Gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức vừa vào thăm anh tại trại giam số 6 tỉnh Nghệ An ngày hôm qua 14/8/2016. Theo lời anh Thức kể lại, vào ngày 8/8/2016, quản giáo của trại giam ép buộc anh phải đi lao động, điều mà trước đây chưa từng xảy ra đối với anh. Công việc là xếp giấy vàng mã mỗi ngày 8 tiếng. Có lẽ trại giam đã ký giao kèo với doanh nghiệp bên ngoài để kiếm thêm thu nhập kiểu này.
Anh Thức yêu cầu trại giam phải ký kết hợp đồng lao động hợp pháp với anh, vì theo luật lao động hiện hành mọi hình thức lao động đều phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, do trại giam từ chối ký hợp đồng lao động, nên anh Thức đã không chấp nhận bị cưỡng bức lao động.
Để trả đũa sự bất tuân của anh Thức, trại giam đã cúp điện trong buồng giam anh liên tục 8 tiếng đồng hồ, trùng với thời gian lao động mỗi ngày. Anh Thức đã phải chịu cảnh giam cầm không đèn, không quạt, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nghệ An hiện nay, khi nhiệt độ luôn vượt trên 41 độ C.
Tuần trước tôi vừa chia sẻ một bài viết về tình trạng tù nhân không chỉ bị cưỡng bức phục vụ cho trại giam và cán bộ quản giáo, mà còn bị cưỡng bức làm việc cho các doanh nghiệp bên ngoài để mang lại thu nhập cho ngân sách của trại giam. Chính báo Tuổi Trẻ vào ngày 6/8/2016 cũng đã đăng một phóng sự về thực trạng phi lý đó ở trại giam Z30A Xuân Lộc, mà anh Thức và tôi từng bị giam.
Hành động cưỡng bức lao động của trại giam số 6 tỉnh Nghệ An rõ ràng vi phạm Hiến pháp 2013. Khoản 3 Điều 35 của Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động […].”
Trong Chương 19 về lao động của Hiệp định TPP mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết, Điều 19.1 (phần định nghĩa các thuật ngữ) và Điều 19.3 (quy định về quyền lao động) đều buộc các quốc gia thành viên phải tuân thủ yêu cầu như sau: “chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc.”
Dường như do hiểu rõ về lối hành xử bất lương của một chính quyền cộng sản như Việt Nam trong việc tìm cách tránh né thực thi trách nhiệm đối với công dân mình, nên Điều 19.4 của Hiệp định TPP còn yêu cầu các quốc gia thành viên không được miễn trừ hoặc giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của Điều 19.3 về quyền lao động nêu trên.
Tù nhân chỉ bị tước đoạt tự do và một số quyền chính trị, chứ không bị tước đoạt quyền lao động tự nguyện. Các trại giam ở Việt Nam, đặc biệt là trại giam số 6 tỉnh Nghệ An, không được viện đến bất kỳ lý do gì để thi hành chính sách lao động cưỡng bức và ép buộc đối với tù nhân.
Dù đang bị giam cầm, tù nhân vẫn phải được đối xử như những con người với đầy đủ quyền làm người, trong đó có quyền được sống và quyền lao động. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau phản đối trại giam số 6 tỉnh Nghệ An và yêu cầu họ:
1) Không được cưỡng bức và ép buộc tù nhân lao động không công và không lương, trái với ý muốn của họ, trong đó có anh Trần Huỳnh Duy Thức; và
2) Ngay lập tức cung cấp đầy đủ điện trong buồng giam anh Trần Huỳnh Duy Thức và chấm dứt mọi hành động trả đũa hèn hạ đối với anh.
Leave a Comment