Hôm nay, ngày 2-9-2016 trên báo Tuổi Trẻ có đăng một bài viết của ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước vừa hết nhiệm kỳ. Bài viết nói về mối lo của ông về sự tồn vong của triều đại cộng sản, bằng những lời lẽ hết sức lâm ly bi đát:
Trích: “Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu, suy vong của các triều đại trong lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước khiến cho những đảng viên cộng sản trung kiên, các bà mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu nhiều hi sinh mất mát không thể yên lòng“.
Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự câu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm…, gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế”.
Không phải chỉ mới đây các nhân vật chóp bu của Đảng mới lo lắng cho số phận của triều đại cộng sản, mà cách đây 20 năm họ đã thấy mối nguy và ra nghị quyết chống tham nhũng 14-NQ/TW ngày 15-5-1996:
Trích nghị quyết: “Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước. Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta“.
Hai mươi năm trôi qua kể từ khi nghị quyết về “sự tồn vong của chế độ” ra đời, mối lo về “sự tồn vong” đó không những không giảm bớt mà lại còn trầm trọng hơn, khiến hôm nay ngài cựu chủ tịch nước lại phải lên tiếng than thở lo sợ cho tương lai của triều đại.
Thực tế cho thấy hiện nay các quan chức cộng sản “ăn của dân không chừa một thứ gì”. Không ai bảo được ai, ai cũng sợ mất phần, chẳng ai cần biết đến “tồn vong” là gì, miễn đầy túi của mình là đủ. Và họ cũng đủ khôn ngoan để lót ổ sẵn ở một xứ giãy chết nào đó, để khi “tồn vong” đến thì có sẵn nơi mà chạy.
Trong chuyện thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, vì sao các quan lớn quan nhỏ cứ chống chế loanh quanh, đổ qua đổ lại, không giải quyết hậu quả, không triệt tiêu nguyên nhân và cũng không ai chịu trách nhiệm? Các ông đã ngậm miệng ăn tiền nên giờ há miệng mắc quai, không sao giải quyết được!
Các doanh nghiệp, thì è cổ ra gánh đủ loại phí bôi trơn không tên mà không có không được, đến nỗi doanh nghiệp không thể phát triển, mất sức cạnh tranh, thua ngay trên sân nhà.
Đến người nông dân cùng khổ, vô sản chính hiệu cũng bị bóc lột tận xương tuỷ, “cái đêm hôm ấy đêm gì” còn ghê gớm hơn thời “tắt đèn” gấp mấy lần.
Các quan cộng sản biết là sẽ có sự “tồn vong” nhưng không chùn tay, không sửa đổi. Cách duy nhất họ làm là tiếp tục “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, ai có bất bình lên tiếng thì bịt miệng, thì dập tắt cho bằng được. Giống như người bệnh nặng không chịu chữa trị và sống lành mạnh mà cứ ăn chơi vô độ bất cần thân thể, thoả mãn dục vọng trước đã, tới đâu thì tới!
Cái câu tự cứu mình trước khi trời cứu xem ra Đảng ta không biết áp dụng. Thôi thì hãy cứ tụng điệp khúc “tồn vong” mà chờ trời cứu vậy!
Leave a Comment