc đứng hàng thứ ba xuất khẩu vũ khí trên thế giới, chiếm 6% tổng số lượng thị trường vũ khí, gấp đôi số lượng xuất khẩu trong khoảng 2006 đến 2010.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh có một số vụ buôn bán khá ấn tượng, bao gồm hợp đồng bán 8 tàu ngầm hạng-Yuan cho Pakistan và 3 chiếc cho Thái Lan. Trung Quốc cũng bán xe tăng cho Miến Điện, hỏa tiễn chống chiến hạm cho Indonesia, drone có vũ trang cho Iraq, Á-rập Saudi, United Arab Emirates, Nigeria, và Ai Cập.
Vẫn còn là nhà xuất khẩu cò con:
Một vài vụ buôn bán nổi bật kể trên là ngoại lệ đối với Trung Quốc. Trong thị trường buôn bán vũ khí trên thế giới Trung Quốc vẫn còn là một anh cò con. Thứ nhất, Trung Quốc bán đa số vũ khí của mình cho một vài quốc gia. Thí dụ như trong 5 năm qua, hơn hai phần ba (71%) của số lượng bán là cho ba quốc gia: Pakistan, Bangladesh, và Miến Điện. Số lượng còn lại bán cho một số quốc gia nghèo ở Châu Phi như Algeria, Nigeria, Sudan, và Tanzania.
Thứ nhì, phần lớn vũ khí bán ra thuộc loại xoàng: xe thiết giáp, súng đạn nhẹ, hoặc chiến đấu cơ nhái theo thiết kế cũ của Liên Sô. Một món hàng bán chạy nhất của Bắc Kinh là phản lực cơ K-8, một loại chiến đấu cơ đơn giản, tốc độ chậm, thích hợp cho các quốc gia đang phát triển không đủ tiền để mua chiến đấu cơ loại cao cấp. Nói chung, các loại vũ khí của Trung Quốc bán ra không phải loại làm thay đổi cục diện, tức là chúng không có tác động lớn đến quân bằng quyền lực trong vùng.
Vị trí dẫn đầu xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc thật ra rất mỏng manh. Tuy nói là đứng hàng thứ ba trong thị trường thế giới, Trung Quốc thua xa Hoa Kỳ với 33% thị trường và Nga với 25%. Trung Quốc chỉ hơn chút xíu các quốc gia như Pháp (5.6%), Đức (4.7%), và Anh (4.5%)
Rào cản khiến không mở rộng buôn bán vũ khí:
Để duy trì một trong những vị trí dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc cần phải có những món hàng hấp dẫn hơn. Cần các loại vũ khí tối tân như chiến đấu cơ với tốc độ siêu thanh, vũ khí có dẫn hướng chính xác, máy bay cảnh báo sớm, hệ thống phòng không tầm xa. Đặc biệt, Bắc Kinh chưa bán được nhiều loại chiến đấu cơ tối tân nhất, loại J-10 và JF-17. Loại JF-17 cho đến nay chỉ có Pakistan mua – với lý do đơn giản là Pakistan sản xuất chung với Trung Quốc. Ngay cả không lực Trung Quốc còn chưa mua JF-17.
Ít có quốc gia nào khác chịu mua các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc, hoặc nếu có đi nữa thì họ tháo gỡ bộ phận Trung Quốc sản xuất để thay bằng thiết bị của Tây phương. Lý do là công nghiệp quốc phòng Trung Quốc còn rất yếu về các lãnh vực công nghệ quan trọng như động cơ phản lực và điện tử. Đơn cử thí dụ, một bài báo năm 2013 của New York Times tiết lộ là Algeria mua các tàu hộ tống nhỏ của Trung Quốc nhưng sau đó thế vào với các giàn rađa và thiết bị thông tin của Pháp. Máy bay JF-17 Pakistan sử dụng thì dùng động cơ phản lực của Nga, trong khi đó Thái Lan nhờ công ty Saab của Thụy Điển nâng cấp các khu trục hạm Trung Quốc sản xuất.
Trung Quốc cũng cần mở rộng nhóm khách hàng. Hiện thời chỉ bán vũ khí cho những quốc gia hoặc quá nghèo để mua vũ khí của Tây phương hoặc Nga, hoặc đang bị cấm vận vũ khí (như Venezuela). Ít có quốc gia giàu nào (như các nước sản xuất dầu hỏa ở vùng Vịnh, Trung Đông) chú ý đến vũ khí Trung Quốc. Iran từng là khách hàng sộp của Bắc Kinh nhiều năm, nhưng trong những năm qua chưa mua gì thêm. Tương tự vậy, Trung Quốc không chào hàng thêm được ai ở Nam Mỹ, Đông Âu, hay Trung Á.
Do đó trở lại câu hỏi nguyên thủy: nếu các hệ thống vũ khí Trung Quốc tốt như thế thì tại sao ít ai thèm muốn? Tại sao số khách hàng quá nhỏ và chỉ chú trọng vào một số ít hệ thống vũ khí? Từ đó người ta có thể luận ra là đa số vũ khí của Trung Quốc, tuy có tốt hơn xưa, vẫn thuộc loại xoàng xoàng, và các hệ thống vũ khí của Tây phương, Nga, Do Thái vẫn vượt xa hẵn vũ khí Trung Quốc.
Richard A. Bitzinger là nghiên cứu gia cao cấp và điều hợp viên của Chương Trình Biến Đổi Quân Sự tại Học viện Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam, Đại Học Công Nghệ Nanyang, Singapore.
Leave a Comment