Quảng Cáo

Cuộc gặp với phái đoàn Dân Biểu Su Chih Fen đã diễn ra thế nào? (Kỳ 3-hết)

Đi Việt Nam tìm hiểu vụ Formosa bị chận ở Nội Bài , Bà DB Su Chih Fen về Đài Loan họp báo tường trình sự việc chuyến đi.

Quảng Cáo

Kỳ 3: Bà Dân biểu đã nói gì.

Trong phòng khách sạn, không còn cảm giác bị giám sát nữa nên chúng tôi ai cũng thấy thoải mái hơn.

Bà Dân biểu vào thẳng vấn đề bằng câu hỏi không thể rõ ràng hơn:
“Mỗi bạn hãy cho tôi biết quan điểm của mình về việc ra đi hay ở lại của Formosa? Các bạn có tin vào lời hứa sẽ khắc phục của họ hay không?”

Lộc nói rõ Formosa vốn đã không được người dân địa phương như anh hoan nghênh ngay từ khi mới đến Hà Tĩnh, chứ không phải chỉ mới gần đây, bởi tất cả những hệ quả về kinh tế, chính trị, văn hóa mà nó gây ra. Chị Hương vẫn giữ những trăn trở về sức khỏe, bệnh tật. Còn tôi nhắc lại những ‘tiền án’ của Formosa khắp những nơi mà nó đi qua để khẳng định rằng tôi không bao giờ tin vào lời hứa sẽ khắc phục môi sinh, môi trường cho Việt Nam.

Mỗi người một góc nhìn, song thống nhất với nhau ở câu trả lời: Chúng tôi không muốn thấy Formosa ở lại, nhất lại là 60-70 năm nữa.

Tiếp đó bà Dân biểu đã chia sẻ một thông tin mà tầm quan trọng của nó khiến tôi khá băn khoăn khi dẫn lại ở đây.

Bà nói chuyện Formosa ra đi hay ở lại thì không chắc. Nhưng theo thông tin bà có được thì ngay cả khi ở lại, Formosa sẽ dừng lại ở giai đoạn 1, chứ không tiến hành giai đoạn 2 nữa.

Hẳn mọi người cũng biết, giai đoạn 1 là 7 triệu tấn thép/năm, còn giai đoạn 2 là 22,5 triệu tấn/năm. Hơn 3 lần công suất là hơn 3 lần mức độ ô nhiễm, nhìn theo hướng đó thì phần nào đây cũng là một thông tin tích cực.

Bà chia sẻ thêm từ kinh nghiệm cá nhân với Formosa, bà thấy trong 3 nước Formosa từng đầu tư, họ tỏ ra thân thiện với môi trường nhất ở Mỹ, trong khi đó ở Đài Loan và Việt Nam có lẽ chúng ta cần phải mất nhiều thời gian hơn để có thể đưa được họ vào khuôn khổ.

Cuối cùng, bà nói rằng tương đối bất ngờ trước sự kiên trì đấu tranh của người dân địa phương, điều mà phần nào đó bà nghĩ là Việt Nam đã làm tốt hơn Đài Loan.

Thời gian chẳng còn mấy, chúng tôi đứng lên từ biệt bà, không quên nói lời cảm ơn. Vẻ uy nghiêm, quyết liệt của nữ chính khách này ngay lúc đó khiến tôi nhớ đến dáng dấp Tổng thống đương nhiệm Đài Loan, đồng thời cũng là đồng nghiệp của bà Su trong Đảng Dân Tiến cầm quyền – bà Thái Anh Văn – khi tôi có dịp chứng kiến buổi lễ tuyên bố chiến thắng của đảng này vào tháng 1 vừa rồi.

“Tôi đã từng rất xúc động khi trực tiếp tham dự buổi lễ tuyên bố chiến thắng của bà Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến. Nay thêm một lần xúc động nữa khi thấy bà lặn lội đường xa đến đây, vừa thị sát Formosa, vừa gặp gỡ người dân địa phương.”, tôi nói vài lời sau cuối trước khi rời đi.

Bước qua sảnh khách sạn ra nơi đỗ xe, không khó để nhận ra có những người bước theo. Tài xế xe chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra một chiếc xe khác bám theo nên chủ động dừng lại để họ đi qua. Xe họ sau đó rẽ vào đường nhánh, đợi chúng tôi đi qua thì lùi lại để bám theo. Do đó dự định vẫy xe khách ngay trong sáng đó để rời khỏi Vũng Áng của tôi không thực hiện được, tôi về nhà thờ để tối rời đi sau.

Khuya hôm đó, nằm trong chiếc xe khách Bắc Nam rời khỏi Hà Tĩnh, tôi vẩn vơ nghĩ điều gì đã khiến tôi bất chấp những lời can ngăn của người thân, bạn bè để ra Vũng Áng một lần nữa. Tôi nhận ra đơn giản đó chính là niềm tin rằng, sinh mạng của anh thợ lặn Lê Văn Ngày, sinh mạng một con người bằng xương bằng thịt, không thể, và không bao giờ, chỉ như một cái móng tay.

Đừng quên anh Ngày, làm ơn, mọi người!

Hết.

PS: Cảm ơn rất nhiều người mà tôi không tiện nhắc tên ở đây đã giúp đỡ để buổi gặp cuối cùng vẫn có thể diễn ra. Cũng xin được cảm ơn mọi người đã theo dõi câu chuyện này của tôi.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux