Nước thịnh đâu phải bằng sắt thép!
Dân nghèo đâu phải tại dân ngu?
Nhìn người, ngẫm cảnh mình mới hiểu
Loá mắt vì tham cứ làm liều.
Người ta đã tổng kết “Bi kịch của Trung Quốc là người có tư tưởng thì không quyết sách; Người quyết sách thì không có tư tưởng. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, khi mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai”. Ngẫm suy, nhiều bi kịch của Trung Quốc có đất tái hiện ở Việt Nam.
Thông tin chính thức trên công luận cho thấy một dự án thép khổng lồ với công suất trên 16 triệu tấn/năm đang được tính toán xây dựng tại xã Phước Diêm và Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có vốn đầu tư lên tới 10,6 tỉ USD (hơn 230.000 tỉ đồng), công suất 16 triệu tấn/năm.
Thực trạng
Vào những năm 2006-2008, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin nổi tiếng, mặc dù đã bị “chiếu tướng” vẫn “nhẩy” vào Cà Ná để xây dựng nhà máy thép 4-5 triệu tấn rồi. Nhiều người dân đã mất đất, mất nghể muối Cà Ná nổi tiếng cho mãi tới nay, nhưng chẳng thấy sắt thép gì cả.
Vào lúc đó, có nhiều dự án thép như Formosa, liên doanh Vnsteel với Tata, 2 dự án của Trung Quốc cũng ở Vũng Áng, dự án của VinaMega ở Đình Vũ v.v… Giống nhau ở chỗ, ai cũng khoe đầu tư hiện đại, nhưng thực ra công nghệ “blast furnace” (lò cao) có từ vài thập kỷ trước đây. Có đến 70-75% thép hiện nay là từ các loại công nghệ này.
Tôi mới đọc bài báo thấy ông chủ dự án Cà Ná nói không cho giọt nước thải nào chảy ra biển? E xạo quá! Làm ra hơn 10 triệu tấn/năm, nước thải rất nhiều và tái tuần hoàn làm sao hết được. Số còn lại chảy đi đâu, chẳng lẽ ngấm hết xuống đất!? Trong khi Ninh Thuận lại rất khan hiếm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Liệu bi kịch có xảy ra khi nước ở đây bị ô nhiễm? Và khí đó, lại có một Vũng Áng mới!
Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ, được biết đến là nơi có điều kiện nguồn nước khô hạn nhất cả nước. Dòng sông lớn Ninh Thuận là sông Dinh, hay còn gọi là sông Cái. Dòng sông bắt nguồn từ núi Gia Rích cao 1900 m thuộc địa phần Lâm Đồng và đổ vào Vịnh Phan Rang. Dòng chính của sông Dinh dài khoảng 120 km bao gồm 5 nhánh sông chính: sông Sắt, sông Ông, sông Cho Mo, sông Than và Suối Ngang. Từ Tân Mỹ xuống hạ lưu dòng sông chảy qua vùng đồi thấp và đồng bằng hẹp, các sông có độ dốc lớn làm cho tốc độ tập trung dòng chảy rất nhanh.
Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh là khoảng 5,32 tỷ m3 trong khi tổng lượng dòng chảy chỉ khoảng 1,97 tỷ m3 tương đương với tỷ lệ 0.37. Sông Ông nhận nước từ hồ chứa Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) thông qua thủy điện Đa Nhim, tổng lượng xả của thủy điện Đa Nhim hàng năm là khoảng 550 triệu m3, đây là nguồn nước rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt trong các giai đoạn hạn hán gần đây.
Xây dựng các hồ chứa trữ nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bắt đầu vào năm 1990. Đã có 21 hồ chứa đã được xây dựng, với khả năng lưu trữ tổng cộng là khoảng 197 triệu m3. Hầu hết trong số đó là hồ chứa thủy lợi quy mô nhỏ (dung tích nhỏ hơn 2 triệu m3), khả năng điều tiết nước rất hạn chế.
Bài học kinh nghiệm
Xét về khía cạnh khác, ở Trung Quốc, thép đang bị thừa, sản xuất thép lại tiêu thụ nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm trầm trọng nên họ “dumping” vào thị trường Âu châu, cạnh tranh bẩn, kiểu giá rẻ mạt làm cho những nhà máy bên đó phải đóng cửa. Vì thế mà EU “cấm cửa”. Nên họ tìm sang thị trường Việt Nam “dễ tính, dễ mua”.
Ở Canada, nói về chính sách cũng như các luật lệ hiện hành về bảo vệ môi trường phải tuân thủ những thỏa thuận đặc biệt được ký kết cho từng dự án giữa cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường của Chính phủ và xí nghiệp chủ đầu tư. Sở dĩ phải có thỏa thuận đặc biệt này cho mỗi dự án là do nhu cầu về sản xuất các sản phẩm tiến triển liên hồi gây ra nhiều bất cập mà luật hiện hành về môi trường chưa có đủ các điều khoản để kịp thời xử lý. Nếu chờ làm luật thì trễ mất, vì thế mà ở Canada trong tất cả các dự án thì ngoài việc những luật lệ hiện hành phải tuân thủ thì đối với các dự án quan trọng, chủ đầu tư còn bị ràng buộc thêm bởi những thứ mới được xác định bởi “thỏa thuận đặc biệt”. Họ dự trù thời gian “tối thiểu” là 5 năm cho việc làm đánh giá môi trường (ĐTM), để có thời gian làm nghiên cứu, cũng như tranh thủ sự đồng thuận trong xã hội.
Các tiêu chuẩn để thực hiện thỏa thuận đặc biệt đã được hợp thức hóa (từ tháng 6/2001) ở Canada. Có thể thấy là các giai đoạn cũng như nhiệm vụ và bổn phận của các bên liên quan đều được định nghĩa rõ ràng, minh bạch và kết quả phải làm sao “đo được” để có thể kiểm soát và Chính phủ sẽ trợ giúp kỹ thuật để thực hiện công việc này.
