Những nạn nhân của sự bạo hành mãn tính
Những chuyên gia tâm lý thường không xa lạ với tâm trạng của những nạn nhân bị bạo hành dai dẳng lâu ngày. Từ bạo hành ở đây có nghĩa ức hiếp hành hạ bao gồm về mặt thể xác (cưỡng bức tình dục, đánh đập đầy đoạ thân thể, nhục hình) và/hay về mặt tinh thần (liên tục làm tổn thương tâm lý, hạ thấp nhân phẩm).
Nạn nhân thường bị kẻ bạo hành cô lập cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và đẩy vào thế bị lệ thuộc vào thủ phạm, và thủ phạm có thể khống chế, kiểm soát chi phối hoàn toàn nạn nhân, và khiến nạn nhân phải nghĩ rằng mình là kẻ đang thọ ơn kẻ bạo hành như công cha nghĩa mẹ dung dưỡng mình.
Lâu ngày, nạn nhân quen dần với sự bất lực của mình, an phận chịu đựng, coi đó là chuyện đương nhiên, tuyệt vọng không tin rằng mình có thể làm gì được để thoát ra khỏi tình trạng bị bạo hành. Ý chí và sức đề kháng do đó bị bào mòn triệt tiêu đưa tới tình trạng liệt kháng. Rồi trở nên vô cảm thậm chí còn cưỡng lại mọi tác động thay đổi từ bên ngoài vì sợ phá đi cái không gian sinh tồn nhỏ bé còn lại của mình mà mình đã phải trải qua nhiều đau khổ để thích ứng.
Sự lệ thuộc vào kẻ bạo hành khiến nạn nhân nhiều khi còn quyết tâm bênh vực thủ phạm sợ thủ phạm mất đi thì mình cũng chẳng còn, sợ thủ phạm không mất đi mà chỉ bị thương tích xây xát thì sẽ giáng cơn tức giận lên đầu mình, mình còn khổ hơn.
Trong khi đó kẻ bạo hành thường khéo léo khi xiết mạnh, khi mở để nạn nhân cảm kích thọ ơn. Ví dụ khi bị xiết cổ lâu ngày trong trạng thái gần ngạt thở, đến lúc được nhả lỏng ra cho thở dễ hơn để khỏi chết, nạn nhân dễ thấy đó là hạnh phúc và rất đội ơn kẻ bạo hành đã tử tế nương tay cho phép mình thở dễ hơn, quên đi rằng thở bình thường tự nhiên là quyền tự nhiên của mình không ai được xúc phạm tước đi.
Kẻ bạo hành nhiều khi cũng rất là tử tế với nạn nhân, nhất là khi cảm thấy con run xéo mãi cũng quằn vùng vẫy, hay khi muốn thưởng cho nạn nhân đã ngoan ngoãn triệt để phục tòng. Những giây phút tử tế đó làm nạn nhân càng thêm mủi lòng, từ khổ tận cùng lên đến hạnh phúc tuyệt vời, và dễ dàng chấp nhận những năm tháng dài bị đầy đọa như là cái giá hợp lý phải trả cho giây phút hạnh phúc ngắn ngủi đó và trở nên sợ mọi sự thay đổi hiện trạng e sẽ không còn cơ hội hưởng cái cảm giác phê đã ấy.
Những cơ quan xã hội muốn can thiệp giúp đỡ nạn nhân trong một gia đình mà người chồng, người cha là kẻ bạo hành lạm dụng vợ và con, không hiếm khi gặp những người vợ tuy là nạn nhân, vẫn hết mình bênh vực bảo vệ chồng, vô cảm với nỗi đau khổ của con đang bị cha lạm dụng bạo hành, thậm chí còn mắng con, bắt nó im lặng không kháng cự lại cha, và từ chối thậm chí chống lại sự giúp đỡ từ người ngoài.
Khi đã bị liệt kháng và hoàn toàn bị thuần phục như con chó trung thành trong nhà, thì dù có được thả lỏng cho đi ra bên ngoài, nạn nhân vẫn sẽ ngoan ngoãn quay trở về lại với kẻ bạo hành.
Lúc này nếu người ngoài muốn can thiệp giúp họ, muốn khích động sự đề kháng của họ bằng cách chửi bới tô vẽ hình ảnh kẻ bạo hành là kẻ tàn độc, hình ảnh càng tàn độc, thì càng làm họ thêm sợ hãi, liệt kháng thay vì tức giận phản kháng.
Những nạn nhân đã thoát khỏi được tâm lý liệt kháng nói trên, thường trải qua tiến trình tiệm tiến, không dễ một sớm một chiều.
Trước hết là họ tiếp cận được với thế giới xung quanh, tầm nhìn được mở rộng để dần thấy rằng kẻ bạo hành không phải là mạnh vô song, là tất cả thế giới của họ như họ đã từng tin, từ đó mới dần dần thấm rằng cuộc sống của họ là hiện trạng không bình thường như họ đã quen.
Họ bớt tuyệt vọng và tin rằng mình có thể có một cuộc sống an toàn ngoài sự bao bọc kiểm soát chi phối của kẻ bạo hành rồi dần có thêm tự tin rằng mình không hoàn toàn bất lực mà có thể làm được cái gì đó cho cuộc sống mình khá hơn không cần phải thông qua kẻ bạo hành. Rồi bắt đầu có những rụt rè dọ dẫm thử mức độ an toàn cho mình. Trong tiến trình này trong thâm tâm họ vẫn luôn mong và hy vọng kẻ bạo hành sẽ chủ động thay đổi tử tế hơn để đôi bên hòa thuận vui vẻ cho cuộc sống dễ dàng hơn, mặc dù hy vọng đó thường hão huyền vì bản chất kẻ bạo hành khó thay đổi, nhất là nếu không bị áp lực thường trực, không cưỡng lại được.
Khi sự tự tin bắt đầu tăng dần cũng là lúc ý chí đề kháng bắt đầu thức dậy và từ từ hồi phục. Tinh thần đề kháng phục hồi dần đến một mức độ mà sự bạo hành càng tàn độc của kẻ ác sẽ càng thôi thúc tính đề kháng cho tới một lúc nó bùng lên thành hành động quyết liệt dứt khoát, nhất là khi nạn nhân cảm thấy mình tới đường cùng không thể mất hơn.
Hành động dứt khoát có thể như người vợ dắt con bỏ trốn sẵn sàng phá bỏ cuộc hôn nhân hoặc sẵn sàng tử chiến với kẻ bạo hành.
Leave a Comment