“Kịch bản Formosa” tiếp tục được giới quan chức chính phủ và Hà Tĩnh thao diễn trên một sân khấu bị mọi cánh gà che chắn bùng bít. Nhân vật bị dư luận xã hội công phẫn đòi cách chức nhưng cho tới nay vẫn an nhiên tại vị – Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Trần Hồng Hà – đã được đưa lên sân khấu Quốc Hội vào cuối tháng 7, 2016 với một đoạn tự thoại dễ khiến khán giả mủi lòng: “Bộ Tài Nguyên Môi Trường sẽ tiến hành xử phạm vi phạm hành chính với Formosa, cụ thể là xử lý 53 vi phạm,” và đến ngày 28 tháng 7, 2016, Formosa đã thực hiện cam kết, chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD vào một tài khoản tạm giữ, số còn lại sẽ được chuyển vào ngày 28 tháng 8, 2016.
Tài khoản “tạm giữ” là gì vậy?
Tại sao số tiền do Formosa bồi thường vụ cá chết miền Trung lại do ông Trần Hồng Hà mà không phải là cấp lãnh đạo của chính phủ thông báo?
Một nhân vật sân khấu khác – Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng – hứa hẹn: “Tới đây họ sẽ chuyển nốt số tiền còn lại. Hiện đầu mối giữ số tiền trên là Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Chính phủ yêu cầu có bao nhiêu tiền bồi thường từ Formosa sẽ dành để hỗ trợ hết cho dân,” và cho biết “các tỉnh sẽ xem xét, lên phương án tổng thể về việc chi tiêu khoản tiền đó trên cơ sở dự kiến từ đối tượng được hưởng, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu…”
Phải chăng sau khi “chủ động và dũng cảm thông tin về nguyên nhân cá chết cùng số tiền bồi thường 500 triệu USD của Formosa,” giới quan chức chính phủ đã lập tức bị dư luận phát hiện hành vi tự ý thỏa thuận với Formosa để nhận một số tiền 500 triệu USD bồi thường mà chẳng biết dựa trên căn cứ xác thực nào, để sau đó chính phủ của Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp bị chỉ trích nặng nề?
Và thực tế liệu có đúng như hứa hẹn của giới quan chức ngồi tận Hà Nội không?
“Ngậm miệng ăn tiền” nhìn từ quá khứ
Với vai trò chủ thể thông tin về việc Formosa đã thực hiện bồi thường 250 triệu USD, hoàn toàn có lý do để cho rằng chính Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường Trần Hồng Hà là một trong những tác nhân đàm phán với Formosa để nhận tiền bồi thường, và do đó ông Hà phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới hoặc trực tiếp về không chỉ việc để Formosa xả thải gây ô nhiễm trầm trọng mà còn tự tung tác thỏa thuận với Formosa mà không thông tin cho dân biết.
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) của Formosa Hà Tĩnh của Bộ Tài Nguyên Môi Trường vào năm 2008. ÐTM này chỉ dài 1 trang mà không có một dòng nào về môi trường biển. Trong khi đó, Luật Bảo Vệ Môi Trường 2005 quy định phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.
Trong phần ÐTM, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2,5 trang. Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang ÐTM, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường?
Ðánh giá tác động của chất thải rắn đến môi trường cũng chỉ hơn một trang, đánh giá tác động do ô nhiễm nhiệt 1/3 trang. Ðặc biệt đánh giá rủi ro về sự cố môi trường chỉ dài một trang, nêu vắn tắt, gạch đầu dòng một số sự cố có thể xảy ra như nổ và bén lửa, ngã do đứng ở vị trí trên cao, kim loại nóng chảy phun bắn ra ngoài, sự cố chập điện, phóng điện, bỏng điện… Không có một dòng nào về sự cố với môi trường biển, với đất, với không khí…
Trong thực tế, đường ống xả thải của tập đoàn thép Formosa đã xả thải trực tiếp một số lượng khổng lồ những chất độc hại ra môi trường, số lượng khổng lồ. Về phương diện kinh tế, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng nhiều người cho rằng, thiệt hại do thảm họa môi trường này gây ra vượt rất xa lợi nhuận mà một khu công nghiệp có thể mang lại. Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Do đó sẽ là không quá đáng khi nói rằng không chỉ người Việt Nam là nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa mà là cả nhân loại.
Từ bản ÐTM “làm cho có” trên, phải chăng đó là hành vi “ngậm miệng ăn tiền” của giới quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường và các “nhà khoa học”?
Tiền sẽ chạy vào túi ai?
Rủi ro luôn gắn liền với số phận dân đen. Cho tới nay người dân miền Trung, báo chí và công luận vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin chi tiết nào về điều được gọi là “kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân miền Trung,” kế hoạch xử lý ô nhiễm biển, và càng không có bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch sẽ sử dụng thế nào số tiền 500 triệu USD bồi thường của Formosa.
