HẢI DƯƠNG (CTM Media)- Ngày 22 Tháng Chín, 2016, báo chí loan tin cho biết cách đây mấy hôm công an Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương đã dựng lều, lập chốt tại Thôn An Điền rồi huy động lực lượng đến canh chừng không cho các chủ lò gạch sản xuất.
Một chủ lò gạch ở Thôn An Diên cho biết: “Chúng tôi mượn tiền ngân hàng để đầu tư 2 cặp lò đứng mất 15 tỉ đồng, giờ còn nợ 2,5 tỉ đồng. Nay hết công an xã đến huyện thay nhau vào cấm không cho sản xuất thì chỉ còn nước phá sản”. Lò gạch này có 100 người làm việc, lương mỗi tháng từ 4-6 triệu đồng/người.
Các chủ lò gạch đem Văn bản của Nhà nước ra chất vấn Trưởng toán công an tại sao lại lập chốt ngăn chận sinh kế của chúng tôi. Đại úu công an Nguyễn Khắc Tuyên đã trả lời ngắn gọn là làm theo lệnh cấp trên.
Các ký giả đã đến hỏi công an Huyện Nam Sách về chuyện này thì được trả lời rằng: Các lực lượng liên ngành trong đó có công an đưa người đến bắt các lò gạch phải chấm dứt sản xuất là theo yêu cầu của UBND huyện Nam Sách vì tất cả các lò gạch đó là lò gạch thủ công
Điện thoại hỏi UBND Huyện Nam Sách thì được trả lời, việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công là theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Được biết Bộ Xây dựng đã ban hành CV số 1452/BXD-GĐ vào ngày 15 Tháng Bảy, 2015 với nội dung đến năm 2018 phải loại bỏ tất cả các lò gạch nung thủ công để chuyển đổi sang phương thức lò đứng, lò nung tuynel hầu bảo về môi trường.
Theo các chuyên gia thì việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch là đúng, nhưng việc cấm hoàn toàn hoạt động các lò gạch thủ công là điều không đơn giản, bởi lẽ đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi các chủ lò gạch nhỏ tiềm lực còn khiêm tốn.
Ra công văn dẹp bỏ lò gạch thủ công mà không nghĩ đến việc giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân các vùng quê thuần nông vốn chủ yếu sống nhờ lò gạch (thủ công) là chuyện duy lý, thiếu thực tế. Nên biết hiện nay vai trò của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thủ công chiếm trên 70% thị trường.
Leave a Comment