Quảng Cáo

‘Cơn bão lòng’ ở Yên Bái

Từ trái sang phải: Ông Đỗ Cường Minh, ông Phạm Duy Cường, ông Ngô Ngọc Tuấn. Ảnh Vũ Quang

Quảng Cáo

Sáng ngày 18/8/2016, khi miền Bắc đang chuẩn bị đối phó với cơn bão Thần Sét thì cả nước bất ngờ bị một cơn bão khác gây chấn động, nhức nhối dư luận xã hội – “cơn bão lòng” ở Yên Bái.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, chủ trì cuộc họp báo chiều ngày 18-8 vừa qua. Ảnh: doanhnghiepvn.vn

Vụ Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn đã bị bắn chết làm rúng động dư luận cả nước. Hậu quả là 2 cán bộ đứng đầu tỉnh Yên Bái tử vong. Nghi phạm không ai xa lạ mà chính là ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, là cán bộ cấp dưới, đồng chí của hai nạn nhân. Mặc dù nghi phạm chính của vụ án đã chết, nhưng cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra và làm rõ những diễn biến phát sinh. Hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ án mạng chưa từng có ở Yên Bái và cả nước đang được đặt ra. Nguyên nhân vụ án chưa được sáng tỏ vì đang trong quá trình điều tra. Nhiều giả thuyết được đặt ra như thủ phạm bị tâm thần, công tác bổ nhiệm, bố trí cán bộ, công tác sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Phát triển lâm nghiệp … đã bị phủ nhận thông qua câu trả lời báo giới của bà Phạm Thị Thanh Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong buổi họp báo vào chiều cùng ngày. Đánh giá của bà Trà về nghi phạm là “trước đây vốn là người rất hiền lành, luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao, trong đối nhân xử thế không có vấn đề gì”. Được biết, ông Minh có nhân thân tốt, là con rể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, vợ Minh là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội phụ nữ Yên Bái. Tuy nhiên, em trai Minh là Đỗ Phú Giang năm 2011 phạm tội giết người, bị Tòa án tuyên phạt 20 năm tù giam, hiện đang thụ án.

Trong buổi họp báo, phóng viên các báo đặt ra nhiều câu hỏi như: hung thủ có để lại thư tuyệt mệnh không, nguyên nhân vụ án có liên quan đến tình ái, công việc làm ăn hay không, nhưng theo ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc công an tỉnh Yên Bái, vì đang trong quá trình điều tra nên chưa thể kết luận điều gì.

Hy vọng rằng đơn vị điều tra độc lập của Bộ Công an vào cuộc để làm sáng tỏ nguyên nhân vụ án thật khách quan, chính xác, trấn an dư luận, ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương.

Mọi việc đều có nguyên nhân của nó, lý do gì chưa thể biết nhưng chắc chắn xuất phát từ mâu thuẫn nào đó, có thể là mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế, chính trị hay về danh dự. Theo tâm lý học, nghi phạm nếu không bị tâm thần, mắc chứng trầm cảm, bị xúi giục, kích động, dùng chất kích thích thì khi giết người rồi tự sát, chắc hẳn đang bị ức chế, bế tắc vấn đề gì đó trong cuộc sống. Việc sát hại lãnh đạo của nghi phạm rõ ràng có sự chuẩn bị từ trước, mâu thuẫn xảy ra án mạng không phải đột xuất mà đã nảy sinh từ trước, âm ỉ rồi bộc phát, bùng nổ khi vượt qua ngưỡng kiềm chế. Tất nhiên, bất luận vì lý do gì thì hành vi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, giết người đều đáng bị xã hội lên án, phản đối. Có thể nói thêm, tâm lý nghi phạm là rất cực đoan, lạm quyền (trong sử dụng súng), manh động, liều lĩnh, bất chấp, coi “cái tôi” của mình rất lớn.

Ai là hung thủ gây ra cái chết cho 3 người? Có đồng phạm hay không? Có tổ chức hay không? Phát súng “tự sát” của ông Minh dấu vết đến từ phía sau? Có nghi phạm nào khác hay không ? Ông Minh chính là thủ phạm hay nghi phạm, khi chưa có quyết định của quan tòa? Những bài báo đưa tin đầu tiên bị gỡ xuống (thay vì đính chính), nguyên nhân phần đông người đọc có thái độ “vô cảm”, “hả hê” ? Chiều 18/8, tại cuộc họp báo, lãnh đạo tỉnh Yên Bái tuyên bố không khởi tố vụ án, vì nghi phạm và nạn nhân đều đã chết, nhưng đến 23 giờ khuya cùng ngày thì tuyên bố khởi tố vụ án để tìm động cơ gây án, Có nhân chứng nhìn thấy sự việc hay không? Có camera ghi hình hay không? Vật chứng thu được tại hiện trường là gì? Tin nhắn, email, điện thoại, facebook, thư tuyệt mệnh, nếu có, được thu thập và làm rõ? … Đó là những câu hỏi mà dư luận đang đặt ra hiện chưa có lời giải đáp.

Trên đây tất cả chỉ là “có thể”, nghĩa là suy đoán, vì ta không thể suy diễn, “làm thay” công an điều tra được. Nhưng một điều có thể khẳng định là, công tác bảo vệ an ninh của Tỉnh ủy Yên Bái quá lỏng lẻo. Việc ông Đỗ Cường Minh (không phải là người làm việc thường xuyên tại trụ sở Tỉnh ủy) mang súng trong người vào cổng tỉnh ủy mà không bị công an canh gác phát hiện. Sau đó ông Minh sang Văn phòng tỉnh ủy để xin phép lên gặp ông Cường tại phòng làm việc, vẫn không bị phát hiện mang súng thì còn khả dĩ. Nhưng tiếp đó ông Minh đến phòng Bí thư Tỉnh ủy để bắn ông Cường mấy phát đạn rồi đóng cửa phòng, sang phòng Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy (cách phòng Bí thư Tỉnh ủy đến 150 m) bắn ông Tuấn nhiều phát nữa, vẫn không bị phát hiện, trước khi ông Minh được tin là “tự sát”. Súng của sát thủ là súng K59, không giảm thanh, bắn đến 8 viên đạn, lực lượng an ninh của Tỉnh ủy Yên Bái đang trong giờ làm việc (khoảng 7h45’ sáng), chắc chắn không phải chỉ một người, có hệ thống camera theo dõi, thế mà không ai phát hiện là điều không thể chấp nhận.

Vấn đề quản lý súng, quản lý việc sử dụng súng của cán bộ cũng rất đáng bàn. Đây không phải là vụ án đầu tiên có liên quan đến việc cán bộ thi hành công vụ dùng súng giết người. Trước đây, từng có nhiều vụ tương tự, có thể kể ra hàng loạt như: Ngày 20/10/2013, Võ Minh Tuấn (quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), cán bộ kế toán tại Lâm trường Trường Sơn, đã dùng súng AK giết chết người yêu. Ngày 17/8/2015, Đoàn Văn Tam, nguyên cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, do mâu thuẫn về tiền bạc, đã dùng súng truy sát người tình. Ngày 23/8/2015, Lê Văn Hùng, cán bộ Phân trại số 2, trại giam Nghĩa An (Quảng Trị) đã dùng súng bắn chết lãnh đạo là ông Trần Đức Hùng (Phó trưởng Phân trại số 2) do mâu thuẫn trong công việc. Ngày 29/6/2016, Nguyễn Văn Tùng, cán bộ của Trại giam Đồng Vải (Quảng Ninh) dùng súng bắn bạn gái rồi tự sát. Ngày 30/6/2016, một cảnh sát giao thông tỉnh Tuyên Quang trong khi thi hành công vụ đã dùng súng bắn đạn cao su bắn vào đầu một thanh niên gây trọng thương.

Súng của người thi hành công vụ lẽ ra chỉ được sử dụng khi thật cần thiết để đối phó với kẻ nguy hại cho xã hội, ngăn chặn cái ác, bảo vệ người chính nghĩa yếu thế đang bị kẻ xấu đe dọa tính mạng, thế nhưng mỗi khi nó bị người có quyền lực lạm dụng thì hậu quả thật khôn lường. Vấn đề quản lý súng, quản lý việc sử dụng súng trước hết bắt nguồn từ việc quản lý, sử dụng con người.

Bão đang đe dọa Bắc Bộ. Tai họa ập đến không chỉ trên trời mà còn ở bên trong con người. “Cơn bão Yên Bái” để lại một tiền lệ xấu về chính trị, an ninh ở Việt Nam.

Trên mạng facebook, nhân vụ này có người comment rằng: “Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: ‘Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thế nói xong là xong việc’”. Đúng là vụ này đã “bắn có địa chỉ”.

Một số facebooker, blogger khác thì nhắc đến đoạn văn cuối truyện Chí Phèo của Nam Cao: “Cả làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi: “Trời có mắt đấy, anh em ạ!”. Người khác thì nói toạc ra: “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu”. Mừng nhất là bọn hào lý ở trong làng. Họ tuôn đến hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn lý Cường bằng những con mắt thỏa mãn và khiêu khích. Ðội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ, trước mặt bao người: “Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn”. Ai chả hiểu “người ta” đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ: “Thằng mọt già ấy chết, anh mình nên ăn mừng”. Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: “Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu…”.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux