REDLAND, California – (CTM Media) Trong mục tiêu giúp Hải Quân Hoa Kỳ, các công ty vận chuyển hàng hải thế giới và các cơ quan thực thi luật pháp trên thế giới, công ty kỹ thuật ESRI đã sáng tạo nên các bản đồ biểu thị các dữ liệu gọi là ArcGIS có thể tiên đoán những vùng biển có nguy cơ bị hải tặc tấn công.
Với các dữ liệu từ Tháng 7, 2015 đến Tháng 6, 2016, ESRI đã cho thấy 10 điểm nóng về các hoạt động của hải tặc trên thế giới, trong đó Biển Đông của Việt Nam được xếp hạng thứ nhì, chỉ sau Vịnh Guinea (phía tây Châu Phi), về nguy cơ bị hải tặc tấn công.
Theo các dữ liệu này thì trong vòng 12 tháng qua (tính từ Tháng 7, 2015) tình trạng cướp biển đã gia tăng nhanh chóng trên Biển Đông với 62 vụ được ghi nhận. Trong đó hải tặc cướp bóc hàng hoá và các tư trang đáng giá của thuỷ thủ đoàn. Nhiều vụ cướp bóc tại đây có thể do tình trạng tranh chấp chủ quyền biển đảo tại vùng này thúc đẩy.
Trong bản đồ cướp biển (vùng Biển Đông) dưới đây, hầu hết các vụ cướp biển (hình đầu lâu và hai xương bắt chéo màu đen -nhỏ- trên bản đồ) đều xẩy ra xung quanh vùng quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ.
Điều này phù hợp với tường thuật của các ngư dân Việt Nam bị nạn cũng như báo cáo của ông Vũ Văn Tám, Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho báo chí biết ngày 8 Tháng 5 vừa qua. Theo đó thì trong hai năm qua đã có 4 ngàn tàu cá và hơn 2.300 ngư dân Việt thương vong, mất tích trên biển.
Các bản đồ hải tặc của ESRI cho thấy một điều đáng chú ý là, trong số 10 vùng biển bị hải tặc hoành hành thì có 2 vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc, gồm Biển Đông (đứng hàng thứ hai) và vùng biển Hoàng Hải (đứng hàng thứ 9), rất gần bờ biển Bán Đảo Thanh Đảo của Tỉnh Sơn Đông. Đáng chú ý là vì Trung Quốc là quốc gia có lực lượng hải quân đứng hàng thứ ba trên thế giới (sau Hoa Kỳ và Nga) mà lại để cho “hải tặc” hoành hành như vậy.
Theo ESRI thì các vụ cướp biển tại đây cũng liên hệ với những tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với Bắc Hàn, một nước cộng sản anh em khác của Trung Quốc.
Leave a Comment