Phiên họp Quốc hội đầu tiên khóa XIV đã thông qua danh sách chính phủ mới và đề ra chương trình làm việc cho thời gian tới.
Bao nhiêu công việc quan trọng cấp bách đòi hỏi Quốc hội và chính phủ giải quyết không chậm trễ. Từ vấn đề xử lý những vụ tham nhũng nổi cộm nhất vẫn còn dây dưa, đến việc làm một số luật một cách khẩn trương, không kéo dài liên miên như về Luật lập hội vẫn bị trì hoãn không hạn định – đây là một luật mà lẽ ra đã phải được làm xong từ Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 để hướng dẫn thực thi Hiến pháp quy định về quyền tự do lập hội của công dân. Như thế, luật này đã bị chậm trễ đến 70 năm mà Quốc hội đến nay vẫn cứ ù lỳ một cách vô trách nhiệm.
Ngay trước mắt là việc giải quyết vụ ô nhiễm môi trường Formosa. Vụ này phải giải quyết ra sao? Có truy tố công ty Formosa-Plastics hay không? Có chấm dứt dự án quá tốn kém, hủy hoại môi trường, lạc hậu về kỹ thuật này trong khi gang thép đang dư thừa khắp thế giới hay không? Có cần rà soát lại hay không nhiều dự án công nghiệp và khai khoáng lớn cũng đang thua lỗ, lạc hậu, có hại cho an ninh quốc phòng, như nhiều công trình thủy điện, nhiệt điện, hóa chất, xi măng, bô xít, hải cảng, giao thông có hại lâu dài hơn là có lợi cho đất nước?
Có bài báo nêu lên các tai họa chồng chất mà đất nước phải đương đầu, từ ô nhiễm chính trị, trì trệ kinh tế, thâm hụt tài chính, đến niềm tin suy sụp, văn hóa suy đồi, đạo đức băng hoại… cho nên cần có biện pháp mạnh mẽ thay đổi tận gốc mô hình lãnh đạo, cai trị, cầm quyền hiện nay theo hướng cơ bản là dân chủ hóa trong đường lối đối nội và hội nhập thế giới dân chủ văn minh trong lĩnh vực đối ngoại.
Không có ý chí, quyết tâm đổi mới tận gốc thì những thay đổi bộ phận, nhỏ nhoi là những trò cải lương hời hợt chỉ làm cho các căn bệnh hiện nay thêm trầm trọng.
Có những đổi mới then chốt cấp bách không thể trì hoãn, nếu được thực hiện tốt sẽ thay đổi hẳn tình hình, chuyển biến đi lên rõ rệt chắc chắn, gây phấn chấn trong toàn xã hội. Đây lẽ ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Chính trị cần đưa ra biểu quyết và thực hiện ngay từ phiên họp thứ nhất của khóa XIV này.
Một ví dụ là nếu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị ra luật mới về nhiều hình thức sở hữu trong xã hội, từ sở hữu tư nhân đến sở hữu tập thể và sở hữu quốc doanh, trong đó quyền sở hữu về tư nhân là phổ biến và cơ bản nhất, trên cơ sở đó mà từ bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân” rất mơ hồ và không thực tế vay mượn của Liên Xô cũ. Đồng thời phải từ bỏ khái niệm “sở hữu quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” rất có hại vì nó loại trừ sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hình thức sở hữu trong kinh doanh, ưu đãi một cách phi lý các tập đoàn quốc doanh làm ăn không hiệu quả, chỉ phá hoại của công, trấn áp các nhà kinh doanh tự do, bóp chết giai cấp trung lưu vốn là giai cấp đông đảo làm nền tảng cho sự phát triễn và phồn vinh trong nền kinh tế theo thị trường tự do.
Những thay đổi cơ bản đó sẽ mang lại hiệu quả gần như tức thì, tạo nên cao trào sản xuất ở khắp nông thôn và thành thị vốn đã bị trì hoãn quá lâu do đường lối giáo điều quan liêu bảo thủ.
Cuộc đột phá về chính sách đối nội đi cùng với cuộc đột phá đồng bộ về đối ngoại là “liên minh chiến lược toàn diện với các nước dân chủ văn minh hùng mạnh” trên toàn thế giới, dựa trên quyền tự quyết của dân tộc, chung sống hòa bình hữu nghị với mọi nước xa gần. Đây cũng là một bước đột phá kỳ diệu nữa để bảo vệ có hiệu quả chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải đất nước ta .
Với hai đột phá chiến lược trên đây, đất nước ta sẽ tự tin, phấn chấn lao vào các cuộc đột phá mới, sửa đổi Hiến pháp, ra một số luật mới theo hướng Dân chủ, tôn trọng Dân quyền, hòa nhập trọn vẹn với thế giới tự do. Có thể đoan chắc rằng khi ấy, các khỏan chi viện quốc tế ODA và các khoản đầu tư quốc tế FDI sẽ tăng lên gấp bội, xã hội sẽ an bình, lòng dân sẽ vui mừng phấn chấn.
Mong rằng các vị trí thức nhân sỹ, các nhà kinh tế xã hội học, hàng chục ngàn tiến sỹ, thạc sỹ nước ta sẽ đóng góp ý kiến về hai đột phá rất dễ dàng mà mầu nhiệm trên đây, nhằm đưa đất nước ta sớm ra khỏi khủng hoảng và bế tắc nguy hiểm hiện nay.
Leave a Comment