Hôm 05.9.2016, Nathan Law (La Quán Thông) từ đảng chính trị mới thành lập Demosisto đã thắng cử và trở thành nghị sĩ trẻ nhất trong lịch sử Hồng Kông trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Hồng Kông.
Tài năng không đợi tuổi
Đọc qua về tiểu sử của Nathan Law mới thấy hết được tài năng của con người và vô tận, tài năng đó chẳng có đợi tuổi, mà nó sẽ chín và trong hơn với những ai quyết tâm nuôi dưỡng và đam mê theo đuổi mục đích của mình. Năm 2016, Nathan Law là một minh chứng hùng hồn về luận điểm trên.
Anh là một trong những thủ lĩnh sinh viên lãnh đạo biểu tình năm 2014.
Một thế hệ mới của các nhà hoạt động chống Trung Quốc giành được ghế tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, kết quả sơ bộ cho thấy.
Trên thế giới chúng ta thấy có Bộ trưởng ở tuổi 27 (Thuỵ Điển), nghị sỹ ở tuổi 21 (Anh), và nhà lập pháp ở tuổi 23 (Hồng Kông).
Thui chột tuổi thanh xuân
Bị nhà cầm quyền cộng sản ngu hóa, nhồi sọ, dọa dẫm và đàn áp đã khiến cho tuổi trẻ Việt Nam trở thành “những con cừu, một đàn gà, vịt”. Với luận điệu của Tuyên giáo cộng sản “đã có đảng và nhà nước lo” thành ra tuổi trẻ đã bị triệt thoái hết những lý tưởng và mục đích sống của mình.
Giờ đây họ chỉ biết lao vào tìm đọc các tin tức về showbiz, giải trí, tìm bắt pokemon hoặc đánh lộn giữa đường, hay trong chính nhà trường, tìm cách mua điểm, chạy việc.
Nhưng sự hèn kém của tuổi trẻ Việt Nam thời nay có phải do cộng sản ngu hóa là nguyên nhân duy nhất hay không ? Tôi nghĩ rằng không thể lấy điều đó ngụy biện được, điều đó hoàn toàn không hợp lý.
Hãy nhìn vào lịch sử nước Việt Nam thời Pháp thuộc. Nguyễn Thái Học còn rất trẻ nhưng Ông đã là một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Mặc dù bị truy nã, giam cầm, và hành hình nhưng ông không thể khoanh tay ngồi chờ chết và quyết tâm phất cờ khởi nghĩa. Ông bị thực dân Pháp bắt và chém đầu ngày 17 tháng 6 năm 1930 tại Yên Bái khi mới 28 tuổi.
Hãy nhìn vào Trần Quốc Toản chống quân Nguyên. Tháng 10 năm 1282, lúc đó ông mới 15 tuổi nên vua không cho tham dự bàn kế chống quân Nguyên. Ông thấy trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Trần Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiếc thuyền, viết lên cờ sáu chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám chống lại.
Nathan Law sinh ra tại Trung Quốc, phải đến năm 6 tuổi mới cùng mẹ chuyển đến Hồng Kông, sự thành công của anh Nathan Law cũng trải qua nhiều đau khổ, trở ngại. Nguyễn Thái Học hay xa hơn Trần Quốc Toản cũng đã trải qua đau khổ, khó khăn, tù đày, thậm chí là cái chết. Nhưng họ đã dám làm việc lớn và họ đã để lại cho hậu thế những bài học lớn lao về đam mê, nhiệt huyết, lòng yêu nước cháy bỏng cho thế hệ trẻ muôn đời sau.
Tuổi trẻ dám làm việc lớn không phải chỉ dựa trên những con đường có sẵn hoa hồng mà chính họ phải tạo ra những con đường do họ muốn nó là con đường như thế nào.
Nếu bạn nghĩ bạn thất bại thì bạn sẽ thất bại, nếu bạn nghĩ bạn thành công thì bạn sẽ thành công; cũng vậy, nếu bạn nghĩ bạn làm ông chủ bạn sẽ thành ông chủ, còn nếu nghĩ mình là kẻ nô lệ thì chắc chắn bạn sẽ làm nô lệ.
Dù đứng trước quyền cường và bạo lực, đứng trước khó khăn và đau khổ, đừng tự thui chột trí não, đừng tự biến mình thành nô lệ, đừng bị chìm đắm trong những lời tuyên truyền dối trá mị dân của kẻ cai trị, đừng mãi biến mình thành kẻ bị trị, nô lệ.
Phản tỉnh để chống lại cái ác, để xây dựng tương lai, để bảo vệ đất nước, để làm chủ cuộc đời mình, đó mới là giá trị sống đích thực của tuổi trẻ, đó mới là sự cường tráng thời thanh xuân, sự hảo sảng của một thời sung mãn, sự hào hoa của những bộ óc trí tuệ, sự quyết liệt mạnh mẽ của thanh niên.
Nếu Hồng Kông có một Nathan Law ngày hôm nay thì Việt Nam sẽ không thiếu những người như Nathan Law của Việt Nam.
Hà Nội 06.09.2016
Paulus Lê Sơn
Leave a Comment