Vì ai mà VN không dám đóng cửa Formosa,
lại còn chuẩn bị làm thêm một Formosa mới?
Với tất cả những gì mà Formosa đã gây ra cho nhiều nước, kể cả ở Đài Loan thì đáng lẽ không bao giờ Formosa được cấp phép đầu tư ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, đó mới là nền quản trị quốc gia có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân ở mức tối thiểu.
Không quá khó để các cơ quan chức năng quốc gia có thể biết được những bê bối mà Formosa đang gặp phải ở Đài Loan ngay thời điểm Formosa chạy sang Việt Nam “tìm việc”. Năm 2004, Formosa đưa ra một dự án đầu tư nhà máy luyện thép tại huyện Vân Lâm với quy mô 10 tỷ đôla. Ngay tại thời điểm đó thì không chỉ đảng Quốc Dân mà một số nghị sĩ đảng Dân Tiến cũng ủng hộ. Nhưng đến đầu năm 2008 thì tình hình thay đổi, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ kỹ thuật của nhà máy thép; nắm tình hình gây ô nhiễm môi trường của Formosa ở các nước như Capuchia và ở Mỹ, các thành viên đảng Dân tiến (trong đó có bà Thái Anh Văn, nay là Tổng thống ĐL) ủng hộ nhân dân Vân Lâm biểu tình phản đối quyết liệt việc xây dựng nhà máy thép của Formosa. Nhà máy thép khổng lồ này bị đóng băng và Formosa có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
Trước tình hình đó, chưa biết vì cơ duyên nào mà tháng 6/2008 thì Formosa tìm đến Hà Tĩnh rồi một tháng sau, cả Formosa và Hà Tĩnh đã có đầy đủ hồ sơ trình lên Thủ tướng CP và các bộ ngành liên quan. Cũng nhanh như thế, thêm một tháng nữa, các ngành “thẩm định” xong và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn đồng ý để ngày 26.8.2008, ông Võ Kim Cự thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh ký hồ sơ cấp phép cho dự án nhà máy thép Formosa trong đó có hàng loạt các ưu đãi đặc biệt về thuế, về giá thuê đất, về thời hạn thuê đất 70 năm…
Nếu Hà Tĩnh và Formosa không dùng hồ sơ nhà máy thép Vân Lâm đã bị đình chỉ ở Đài Loan mà dịch sang tiếng Việt, thay đổi tên đất tên người làm hồ sơ của dự án Fomosa Hà Tĩnh thì phép màu nào có thể làm được cả một bộ hồ sơ đồ sộ như dự án nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh để trình lên Chính Phủ chỉ trong vòng một hai tháng? Cũng không có lý do gì để nói rằng các cơ quan tham mưu của Chính phủ không cần biết và không có khả năng để biết nhà đầu tư Formosa là ai, thực lực tài chính thế nào, công nghệ tiên tiến hay lạc hậu ra sao. Dĩ nhiên phải có thời gian tối cần thiết cho những công việc thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Chính phủ. Vậy mà đối với dự án quy mô lớn như nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh lại được thẩm định rất nhanh, “đồng ý” cũng rất nhanh đến như vậy?
Leave a Comment