Lễ Giỗ các Anh Hùng Đông Tiến lần thứ 29 tại Đức Quốc

Nguyễn Phan - Web Việt Tân

Quang cảnh buổi Lễ Tưởng Niệm các Anh Hùng Đông Tiến tại Bad Homburg, Đức Quốc
- Quảng Cáo -

(Bad Homburg) – Đúng 14 giờ ngày 27 Tháng 8, 2016, buổi Lễ Giỗ những Anh Hùng Đông Tiến của Đảng Việt Tân đã được cử hành đúng nghi thức tại thành phố Bad Homburg, Đức Quốc. Hội trường Albin Göhring khá rộng rãi, khang trang đã trang trọng chào đón khoảng 100 đảng viên và thân hữu đến tham dự.

Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ và mặc niệm. Vào chương trình là đoạn phim về bối cảnh của sự hy sinh của những Chiến hữu tiên phong và Kháng Chiến Quân (KCQ) của Đảng Việt Tân trong chiến dịch Đông Tiến, mong đưa những người con Việt Nam trở về đất mẹ để dựng ngọn cờ kháng chiến chống lại bạo quyền cộng sản. Nhiều người trong số này là những anh hùng để lại vợ con ở hải ngoại để mở con đường chấm dứt độc tài cộng sản còn kéo dài đến tận hôm nay. Nhiều người đã tỏ ra rất xúc động khi xem phim.

Phần nghi thức dâng hương và tưởng niệm bắt đầu bằng đoạn phim truy điệu ngắn. Cả hội trường nghiêm trang đứng dậy để tưởng nhớ đến những người đã khuất.

Anh Ngô Văn Minh đã đại diện Ban Tổ Chức chào mừng đại diện Hội Đoàn bạn, thân hữu và đảng viên Việt Tân.

- Quảng Cáo -

Kế đến MC Trịnh Đỗ Tôn Vinh giới thiệu cũng như sơ lược về quá trình hoạt động diễn giả chính của chương trình là TS Trần Diệu Chân và ông Ngô Trọng Đức, một Ủy Viên Trung Ương của Đảng Việt Tân.

Trong phần trình bày ngắn của mình, ông Ngô Trọng Đức đã chia sẻ với cử tọa về sự hy sinh của những Chiến hữu tiên phong và KCQ của Việt Tân trong những ngày tháng khởi đầu cuộc kháng chiến chống cộng sản. Trong phần giải đáp những câu hỏi của cử tọa, ông đã sơ lược về những bước đấu tranh theo qua điểm của Đảng Việt Tân như “nong xích, xây lực, đục ruỗng nát những trụ cột chống đỡ chế độ như công an, quân đội, truyền thông, luật pháp” v.v.

Ông Ngô Trọng Đức
Ông Ngô Trọng Đức

Ông Ngô Trọng Đức cũng không quên nhấn mạnh vai trò không thể thiếu được của những thân hữu cật ruột, tức những người luôn song hành với Việt Tân qua bao gian nan, khốn khó suốt một chặng đường đấu tranh rất dài.

Sự hy sinh quý báu nhất của đời người là mạng sống. Sự hy sinh của những Chiến hữu Tiên phong đã được rất nhiều Đảng viên Việt Tân trên khắp thế giới noi gương, nối bước. Tất cả đã tạo thành một chính đảng được nhiều người biết đến vì đã cống hiến nhiều hoạt động hiệu quả nhằm chấm dứt chế độ độc tài ở Việt Nam.

Đôn Lê, một Đảng viên Việt Tân trẻ đến từ Sydney, được mời lên chia sẻ ngắn về cảm nhận của mình. Sự nối tiếp không chỉ đến từ lớp trẻ hải ngoại. Ngoài các đảng viên Việt Tân trẻ có mặt tại Bad Homburg, nơi theo lịch sử vốn là cái nôi của nền dân chủ Đức Quốc, Ban tổ chức đã giới thiệu đến cử tọa một Đảng viên trẻ từ Nghệ An là anh JB Nguyễn Văn Oai, một thanh niên Công Giáo và cũng là tù nhân lương tâm trong vụ án 14 thanh niên Công Giáo vào năm 2011. Anh đã bị cầm tù 4 năm vì “tội” yêu nước và tham gia Đảng Việt Tân.

Vì đường truyền Internet quá yếu nên anh JB Nguyễn Văn Oai đã không trực tiếp hầu chuyện của bà con trong hội trường. Nhưng cuối cùng, bằng đoạn video thâu lại trong giờ giải lao, anh Oai đã chuyển tải được sự chia sẻ của anh về sự hy sinh của những Chiến hữu Tiên phong. Bằng một giọng Nghệ An rõ ràng và mạnh mẽ, anh cho biết rằng anh và các bạn anh tri ân những Chiến hữu đã nằm xuống và rất hãnh diện được đứng trong hàng ngũ của những người thực sự cống hiến tài năng, sức lực và mạng sống của mình cho đất nước.

Chị Minh Nguyệt trình bày nhạc phẩm "Trăng Chiến Khu" với phần đệm đàn Guitar của cô con gái Mỹ Tuyền.
Chị Minh Nguyệt trình bày nhạc phẩm “Trăng Chiến Khu” với phần đệm đàn Guitar của cô con gái Mỹ Tuyền.

Để thay đổi không khí, bằng một giọng ca ngọt ngào và điêu luyện, thân hữu Minh Nguyệt đã trình bày bài “Trăng Chiến Khu” với phần đệm đàn Guitar của cô con gái 10 tuổi Mỹ Tuyền. Bài hát này do chính Chiến hữu Chủ Tịch Việt Tân lúc đó là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh sáng tác và nhạc sĩ KCQ Trần Thiện Khải soạn nhạc trong chiến khu.

Bà Lê Nhất Hiền đã ngâm bài thơ của Trương Nhật Tân. Ông là một người tù chính trị, cảm tác bài thơ trong trại tù A20, Phú Yên trong cảm xúc bàng hoàng trước tin Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các Kháng chiến quân hy sinh trên đường Đông Tiến.

Ông Phạm Công Hoàng và bà Đỗ Lan, hai thân hữu sát cánh với cơ sở Việt Tân tại Đức suốt nhiều năm trường đã được mời lên phát biểu cảm tưởng về những Anh Hùng Đông Tiến. Bà Lan đã rất xúc động khi tâm sự cùng cử tọa.

Anh Nguyễn Đình Phúc, đại diện Hội Người Việt Tị Nạn CS tại Hamburg, sau khi cúi đầu trước bàn thờ được chưng bày trang nhã như các diễn giả và những vị khách lên cầm microphone phát biểu, cũng đã dành vài phút để tôn vinh những vị anh hùng vị quốc vong thân.

Cả hội trường đồng ca bài “Thế kỷ này, thế kỷ của chúng ta“ để kết thúc phần 1 của chương trình.

Qua phần 2, TS Trần Diệu Chân đến từ Hoa Kỳ đã trình bày về đề tài hiểm họa đất nước đang đối diện và cuộc đấu tranh bất bạo động mà Đảng Việt Tân chủ trương bấy lâu.

Tiến sĩ Trần Diệu Chân
Tiến sĩ Trần Diệu Chân

Là một chuyên gia về thực phẩm và kinh tế, TS Trần Diệu Chân đã cảnh báo về nguy cơ rất lớn mà Trung Quốc mang lại cho người Việt qua thực phẩm độc hại và đặc biệt trong thời gian qua là thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra.

Tiến sĩ Diệu Chân cũng là dịch giả quyển sách “Chết bởi Trung Quốc” của Giáo sư Tiến sĩ Peter Navarro cảnh báo thế giới về hiểm họa lớn lao mà thủ phạm không ai khác hơn là Bắc Kinh.

Về đấu tranh bất bạo động, TS Diệu Chân nhấn mạnh đến hiệu quả, tính khả thi và có thể được mỗi người dân thực hiện. Bằng những con số thuyết phục như 75% các cuộc thay đổi chính quyền trên thế giới là nhờ vào phương thức bất bạo động, bà tin là dân tộc Việt Nam cũng sẽ hoàn thành sứ mạng lịch sử giao phó là chấm dứt chế độ cộng sản để xây dựng một thể chế dân chủ tự do thực sự tại Việt Nam.

Trong phần thảo luận, trả lời các câu hỏi của thân hữu, TS Diệu Chân, ông Ngô Trọng Đức và ông Nguyễn Thanh Văn, đại diện Đảng Việt Tân tại Đức đã lên bàn chủ tọa trong khoảng 1 giờ đồng hồ.

Trong nhiều câu hỏi, góp ý nêu ra xoay quanh các đề tài nêu trên, ý kiến của một thân hữu tên Tân đến từ Bá Linh đã được hội trường tán thưởng bằng những tràng pháo tay thật to, thật dài. Theo anh, Đảng Việt Tân đấu tranh có hiệu quả khiến CSVN luôn xem Việt Tân là đối tượng để đánh phá, qui chụp đủ thứ tội lỗi. Nỗ lực liên kết của Việt Tân với các nhóm và cá nhân đấu tranh trong nước đã chứng tỏ thiện ý muốn cùng toàn dân đòi lại quyền tự quyết cho dân tộc chứ không phải hợp tác để chia quyền lực. Các thành quả vận động chính giới quốc tế của Đảng Việt Tân rất đáng kể. Nó khiến giờ đây lãnh đạo ĐCSVN đang cho con cháu họ mang tiền ra nước ngoài tẩu tán vì thấy được sự tan rã của chế độ. Tuy nhiên, cũng theo anh Tân, thể chế dân chủ trong tương lai sẽ thu hồi lại được những của cải đó.

Quang cảnh buổi Lễ tưởng niệm

Mọi người cùng hát bài “Trả lại cho dân” của Duy Quốc Nam và nhạc sĩ Trúc Hồ soạn nhạc để kết thúc phần hai chương trình.

Buổi Lễ Giỗ chấm dứt khoảng 5g45 chiều. Mọi người được Bab tổ chức mời chụp chung những tấm ảnh lưu niệm. Trong khi đó, các thân hữu đã chuẩn bị sẵn phần cơm chiều rất thịnh soạn cùng với những loại bánh ngọt kiểu Đức và nhiều loại thức uống rất ngon miệng.

Hơn 7 giờ tối, lúc cái nóng trên 37°C – ngày nóng nhất của năm 2016 tại Đức – vẫn còn làm mọi người “đổ mồ hôi thành dòng” như lời nhạc của KCQ Võ Hoàng năm xưa, nhiều người vẫn còn ở lại hàn huyên dù 500 km, 600 km đường về nhà còn chờ trước mặt.

Buổi Lễ Giỗ được đánh giá là rất thành công về mặt tổ chức cũng như tinh thần.

Chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay
Chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here