Chính vì thế mà đã có một cuộc họp riêng do Canada đề xuất bàn về tác động đến môi trường, cộng đồng và người lao động từ hoạt động khai khoáng và luyện kim, năng lượng trong đàm phán TPP.
Ở Việt Nam, nếu TPP được các nước phê chuẩn, không chỉ toàn “màu hồng” vì còn mặt trái của nó là cũng dễ biến Việt Nam thành nơi tiếp nhận các dự án luyện kim trên cơ sở nhập quặng như sắt, đồng, than…với thuế bằng không từ các nước thành viên TPP như Australia, Canada, Peru, Chile…, tiếp nhận các dự án sản xuất nguyên liệu cho gia công xuất khẩu hàng may mặc, da giầy theo yêu cầu xuất sứ nguyên liệu. Đây là những ngành gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất nên ngay từ bây giờ ta phải chủ động có kế hoạch phòng ngừa, bảo vệ môi trường theo quy chuẩn quốc tế.
Ngẫm suy, câu chuyện dự án thép tỷ đô ở Ninh Thuận có vẻ giống như hồi thập niên 2000-2010, sau khi dự án Dung Quất được nhận ưu đãi của Chính phủ (trước đó thì tập đoàn Total, liên doanh Việt – Nga đã cân nhắc và phải rút lui) vì nếu không được ưu đãi thì hiệu quả bài toán kinh tế quá thấp. Một loạt dự án lọc hóa dầu như Nghi Sơn, Vũng Rô, Long Sơn, Cần Thơ mọc lên như nấm sau mưa. Thực tế, sau đó chỉ có Nghi Sơn thành hiện thực nhưng cái giá “tiền tươi, thóc thật”, chứ chưa tình đến quy ra từ thiệt hại môi trường – hậu quả Nhà nước Việt Nam phải trả giá đắt như thế nào thì báo chí cũng đã nói đến rồi.
Người dân đặt vấn đề nếu không có ưu đãi của Nhà nước thì những dự án kiểu luyện thép, lọc dầu không thể có lãi và các nhà đầu tư không dại gì thực hiện và nói cứng như ông chủ Tôn Hoa Sen. Rõ ràng là nhập sản phẩm xăng dầu từ các nước khu vực (Singapore) kinh tế hơn nhiều so với tự sản xuất ở Việt Nam (do các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài hoạt động từ lâu đã hết thời gian khấu hao). Khi ấy để biện minh, Chính phủ đưa ra học thuyết “tự chủ an ninh năng lương”, dọa đến thế thì hết đường “phản biện”! Hành động đó, chẳng khác gì việc tiếp tục bỏ tiền bù lỗ hoạt động lọc dầu ở Dung Quất và Nghi Sơn, nhà máy gang thép Thái Nguyên v.v… càng làm đất nước chìm sâu trong nợ công, nợ xấu dẫn đến nguy cơ vỡ trận tài chính.
Các dự án có tiềm năng ô nhiễm nghiêm trọng như vậy, không hiểu sao Việt Nam vẫn u mê với chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa với trọng tâm là phát triển công nghiệp nặng được đưa ra từ thập niên 50 của thế kỷ trước?.
Biển miền Trung có tiềm năng du lịch rất lớn, khoảng hơn chục năm trước đây, nhà văn Nguyên Ngọc đã cổ vũ cho việc xây dựng và phát triển du lịch theo “con đường di sản miền Trung”, nhưng vẫn bị những người có trách nhiệm quản lý đất nước bỏ ngoài tai.
Làm gì có chuyện biển sạch, vừa có thép, xăng dầu, lại vừa có cá, có du lịch trong thể chế quản lý và con người như hiện nay ở Việt Nam. Nếu bắt buộc phải làm thép, thì Việt Nam chỉ nên làm thép chế tạo (C45 trở lên) và thép hợp kim, công suất cũng “vừa phải”, chứ làm đến hơn chục triệu tấn để làm gì, vì tất cả nguyên liệu chính đều phải nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) và rủi ro lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường!?
Lời kết
Thực trạng là “cái sảy nẩy cái ung” từ tình trạng/cái không hay nhỏ, đơn giản lúc mới nảy sinh, do giải quyết không khéo và kịp thời mà phát triển thành không hay lớn hơn, phức tạp hơn, mà nguyên nhân là “quân hồi vô phèng”!
Nhà nước nếu thực sự của dân, do dân và vì dân, Quốc hội nên xem xét quy định từ nay, tất cả những công trình loại này như Formosa, nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang, nhà máy nhiệt điện Long An, nhà máy thép Ninh Thuận vv… phải do cấp Bộ và cấp Chính phủ thẩm định và quyết định, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước cả nước. Quy định này phải trở thành luật, không thể phân cấp giao cho địa phương như hiện nay.
Xin có mấy vần thơ “Muôn sự vì dân” để kết luận cho bài viết này:
MUÔN SỰ VÌ DÂN?
Nước thịnh đâu phải bằng sắt thép!
Dân nghèo đâu phải tại dân ngu?
Nhìn người, ngẫm cảnh mình mới hiểu
Loá mắt vì tham cứ làm liều
“Vũng Áng” còn kia chưa tiêu nổi
Lại thêm “Cà Ná” nữa ông ơi!
Muôn sự vì dân sao lại thế?
Đừng để Ngô-nghê quậy phá nhiều
Dân giầu, nước mạnh do mình cả
Trí, đức, tài, tâm hãy mộ chiêu!
T.V.T.
Leave a Comment