Quảng Cáo

Tại sao phải quan tâm đến việc tập trận chung của Nga và Trung Quốc tại Biển Đông

Chiến hạm Admiral Tributs (564) của Nga đến Trạm Giang, Tỉnh Quảng Đông ngày 12 Tháng 9, 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã

Quảng Cáo

Hiện nay Nga và Trung Quốc đang tiến gần lại nhau hơn trong lãnh vực đường biển. Điều này làm giới quan sát và các nhà hoạch định chính sách tại Châu Á không an tâm. Họ lo rằng việc hợp tác đôi bên có thể tác động đến thế quân bằng quyền lực tại Châu Á.

Sự việc gây ra mối lo âu gần đây là cuộc tập trận chung của Nga và Trung Quốc tại Biển Đông, mang tên “Joint Sea 2016”. Cuộc diễn tập hải quân này bao gồm các tàu chiến, tàu ngầm, phi cơ, trực thăng và các tàu đổ bộ. Trung Quốc tuyên bố là cuộc tập trận sẽ có những công tác chống tàu ngầm và đổ bộ.

Đây là lần đầu hải quân Nga và Trung Quốc diễn tập chung tại Biển Đông, nhưng đôi bên đã có hợp tác chung tại những nơi khác trong vùng Âu-Á. Vào tháng Tám năm ngoái, hải quân đôi bên đã tập trận “Joint Sea 2015 II” tại vùng Biển Nhật Bản, có bắn đạn thật, có hành quân chống tàu ngầm. Cũng trong năm ngoái vào tháng Năm, trong cuộc diễn tập tại vùng Biển Địa Trung Hải và Biển Đen, các vị tướng cao cấp có những lời tuyên bố thách thức ưu thế chiến lược của Hoa Kỳ tại vùng Âu-Á. Cả giới lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều cho rằng Hoa Kỳ mới là tác nhân gây bất ổn cho địa chính trị trong vùng, và đang có chủ đích bao vây Moscow và Bắc Kinh. Khi bày ra việc tập trận chung, họ hy vọng nhắn gửi đến Washington là thế thượng phong của Hoa Kỳ tại Châu Á đã đến hồi cáo chung.

Viễn cảnh tập trận đổ bộ chung sát cạnh Biển Đông khiến cho giới quan sát trong vùng phải báo động. Nhiều người e rằng lần này sẽ giống như kỳ tập trận vào tháng Tám 2015, khi hải quân Nga và Trung Quốc diễn tập việc đổ bộ lên một hòn đảo trong vùng Viễn Đông của Nga. Lần này, Bắc Kinh tuyên bố là sẽ dùng lính thủy bộ để diễn tập việc “chiếm đóng đảo”.

Nga và Trung Quốc tập trận “Joint Sea 2015 II”. Ảnh: Sputnik

Trước giờ Trung Quốc và Nga có sự khác biệt chính kiến chứ không phải là không. Nga quan tâm đến việc Trung Quốc lấn vào vùng Viễn Đông của Nga và tạo ảnh hưởng lên vùng Trung Á. Tiếp theo việc chiếm đóng Crimea, Tổng thống Nga Putin phải dành chỗ cho tham vọng của Trung Quốc trong vùng ảnh hưởng của Nga. Để tìm thị trường xuất khẩu dầu hỏa ra bên ngoài Châu Âu, Putin phải ưng thuận với mối quan hệ bất cân xứng với Trung Quốc.

Tuy nhiên Moscow yên lòng với việc Trung Quốc vẫn tiếp tục phụ thuộc vào công nghệ quốc phòng của Nga. Kể từ tháng Mười Hai, 1992, khi đôi bên ký hiệp ước hợp tác công nghệ quân sự, Trung Quốc mua nhiều thiết bị quốc phòng từ Nga hơn bất cứ quốc gia nào khác. Chúng bao gồm tàu ngầm hạng-Kilo, phi cơ Su-27, chiến hạm loại Sovremenny, và nhiều loại hỏa tiễn và đạn dược. Tuy trong những năm vừa qua số lượng vũ khí quân sự bán ra có giảm xuống, Nga vẫn tiếp tục cung cấp các thiết bị quan trọng. Việc gia tăng hợp tác trên biển là biểu hiện của một mối quan hệ quốc phòng tốt đẹp.

Chiều hướng hợp tác gần đây cho thấy cuộc đối tác này vượt qua khuôn khổ hợp tác quân sự ban đầu. Chẳng những số lượng binh sĩ tham dự gia tăng, phẩm chất của diễn tập cũng có cải thiện. Mối quan hệ quân sự được hưởng nhiều lợi ích đến từ sự đầu tư của chính cá nhân Putin, muốn cuộc đối tác thăng tiến. Bắc Kinh thì rất sung sướng để có được một đồng minh làm thế đối trọng với hải quân Hoa Kỳ.

Quan hệ hợp tác hải quân đôi bên còn để lộ ra mối tương quan giữa chiến lược địa chính trị và đường biển. Quan hệ đường biển Nga-Trung dường như có động cơ chính trị và ước vọng cùng chống trả lại áp lực quân sự của Hoa Kỳ. Phát biểu của Putin trong thượng đỉnh G20 ủng hộ lập trường của Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài là bằng chứng rõ ràng về việc chiến lược đường biển được thúc đẩy bởi tình hình chính trị vùng. Đáng lưu ý là nhiều giới tại Moscow bắt đầu xem hạ tầng cơ sở của Trung Quốc tại Biển Đông là tấm chắn bảo vệ Nga không bị Mỹ tấn công. Trong học thuyết của Hải quân Nga đã nêu Trung Quốc là “đối tác cốt lõi”, biểu lộ sự khao khát muốn gia tăng ảnh hưởng đường biển của Nga lên Châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Ấn Độ, việc Nga và Trung Quốc bắt tay nhau trên biển là một việc không vừa ý. Việc Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho Pakistan qua dự án 46 tỉ đô la Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan với điểm tận cùng là cảng Gwadar, cũng như việc chuyển nhượng tám chiếc tàu ngầm hạng-Yuan đã khiến cho Ấn Độ nhức nhối. Ngoài ra Ấn Độ còn lo lắng đến mối quan hệ quốc phòng có xác xuất nồng ấm giữa Nga và Pakistan. Vào tháng Sáu 2014, Nga ký hiệp ước hợp tác quốc phòng song phương với Pakistan, đồng ý bán loại trực thăng Mi-35 cho quân đội Pakistan. Tin tức gần đây cho biết là Nga và Pakistan có thể sắp sửa tập trận chung.

Nếu cặp bài trùng hải quân Nga-Trung tiến vào vùng Ấn Độ Dương, với một Pakistan thân thiện khoanh tay đứng nhìn, được mọi người mong đợi là sẽ diễn ra để đối trọng với đối tác Mỹ-Ấn, sẽ khó làm thay đổi cán cân quyền lực biển trong vùng.

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux