DL – Dù Bộ Tài Nguyên – Môi trường và hội đồng khoa học tổ chức họp báo công bố rằng chất lượng biển miền Trung đạt chuẩn vào sáng ngày 22/8, và ngay chiều cùng ngày, bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà tắm biển, ăn hải sản ở Quảng Trị để minh chứng nhưng liệu người dân có thể tin nổi không khi mà chỉ mới tháng 4, hàng loạt lãnh đạo Đà Nẵng cũng có hành động tương tự khi công bố biển đã an toàn.
Biển đã thực sự an toàn?
Tại Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế sáng 22/8, hội đồng khoa học nói rằng nước biển miền Trung đã “đạt chuẩn” cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản, riêng cá biển đã an toàn hay chưa thì “cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế”. Ngoài ra, ông Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà còn khẳng định, “môi trường tự nhiên cũng như biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố”.
Và như để minh chứng cho công bố này, vào trưa 22/8, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã xuống tắm ở bãi biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Sau đó, Đoàn công tác của Bộ trưởng cùng nhau ăn hải sản ở bãi biển Cửa Việt.
Nhưng liệu rằng kết quả này có đáng tin không khi mà suốt thời gian từ tháng 4 cho đến hết tháng 6, hàng loạt quan chức nhà nước dõng dạc tuyên bố biển an toàn, cá sạch cho đến khi Chính Phủ chính thức công bố nguyên dân cá chết vào ngày 30/6.
Hẳn ai cũng nhớ rõ rằng chỉ mới vào cuối tháng 4, khi mà hiện tượng cá chết còn chưa rõ nguyên nhân, ngư dân chỉ mới cho rằng cá chết là do nhiễm độc từ nhà máy Formosa thì lãnh đạo Đà Nẵng vội vàng công bố rằng nước biển an toàn, tất cả chỉ số đều nằm trong chỉ số cho phép.
Sáng 30/4, ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cùng nhiều cán bộ đã ra tắm biển. Trưa ngày 4/5, dàn lãnh đạo cốt cán của Đà Nẵng gồm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Phó chủ tịch Đặng Việt Dũng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Phùng Tấn Viết cùng nhiều giám đốc, phó giám đốc sở và khoảng 300 công chức tổ chức ăn trưa bằng hải sản để khuyến khích người dân yên tâm ăn hải sản.
Không chỉ có Đà Nẵng, Quảng Bình cũng tổ chức tuần lễ tắm biển vào cuối tháng 5 và kêu gọi sự tham gia của cán bộ nhà nước, đoàn viên thanh niên.
Cho đến cuối tháng 6, khi mà Chính Phủ chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt là do Formosa xả thải “có một nguồn thải lớn chứa phenol, xyanua kết hợp phức sắt ở dạng keo (Mixel) xả ra môi trường biển xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh. Phức sắt dạng keo sẽ hấp phụ phenol, xyanua và các độc chất khác. Các độc chất này được làm giàu tới hàm lượng có thể gây độc cấp tính để hình thành cái gọi là “ổ độc di động”.”
Từ đó trở đi, người ta cũng không thấy các vị lãnh đạo lớn tiếng khẳng định biển an toàn và khuyên người dân nên yên tâm ăn cá đâu nữa. Cũng không ai đứng ra chịu trách nhiệm hay xin lỗi dân lấy một lời khi đã có phát ngôn vô trách nhiệm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân như vậy.
Tháng 4 cấp giấy chứng nhận cá sạch, tháng 6 bảo chỉ mang tính tương đối, tháng 9 mới có kết luận cá ăn được hay chưa.
Cũng trong buổi công bố kết quả chất lượng nước biển Miền Trung ngày 22/8, Bộ y tế thông báo chưa có kết luận chính thức rằng hải sản các vùng biển 4 tỉnh cá chết có ăn được không. Kết quả cuối cùng sẽ được thông báo vào cuối tháng 8.
Vậy mà, cuối tháng 4, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNN) các tỉnh miền Trung bắt đầu triển khai thực hiện việc cấp giấy xác nhận hải sản an toàn cho các sản phẩm cá, mực do ngư dân trong tỉnh đánh bắt ở những vùng biển xa. Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận, hàng tấn cá tôm đã được người dân tiêu thụ.
Đến ngày 12/6, ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Trị cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn chỉ mang tính tương đối. “Cấp giấy để chứng nhận cá sạch chứ an toàn hay không thì chưa biết”.
Cá chết dọc 4 tỉnh, chỉ 1 người bị khiển trách, còn lại… rút kinh nghiệm
Ông Phạm Quang Đệ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, hiện mới chỉ có một người nhận hình thức kỷ luật khiển trách, đó là ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT). “Còn lại là xin rút kinh nghiệm”.
Các hình thức kỷ luật nêu trên diễn ra sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ban có liên quan tiến hành kiểm điểm và báo cáo kết quả vụ việc liên quan tới sự cố thảm họa môi trường biển xảy ra đầu tháng 4/2016.
Người đứng đầu Sở TN&MT Hà Tĩnh, ông Võ Tá Đinh chỉ xin rút kinh nghiệm tại cuộc họp ngày 18/8.
Theo như ông Đệ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, khi ông đề nghị ông Đinh nghiêm túc kiểm điểm, “ông Đinh lại nói là do hai phó giám đốc chưa nhận trách nhiệm nên để ông về suy nghĩ đã”.
Ông Đệ nhận định: “hình thức kỷ luật là khiển trách là vẫn đang nhẹ, nên chúng tôi đang yêu cầu họ làm lại”.
Leave a Comment