TIỀN GIANG (CTM Media) – Từ khi Trung Quốc cho xây dựng các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, các chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng cảnh báo hiểm họa lượng phù sa đổ về Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ sút giảm đáng kể.
Thâm độc hơn, sau khi những công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã hoàn tất, thì Trung Quốc lại khuyến khích Lào và Cam Bốt dựng thêm những công trình thủy điện khác ở đoạn sông Mekong, bằng cách gửi thầu Trung Quốc đến và cho mượn vốn, điều này khiến cho lượng phù sa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt.
Cảnh báo của cách chuyên gia cách nay khoảng hai thập niên giờ đã thành sự thật. Không được phù sa bồi đắp, độ sâu của sông Tiền dài 250 cây số và của sông Hậu dài 200 cây số giờ đã tăng thêm trung bình từ 5 mét đến 7 mét. Giới khoa học nhận định, sông Tiền và sông Hậu sâu hơn trước, một phần vì lượng phù sa đã giảm khoảng 50% so với cách nay mười năm, phần còn lại là do nhà cầm quyền Việt Nam và giới chức các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long thi nhau cấp giấy phép khai thác cát.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu do hai chuyên gia ngoại quốc làm việc tại Ðại Học Lyon của Pháp thực hiện thì từ 1998 đến 2008, sông Tiền mất khoảng 90 triệu tấn vật liệu ở đáy sông (cát, sỏi), còn sông Hậu thì mất 110 triệu tấn, trung bình khoảng 20 tấn/năm. Nhưng đến giai đoạn từ 2008 tới 2012, khối lượng khai thác vật liệu ở đáy sông vọt lên đến 57 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, việc khai thác ồ ạt cát ở đáy sông Mekong không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn là phong trào lan khắp Cambodia, Lào, Thái Lan, để đem đi bán cho Trung Quốc và Singapore. Theo các dự liệu thì từ 1960 đến nay, diện tích của Singapore tăng thêm 1/5 là nhờ mua cát sông, cát biển của nhiều quốc gia về bồi đắp.
Qua việc khai thác cát quá mức đã tạo ra những hố sâu ở Lào, Cambodia. Cát thô và cát trung bình từ thượng nguồn sông Mekong đổ về vốn càng ngày càng ít lại bị mắc kẹt ở những hố khổng lồ đó nên không tới lượt Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ðáng lưu ý là theo Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia về sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long thì khi 11 công trình thủy điện trên sông Mekong, đoạn chảy ngang Lào và Cambodia hoàn tất, 100% lượng vật liệu di chuyển ở đáy sông sẽ bị chặn lại, không còn đường về đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đánh giá của giới khoa học thì độ sâu của sông Tiền và sông Hậu càng ngày càng lớn vì phù sa giảm nhiều, sự mầu mỡ của đất đai sẽ biến mất, dòng chảy sẽ thay đổi và nguy cơ sạt lở càng ngày càng cao.
Trước nguy cơ này, mới đây ba tỉnh Tiền Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre cho biết đã gửi văn thư phản đối khai thác cát ồ ạt trên sông, trong khi đó thì Bộ Giao Thông – Vận Tải thì vẫn tiếp tục cấp những giấy phép loại này.
Leave a Comment