Ngày 13.9.2016 là một ngày đáng nhớ của báo chí Việt Nam. Tin tức cho hay, trong ngày này, 13.9, ông Phạm Văn Linh – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, gửi thư điện tử cho giới báo chí Việt Nam, ra lệnh rằng phải dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen. Sự kiện nóng bỏng về tương lai của một vùng sinh tồn của người Việt bị bịt chặt lại. Bất chấp mọi phản biện khoa học hay chính luận kêu gọi hãy dừng lại tội ác này, cuộc chơi của một nhóm người trên lưng dân tộc sẽ vẫn tiếp diễn, chỉ khác là từ đây sẽ được tổ chức quy mô hơn, đê tiện hơn.
Báo chí Việt Nam bị tấn công trực diện bằng một cái tát. Những ai thật sự sống với nghề làm báo, trong sự kiểm soát của Nhà nước, chắc đều cảm thấy sự nhục nhã dâng ngập tim mình.
Báo chí Nhà nước bị khóa cánh cửa thời cuộc. Người viết bị nhốt vào chuồng và được giới thiệu những bức tranh màu về để đời sống để viết. Và khi đó, truyền thông tự do trên mạng lưới lại có cơ hội chứng minh giá trị và đẳng cấp của mình. Kể cả việc những nhà báo ăn lương nhà nước cũng bước vào, tham gia như cách để khẳng định tư cách làm người, dù phải ẩn danh.
Dưới đây là một trong những bài viết liên quan về dự án thép ở Cà Ná trong ngày 13.9, đã bị gỡ bỏ khỏi trang báo, bởi lưỡi kéo kiểm duyệt. Người viết xin tạm ẩn danh – cũng như rất nhiều nhà báo khác cũng ẩn danh – như sự khẳng định một cuộc chiến truyền thông cho sự thật còn dài, mà người tham gia thì mỗi lúc một đông hơn, từ nhiều phía.
Xin giới thiệu bài viết này đến những ai quan tâm về vận mệnh đất nước, về sự dối trá và thô bỉ của những kẻ có tiền, có quyền trên đất nước này. Đọc bài viết này để nhớ một cột mốc vùng biển tươi đẹp Cà Ná, Ninh Thuận khi còn vẹn nguyên.
————–
Tiếng kêu cứu của môi trường
Mấy ngày qua, dư luận xã hội và báo chí truyền thông đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối dự án thép công nghệ lò cao của Hoa Sen tại Cà Ná, Ninh Thuận. Nhưng không hiểu sao trong trả lời gần đây nhất, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng vẫn khẳng định “Nếu Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch”. Sự việc này một lần nữa cảnh báo chính phủ có nên khuyến khích công nghệ lò cao không khi bài học cá chết của Fomosa vẫn còn nhức nhối, giết chết đời sống của ngư dân suốt dải bờ biển miền Trung?
Ngành thép: Công nghệ lò cao sử dụng quặng đã phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường
Mới đây, trong trả lời báo chí, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc Luyện kim Việt Nam cho biết, Khu liên hợp gang thép của Formosa tại Vũng Áng sử dụng công nghệ lò cao. Theo phương pháp này, quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke rồi đốt trong lò cao ở nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho; cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường …
Trong trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 29/8/2016, GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng cho rằng thế giới cơ bản chỉ có Trung Quốc còn sản xuất thiết bị thép lò cao. Ông nói: “Không phải cứ sắt thép là ảnh hưởng môi trường, mà vấn đề là làm sao có công nghệ để không ảnh hưởng đến môi trường. Liên quan đến công nghệ sản xuất lò cao, theo tôi được biết cơ bản chỉ có Trung Quốc là còn sản xuất một số thiết bị lò cao. Không có nhiều nơi sản xuất nên Formosa đã mua thiết bị của Trung Quốc. Vậy vấn đề đặt ra là ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG, sẽ mua thiết bị ở đâu? Liệu có phải sẽ mua từ Trung Quốc. Formosa mới chỉ vận hành thử và rửa đường ống mà đã như vậy. Về sắt thép, tôi nói nghiêm túc rằng VN không nên làm sắt thép nữa. Lựa chọn sắt thép hay lựa chọn gì đó là câu chuyện của quốc gia, quan trọng nhất là mình ưu tiên sản xuất gì để tránh đi lại “vết xe” của người khác. Lựa chọn con đường người khác đã đi hàng thế kỷ qua hay đi vào công nghệ hiện đại nhất?”
Còn nhớ trước đây, Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp thép đã từng kiến nghị với các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ những dự án thép dùng công nghệ lò cao, một công nghệ đã bị lỗi thời, bị các nước tẩy chay. Nhưng không hiểu sao nó vẫn được tiếp tục khởi công xây dựng tại Việt Nam?
Trong bức tâm thư gửi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề gây ô nhiễm của lò cao, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc công ty Thép Việt đã khẩn thiết cảnh báo:
“Các doanh nghiệp sử dụng lò cao dùng quặng có lợi thế hơn so với doanh nghiệp sử dụng lò điện. Tuy nhiên, do ô nhiễm môi trường cao hơn nên các khoản phí môi trường phụ trội đánh trên các doanh nghiệp sử dụng lò cao sẽ góp phần duy trì thế cạnh tranh cân bằng của các doanh nghiệp sử dụng 2 loại công nghệ này.
Thậm chí, ở một số nước có tiêu chuẩn môi trường cao và việc kiểm soát xả thải gắt gao, doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò cao thường bị đánh thuế môi trường rất cao hoặc thậm chí bị cấm.
Úc là nước điển hình có nguồn quặng sắt lớn nhất thế giới, nhưng nước này không khuyến khích các hoạt động sản xuất thép sử dụng lò cao do những tác hại môi trường quá lớn lên sự phát triển kinh tế bền vững. Các khoản thuế, phí môi trường, phí phát thải quá cao khiến cho các doanh nghiệp sử dụng lò cao không phát huy được lợi thế và do vậy không hiện diện, trong khi hoạt động khai thác quặng sắt chủ yếu được xuất khẩu – rất xa lạ với quan điểm sử dụng quặng để chế biến sâu như Việt Nam, khiến cho chính sách phát triển công nghiệp nặng trở nên quá tốn kém nhưng quan trọng là vẫn không có khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, chính sách áp thuế cao lên xuất khẩu quặng sắt rồi tiếp đó là chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt đã phá vỡ môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng trong ngành thép Việt Nam, làm bóp méo các quan hệ kinh tế và giá cả, tạo cơ hội tiêu cực và tham nhũng trong việc thực thi chức năng quản lý nhà nước cũng như việc thực thi và giám sát các quy định chính sách.
Ngay khi chính sách này được áp dụng, đơn vị sản xuất thép từ quặng có qui mô lớn là công ty Hòa Phát có mức lợi nhuận rất cao và liên tục tăng trưởng trong những năm sau đó, ngay cả khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và chưa hồi phục.
Tỉ suất lợi nhuận trên vốn tự có của Hòa Phát đạt mức trung bình hơn 50% qua các năm. Tỉ suất lợi nhuận này được cho là cao bất thường trong ngành công nghiệp nặng.
Chính sách hiện nay phát ra một tín hiệu khuyến khích cho việc đầu tư vào công nghệ lò cao lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ngay cả chính phủ Trung Quốc đã và đang nỗ lực đóng cửa hàng loạt các lò cao luyện thép từ quặng. Trong khi đó, chính sách của Việt Nam lại vô tình khuyến khích và dành ưu đãi bất hợp lý cho doanh nghiệp theo đuổi công nghệ ô nhiễm này”.
Phải chăng tỉ suất lợi nhuận 50% mỗi năm của Hòa Phát đã khiến cho ông Vũ Hoa Sen, một “Phật tử” ăn chay… mờ mắt, sẵn sàng dẫm đạp lên dư luận và coi thường mạng sống của chính đồng loại mình suốt dải biển miền Trung?
—
*Tựa do Chân Trời Mới Media chọn
Leave a Comment