Buổi bán sách ở Houston có khoảng 80 người tham dự, số sách mang đến cũng chừng đó.
Tôi và anh Nguyễn Văn Hải, sẽ gọi anh bằng tên quen thuộc là Hải Điếu Cày ngồi nói chuyện với các độc giả gần 2 tiếng đồng hồ. Phần bán sách diễn ra trong khoảng một thời gian rất ngắn, người mua vây quanh để chờ chữ ký tặng.
Có một chị phụ nữ mua một cuốn sách, chị bảo mua tặng cho ba chị. Tôi hỏi tên cụ là gì để ghi tặng. Chị nói tên ba chị là Khuất Duy Trác.
Tôi ký tặng trên sách rồi tần ngần hỏi.
– Bố chị tên như một ca sĩ ấy.
Chị cười.
– Em cũng biết à, bố chị là ca sĩ.
Tôi hớn hở khoe.
– Em thích nghe bố chị lắm, nhất là bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của Phạm Đình Chương mà cụ hát, không ai có thể hát tâm trạng hơn ông bài đó.
Chị cười.
– Bố chị người Sơn Tây mà.
Trong cái lúc mải nói đến người ca sĩ mà mình hâm mộ từ nhỏ, tôi không để ý đến một người đàn ông nói nhỏ bên cạnh tai tôi. Anh ta mua một cuốn mà chỉ cần đề chữ thân tặng. Khi trả tiền anh ta để lại một phong bì lớn loại hay chứa tài liệu nói.
– Gió cầm đọc chơi.
Anh ta trả 30 usd cho cuốn sách như bao người khác và đi mất trong đám đông người đang tíu tít mua sách và đề nghị ký tên, chụp ảnh cùng tôi và anh Hải. Thực sự lúc ấy tôi như một cái máy, ký tên, cầm tiền, chụp ảnh, chào hỏi… tôi không để ý gì đến tập hồ sơ. Thậm chí tôi cũng không biết đó là hồ sơ, vì trước đó có hai người tặng tôi hai cuốn sách họ viết, cũng để trong túi giấy. Tôi nghĩ anh ta là một nhà thơ khiêm tốn nào đó, trong những năm tháng sống trên xứ người, ra một tập thơ nhỏ để khuây khoả làm kỷ niêm. Tôi đã từng nhận rất nhiều tập thơ, sách như thế. Tôi chỉ loáng thoáng anh ta gần 60 tuổi và hơi gầy, có vẻ nhanh nhẹn.
Tôi trở về Đức rất vội, bởi đêm hôm trước đi nghỉ cách ngoài bãi biển cách Houston hơn 100 cây só, đến trưa thì về và chiều thì ra sân bay. Nửa tiếng đồng hồ sắp đồ tôi nhét tất tận giấy tờ, sách vở vào hành lý ký gửi, những thứ không quan trọng. Những gì quý hơn tôi để trong vali xách tay.
Về lại Berlin, tôi nằm ngủ li bì, hai hôm liền chỉ có ăn và ngủ vì chuyến đi xa và múi giờ lệch. Ngày thứ ba tôi phải chuẩn bị đi xa đến thành phố Damstadt để dự một cuộc nói chuyện về tự do sáng tác tại Việt Nam. Sau đó tôi đi Muenchen chơi ở nhà người bạn.
Thứ hai ở Muenchen tôi nhận được một cú điện thoại, chả nhớ là ngày bao nhiêu, chỉ nhớ hôm thứ sáu là ngày 26 tháng 8 tôi ở Damstadt. Người gọi điện giới thiệu là một bạn đọc của tôi nhiều năm, anh ta hỏi việc đi Mỹ bán sách Đại Vệ Chí Dị có thành công không, rồi anh ta nói có nhận được gì bên đó không. Tôi cứ nghĩ anh ta hỏi nhận về quà cáp nào đó nên gật đầu, bởi có vài chiếc áo Phản Đối Formosa, một chiếc túi hiệu hàng hiệu Kross gì đó, một tờ 2 usd tuổi đời đã 100 năm, kính đeo mắt… và sách… của nhiều người tặng tôi hoặc nhờ tôi chuyển hộ ai đó.
Anh ta nói nhận rồi chắc chưa kịp đọc phải không, cố đọc rồi anh em mình gặp nhau nhé, ở đâu cũng được.
Tôi nhớ ra tập hồ sơ của người mua sách để lại ở Houston. Mỗi lần đi, hoặc ở nhà có bưu kiện gửi thỉnh thoảng tôi nhận được những tập hồ sơ, loại hồ sơ về quan hệ Việt Mỹ, quá trình tiến hành TPP, về các hoạt động đấu tranh đòi nhân quyền cho tù nhân lương tâm nào đó, cả những thông tin về các hội nghị trung ương nữa… có khi là hồ sơ của những cá nhân là cán bộ, hoặc gia đình cán bộ bị lấy đất hay bị trù dập thành dân oan.
Tôi trả lời khi về lại Berlin tôi sẽ đọc. Về đến Berlin, hôm sau tôi mới trở tập hồ sơ đó ra. Đấy là những công văn, thông báo, báo cáo liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Lúc này tôi mới để ý trên báo chí đang rầm rộ đưa tin kỷ luật phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh theo chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Một vụ thanh trừng đấu đá và một thằng quan nhỏ trở thành dân oan, chuyện quá cũ , tôi có cả đống hồ sơ như thế mà chưa có thời gian để đọc.
Người đàn ông gọi điện hôm trước lại gọi điện, số điện của tôi rất dễ dàng tìm thấy. Tôi vẫn theo thói quen ở Việt Nam dùng hai điện thoại và hai số. Số điện thoại ở chiếc iPhone 6 plus là số điện thoại thông thường, còn dành cho những việc quan trọng ở chiếc Nokia đời ơ kìa màn hình đen trắng. Một thói quen duy nhất mà hơn 3 năm rời quê hương tôi vẫn chưa bỏ được. Vì anh ta gọi vào số của chiếc iPhone nên tôi không bận tâm đến chuyện vì sao anh ta có số của tôi.
Chúng tôi hẹn nhau găp nhau, anh nói ở xa Berlin, hẹn tối hôm sau sẽ gặp ở quán cà phê ở một nơi mà hầu như chẳng có người Việt ở quanh đó.
Tôi đến hẹn sớm, thói quen hẹn với người Đức cũng là thói quen hẹn với người lạ đến xem để nhìn địa hình có từ hồi ở Việt Nam. Mẹ kiếp, nhà tù và giang hồ là hai thứ ám ảnh người ta lâu nhất trong cuộc đời. Sự đề phòng ngấm vào da thịt thành bản năng chứ không phải bản thân mình chủ ý làm như vậy. Đôi khi chọn chỗ ngồi cứ vô tình chọn chỗ nào dễ thoát thân, dễ xoay sở nhất và dễ vớ được đồ đạc gì gần đó nhất để cần cái là phang đập được ngay.
Hai người đàn ông đến gặp tôi, một người cao ráo, săn chắc tuổi chừng 50. Tôi bất chợt nghĩ đến vóc dáng của người để lại tập hồ sơ bên Houston, cái tác phong của người này từ đi đứng, ngồi đều giống người kia. Tuổi họ cũng trạc như nhau. Anh ta ngồi thoải mái, hai tay dang vắt trên thành ghế, dường như anh ta không biết tiếng Đức nhiều khi người bồi bàn hỏi chúng tôi uống gì.
Nhưng anh ta không bối rối vì việc trả lời người bồi bàn, hầu hết những người Việt không rành tiếng Đức ít nhiều lúng túng khi gặp trường hợp như vậy, anh ta thản nhiên như không. Điều đó có nghĩa anh ta đã từng đi nhiều nơi trên thế giới này mà chẳng rành tiếng.
