Cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất mới nhất của Bắc Hàn đã khiến cho Hoa Kỳ và các quốc gia láng giềng ở Châu Á lo ngại là tiến triển về mặt vũ khí của Bình Nhưỡng sẽ nay mai vượt qua khả năng phòng thủ hỏa tiễn mà Hoa Kỳ và đồng minh trong vùng đã bỏ công xây dựng trong thập niên vừa qua.
Các chuyên gia và cựu viên chức cho rằng Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á có thể bị thua thiệt trong khi Bắc Hàn tiếp tục chế tạo các hỏa tiễn có tầm xa hơn và ngày càng tốt hơn, gia tăng khả năng tấn công xa hơn lấn át các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đắt tiền.
Vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất gây ra cơn địa chấn 5 độ Richter, tiếp theo một loạt thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo từ tháng Hai đến nay, tổng cộng hơn 30 hỏa tiễn phóng thử nghiệm.
Một trong những thử nghiệm vào tháng Sáu là loại hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Musudan với tầm bay xa khoảng 1.000 km, có khả năng đe dọa đảo Guam của Hoa Kỳ cũng như các thành phố tại Trung Quốc. Hỏa tiễn này có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Bắc Hàn cũng thử nghiệm thành công phóng hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm trong tháng rồi, bay xa khoảng 500 km trước khi rơi xuống vùng Biển Nhật Bản. Các chuyên gia ước đoán là loại hỏa tiễn đó có tầm bay xa khoảng 1.000 km.
Cả hai yếu tố kỹ thuật hỏa tiễn được cải thiện cộng với vũ khí hạt nhân mạnh mẽ hơn đã khiến cho mọi người lo ngại về mối đe dọa của Bắc Hàn. Không riêng gì Hoa Kỳ mà ngay cả Trung Quốc, trước giờ vẫn được xem là đồng minh và đàn anh, cũng thiết kế giàn phòng thủ hỏa tiễn cho riêng họ để chống lại mối đe dọa của Bắc Hàn. Trung Quốc đầu tư vào loại hỏa tiễn S-300 của Nga chế tạo, và một phiên bản tương tự của Trung Quốc chế tạo, HQ-9, cũng như giàn chắn hỏa tiễn tương tự như hệ thống THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) của Hoa Kỳ.
Điều cần chờ xem là liệu các cuộc thử nghiệm thành công này có bền vững không. Từ thập niên 90 Bắc Hàn gặp nhiều thất bại về mặt kỹ thuật khi thử nghiệm hỏa tiễn. Nhưng tới nay thì lại tiến triển vững vàng. Các chuyên gia cho rằng là nhờ Bắc Hàn sử dụng hệ thống định vị tòan cầu (GPS) của Nga.
Trên đường dài, giới chức Hoa Kỳ lo ngại là ngày nào đó Bắc Hàn có thể với đến Hoa Kỳ bằng một hỏa tiễn liên lục địa. Nếu theo đà tiến triển hiện nay thì ước lượng khoảng thập niên 2020 Bắc Hàn rất có thể có loại hỏa tiễn như thế.
Để chống đỡ mối đe dọa của Bắc Hàn, Nam Hàn gần đây đầu tư vào hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ chế tạo mang tên THAAD. Hệ thống THAAD dùng giàn rađa tối tân để theo dõi và bắn hạ các loại hỏa tiễn tầm gần và tầm trung của đối phương khi chúng bay gần xuống đích. Tuy nhiên hệ thống THAAD rất mắc tiền: sáu giàn phòng với 49 hỏa tiễn, trị giá tổng cộng 1.6 tỉ đô la.
Nhật Bản cũng nghĩ đến chuyện mua hệ thống THAAD. Nhưng ngay cả khi trang bị các hệ thống này đi nữa, Nam Hàn và Nhật cũng có nguy cơ bị áp đảo bởi số lượng lớn hỏa tiễn của Bắc Hàn. Do đó Nam Hàn và Hoa Kỳ đang tính đến những giải pháp khác để ra tay trước tiêu diệt các đội hỏa tiễn Bắc Hàn, dùng oanh tạc cơ tàng hình B-2 chẳng hạn.
Nếu tính ra phí tổn thì thất lợi về phe phòng thủ. Giới chức Hoa Kỳ cho biết là các hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn rất tốn kém để chế tạo lên tới bạc tỷ đô la, trong khi đó đối phương như Iran hay Bắc Hàn có thể chế tạo hàng loạt hỏa tiễn với giá thành thật rẻ.
Điều đó khiến việc chế tạo hoả tiễn liên lục địa của Bắc Hàn có khả năng với tới lục địa Hoa Kỳ lại trở thành mối lo ngại vô cùng. Hoa Kỳ có giàn phòng thủ chống hỏa tiễn gọi là GMD (ground-based midcouse defense), nhưng chưa bao giờ thử nghiệm chống hỏa tiễn liên lục địa thành công cả. Các cuộc thử nghiệm trước 2004 chỉ có tỷ lệ thành công 50%.
Với mối đe dọa của Bắc Hàn như thế, một số phân tích gia quân sự đưa ý kiến triển khai vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ tại Nam Hàn để ngăn chận ý đồ của chế độ Bắc Hàn.
Paul McLeary, Dan De Luce
9/9/2016
Leave a Comment