Trong thực tế của vụ “cá chết Formosa,” điều được gọi là “hỗ trợ ngư dân” đã được tiến hành cực kỳ cẩu thả và thậm thụt. Từ lúc vụ cá chết 4 tỉnh miền Trung xảy ra vào đầu tháng 4, 2016, hầu hết chính quyền các tỉnh này đều bất động trước thảm cảnh của ngư dân không còn biển để ra khơi kéo lưới. Phải đến gần một tháng sau Chính phủ mới có chính sách hỗ trợ, nhưng lại phải đến 3 tháng sau đó thì tiền và gạo mới đến được tay một bộ phận ngư dân.
Tuy phần hỗ trợ khó khăn chỉ có 300.000-500.000 đồng/người cùng 15 kg gạo/người/tháng, nhưng không phải ngư dân nào cũng nhận được. Có những ngư dân cho tới nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thứ gì. Có trường hợp chính quyền xã còn đòi ngư dân phải nộp một phần tiền hỗ trợ vào “quỹ địa phương” thì mới cho nhận…
500 triệu USD chỉ là một số tiền nhỏ so với cái giá quá đắt mà Việt Nam phải trả về ô nhiễm môi trường, nhưng chắc chắn sẽ bị nhiều con mắt cú vọ của giới quan tham nhòm ngó trong tình cảnh “ngân sách cực kỳ khó khăn.” Nếu trước đây, người dân đã thường không lạ với nạn nhũng nhiễu cùng tỷ lệ từ vài chục phần trăm đến “cưa đôi” tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án lấy đất của dân, thì 500 triệu USD cũng có thể tái hiện cảnh trạng đó, tức sẽ chỉ còn một số tiền nhỏ đến được tay lớp ngư dân không còn biển để sinh sống và chưa biết chọn nghề gì khác để sinh nhai.
Tiền sẽ chạy đi đâu? Hay lại chạy vào túi quan chức như vốn thế trong vô số chương trình tài trợ của Liên Hiệp Quốc và phương Tây cho môi trường, xã hội và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam?
Thói thiếu minh bạch của giới chức chính phủ vẫn tiếp tục hiển hiện trong vụ Formosa. Lối thông báo hết sức mơ hồ về một “tài khoản tạm giữ” nào đó để “giam” số tiền 250 triệu USD của Formosa có thể khiến người dân “lên ruột.”
Với tình trạng quan liêu và thâm lạm như thế, thử hỏi làm sao có thể tin được số tiền 500 triệu USD bồi hoàn của Formosa “sẽ được chi hết cho ngư dân”?
Làm sao có thể không nghi ngờ về một phần không nhỏ trong số 500 triệu USD bồi thường của Formosa sẽ rơi vào túi giới quan chức từ lớn xuống nhỏ?
Cơ quan đang giữ số tiền trên lại là Bộ Tài Nguyên Môi Trường – một trong những địa chỉ đã cực kỳ tắc trách trong quản lý và hậu kiểm, và còn có dấu hiệu đồng lõa với Formosa đối với việc xả thải gây ô nhiễm khủng khiếp về môi trường biển. Làm sao có thể tin được cơ quan bộ này?
Làm thế nào tin được khi “luật rừng” ở rất nhiều bộ ngành và chính quyền địa phương vẫn là một thực tế cực kỳ nan giải. Quen rút rỉa thậm tệ các chương trình hỗ trợ nông dân và ngư dân được tài trợ bởi các tổ chức thiện nguyện quốc tế, giới quan chức Việt Nam chắc chắn đang chăm bẳm vào số 500 triệu USD xem có thể “nuốt” được bao nhiêu phần trăm trong đó.
Vào năm 2009, một tờ báo nhà nước là VietNamNet đã phát giác ra vụ “ăn ODA” đến 40% trong một dự án xây trường học ở Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh lại là “quê hương” của “đồng chí Võ Kim Cự – nguyên bí thư tỉnh này và là người đã “rước giặc vào nhà” qua cơ chế tự cấp giấy phép thuê đất đến 70 năm cho Formosa. Cho tới nay, ông Cự vẫn bình yên trên chiếc ghế ủy viên Ủy Ban Kinh Tế của một Quốc Hội “gật.”
Vào cuối tháng 7, 2016, dù cả Quốc Hội lẫn chính phủ mới vẫn thản nhiên tuyên thệ lần thứ hai liên tiếp cho các chức danh chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng chính phủ, toàn bộ báo cáo của hai cơ quan này đều không một lần đề cập đến trách nhiệm của giới quan chức, đặc biệt quan chức Hà Tĩnh như ông Võ Kim Cự, và Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Võ Tuấn Nhân – người đã công khai che chắn “nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ.”
Tiền sẽ chạy đi đâu và vào túi ai?
Thói khuất tất và khuất lấp của giới quan chức ngày càng đổ dầu vào lửa, càng khiến các cuộc biểu tình không thể ngăn chặn của ngư dân và giáo dân miền Trung bùng nổ rộng và sâu trong thời gian tới.
Leave a Comment