HÀNG CHÂU, TRUNG QUỐC (CTM Media)- Sáng nay, 06 Tháng Chín, 2016, tất cả các hãng thông tấn lớn đều loan tin về Thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Thế nhưng tin tức cho G-20 không nhiều vì truyền thông thế giới cho rằng những nỗ lực của các lãnh đạo G-20 nhằm tìm ra giải pháp đưa nền kinh tế thế giới vượt qua khó khăn sẽ trở nên vô nghĩa khi mà các quốc gia không giải quyết được những mâu thuẩn, bất đồng đang tồn tại trong việc mậu dịch, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và lãnh đảo.
Các hãng thông tấn thế giới và truyền thông nhiều nước đã đề cập đến hai cuộc hội đàm song phương giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc và giữa Nhật Bản-Trung Quốc nhiều hơn tin tức Thượng đỉnh G-20.
Theo đánh giá của các quan sát viên thì hai cuộc hội đàm song phương này chẳng đi đến đâu ngoại trừ việc các bên đều tuyên bố tìm cách cải thiện.
Trong cuộc hội đàm giữa Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Tập Cận Bình thì lập trường đôi bên trái ngược nhau. Ông Obama kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở Hague.
Trung Quốc không nên ỷ mình là nước lớn để uy hiếp các quốc gia khác trong vùng. Hoa Kỳ luôn chủ trương tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đáp lại, ông Tập Cận Bình vẫn khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục “bảo vệ” chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông.
Về cuộc hội đàm vào tối ngày 5 Tháng Chín, 2016 giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình hứa sẽ khuyên Bắc Triều Tiên không nên chế tạo vũ khí hạt nhân và triển khai tên lửa. Chuyện biển Hoa Đông và quần đảo Điếu Ngư / Senkaku thì sẽ tìm cách cải thiện, nhưng không thể giải quyết ngay được.
Trước đây Trung Quốc đã hứa hai chuyện này, nhưng Bắc Triều Tiên vẫn chế vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tàu cá, tàu chiến, máy bay Trung Quốc tiếp tục gia tăng xâm phạm lãnh hải cũng như không phận Nhật ở vùng Biển Hoa Đông.
Về vấn đề Biển Đông thì ông Tập Cận Bình nói Nhật Bản không có quan hệ gì thì đừng xía vào.
Đáp lại, Thủ Tướng Abe nói cho ông Tập biết Biển Đông có tầm quan trọng sống còn đối với Nhật Bản. Phán quyết của Tòa trọng tài là phán quyết cuối cùng và ràng buộc với cả hai bên, cần phải dựa vào phán quyết này làm căn bản cho các cuộc đàm phán tranh chấp ở Biển Đông.
Leave a Comment