Người đàn ông kia thì lịch thiệp và sang trọng, ông ta khoảng 65 tuổi, to béo như nhiều ngươì ở tuổi ông. Chính ông ta là người hẹn tôi đến nói chuyện. Ông ta giỏi tiếng Đức, ông ta đặt đồ uống cho chúng tôi. Ông ta ngồi đối diện, còn người khoẻ mạnh kia thì ngồi bên cạnh ở cái tư thế thoải mái mà tôi đã nói. Cái tư thế xoà hai cánh tay rắn chắc trên thành ghế như hai con rắn hoặc hai chiếc cánh đại bàng rất dễ để làm việc gì đó.
Nhiều bạn nghĩ tôi đang trầm trọng hoá vấn đề. Không, tôi chẳng có gì phải trầm trọng sự việc, tính tôi khoái nhất là biến những chuyện trầm trọng thành một chuyện tầm phào, có lẽ cái năng khiếu nhất của tôi là như vậy.
Người đàn ông lớn tuổi sau màn chào hỏi thân thiện, ông ta biết rõ về tôi, thậm chí là cả thời tôi còn trẻ. Ông ta nhắc nhiều đến những thứ mà tôi thích hay trân trọng. Khi người bồi bàn mang đồ uống đến và quay đi, ông ta bắt đầu vào câu chuyện chính bằng một giọng nói nhẹ nhàng và khá êm ái.
– Bọn anh đọc Gió nhiều năm nay (bọn anh? tôi ngẩn người), nhất là trong suốt năm ngoái. Nay có việc như thế này, đấy Gió cũng đọc rồi, Gió nghĩ sao.?
Tôi ngồi nghĩ, rồi bảo em cũng không biết sao nữa. Anh đọc em nhiều, thì biết em chỉ là một thằng ất ơ chém gió thôi, tuỳ hứng, tuỳ tâm trạng.
Người đàn ông lấy trong cặp ra tờ đơn đưa cho tôi và nói.
– Đây là đơn của thằng Trịnh Xuân Thanh, Gió xem qua đi.
Tôi đọc tờ đơn, tôi không ngờ trình độ của một người là phó chủ tịch tỉnh, hàm thứ trưởng thuộc diện trung ương quản lý mà lỗi chính tả và câu cú nhiều chỗ lởm khởm hơn cả tôi.
Tôi chỉ phàn nàn về những cú pháp trong lá đơn, người đàn ông nói.
– Thì thằng Thanh nó là dân kinh doanh, đâu phải dân viết, nếu Gió sửa được cho nó thì sửa, để ngày một ngày hai sẽ gửi trung ương và báo chí.
Tôi lắc đầu từ chối.
– Nếu là của Thanh, cứ kệ thế đi, người khác viết đơn văn phong khác, người ta kêu không phải là thật. Thế giờ Thanh nó ở đâu ạ anh.
Người đàn ông nói.
– Tờ đơn theo Gió là để vậy không cần sửa cũng được, còn Thanh bây giờ nó ở chỗ an toàn, nếu nó không ra thì chẳng ai bắt được nó.
Một người trí, tuệ sắc sảo và từng trải, tôi nhận xét về người đàn ông đang trả lời mình trong đầu. Tôi đã nhồi cả hai ý trong một câu, đó là về lá đơn không cần sửa và Thanh đang ở đâu. Ông ta trả lời rành rọt cả hai câu theo đúng trình tự, ngắn gọn và rõ ràng một cách tự chủ và kiểm soát.
Tôi hỏi ông ta muốn tôi giúp gì lúc này. Ông ta nói tôi hãy đưa lá đơn này lên trang blog của tôi, chỉ cần vậy thôi.
Tôi thoái thác, tôi nói blogs tôi chả ai đọc, chỉ là những người dân đen bình thường họ đọc giải trí. Ông ta cười động viên.
– Tất cả những người như chúng tôi, đọc của Gió rất nhiều, để giải trí mà, vì chúng tôi làm việc căng thẳng lắm, nhiều khi sáng đến chỗ làm toàn giở của Gió ra đọc. Đọc Đại Vệ Chí Dị vui lắm, tuy có nhiều cái không đúng, nhưng cơ bản là sát vấn đề.
Tôi hơi giật mình khi nghe câu “cơ bản là sát vấn đề”. Hơn ba năm tôi xa quê hương, đi bao nhiêu nơi trên thế giới này, gặp bao nhiêu người Việt tôi không nhớ, hàng trăm cuộc nói chuyện liên quan đến những đề tài chính trị, nhân quyền, viết lách…. tôi chưa thấy ai dùng từ như vậy.
Có chăng là tôi từng nghe những cụm từ ấy ở Việt Nam, thứ ngôn ngữ của những người có quyền uy.
Tôi lại thoái thác lần nữa.
– Cái này không như Đại Vệ, viết là chuyện sáng tác, còn đây là văn bản phải cần độ đảm bảo, nếu người ta nghĩ không phải là Thanh viết thì làm sao, khó cho em, tự nhiên em mất uy tín.
Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi bây giờ mới xen vào.
– Gió yên tâm, Thanh nó viết, anh sẽ cho em gọi nói chuyện với Thanh.
Tôi đề nghị nếu được thì gọi nói chuyện có hình (vì làm sao tôi biết được giọng của Trịnh Xuân Thanh), yêu cầu được thực hiện. Người đàn ông gọi cho một ai đó hỏi thăm này nọ, và rồi Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên màn hình viber.
Thanh mặc chiếc áo phông màu vàng nhạt như là trắng, bút máy gài túi. Mái tóc xoăn gọn gàng chứ không xoã xượi như ảnh trên báo. Anh ta chào tôi, sau vài câu xã giao tôi giơ lá đơn lên và hỏi cái này của anh chứ, anh ta gật đầu.
Chúng tôi nói chuyện dài thêm một hồi, máy vẫn để đó để Thanh nói chuyện cùng. Tôi không hứa điều gì cả, tôi bảo tôi về nghĩ lại.
Chúng tôi chào chia tay nhau, trời đã khuya. Khi ra về họ bàn nhau chuyện đêm đói, rồi gọi thêm món đồ mang đi theo về.
Tôi nghĩ đêm nay họ ở khách sạn, nếu ở đây họ là những người độc thân. Chẳng mấy ai có gia đình, vợ con ở đây mà tính chuyện mang theo gì để về nhà đêm ăn cả. Khi họ đi rồi, tôi ngước nhìn chiếc máy camera của tiệm, tôi thấy không cần thiết mai nhờ người đến xin hình ảnh, phức tạp thêm. Chuyện chắc chả có gì nghiêm trọng, thêm một người nữa biết mặt họ chẳng cần thiết gì. Nhưng thoáng giây lát tôi nhớ ra người đàn ông ngồi cạnh cũng đã nhìn chiếc camera đó, có nghĩa hiểu tôi sẽ không làm gì phiền tới họ. Gặp những người lạ quá hiểu mình không phải là điều dễ chịu tí nào với tôi.
Đêm ngày 3 sang ngày mùng 4 tôi không ngủ, tôi cầm tờ đơn của Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi đảng và tập hồ sơ tôi nhận ở Houston. Cái suy nghĩ duy nhất của tôi là.
Những con người này rất giống nhau, và điều giống nhau nữa là họ có thể gặp tôi bất kỳ đâu dù là Hoa Kỳ hay Đông Nam Á, chẳng phải chỉ ở Châu Âu này.
….(còn nữa – Phần 6)…
Trịnh Xuân Thanh con dê tế thần: Phần 4 – Sự đê tiện của Nguyễn Phú Trọng
Leave a Comment