Sau nhiều ngày “đắn đo”, cuối cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã buộc phải chính thức lên tiếng về việc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (thời Bí thư Võ Kim Cự) cấp phép đến 70 năm cho Formosa Hà Tĩnh thuê đất là “trái quy định và vượt thẩm quyền”.
Thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa là tháng 6/2008 và phải tuân theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005. Theo Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005 thì “thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá 70 năm”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu “cần xem xét lại toàn bộ hồ sơ quy trình cấp phép cho Formosa và trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh”.
“Phán quyết” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xảy ra vào cuối tháng 7/2016 và bác bỏ hoàn toàn quan điểm của nguyên bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự, về việc chính quyền tỉnh này cấp phép 70 năm cho Formosa thuê đất là “không có gì sai”.
Không biết ngẫu nhiên hay hữu ý, cũng vào cuối tháng 7/2016, nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang lần đầu tiên có phát ngôn về vụ thảm họa môi trường Formosa, khẳng định “Nhà nước sẽ xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa”.
Có vẻ như ông Trần Đại Quang đã bật đèn xanh cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các giới chức chính quyền Việt Nam ở địa phương, cũng như các bộ ngành ở Trung ương có liên quan tới dự án Formosa Hà Tĩnh.
Nhưng nhiều khả năng, tín hiệu bật đèn xanh trên không tùy thuộc vào một cá nhân lãnh đạo nào mà xuất phát từ “trách nhiệm tập thể Bộ chính trị”. “Trách nhiệm” này lại xuất hiện trước sức ép rất lớn của công luận và dư luận xã hội về đòi hỏi phải đưa những quan chức hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vụ xả chất thải của Formosa ra “trảm”.
Kể từ chuyến công du Formosa vào tháng 4/2016 – ngay sau “sự cố cá chết” – của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều dư luận đã lên án ông Trọng.
Một dư luận khác, thận trọng hơn, cho rằng ông Trọng đã bị “gài”. Nếu đúng vậy và ông Trọng ít dính dáng đến Formosa, ai đã “đạo diễn” cho tổng bí thư đi thăm Formosa vào thời gian cá chết như một động tác răn đe đối với các bộ ngành để “không được làm rõ”?
Sau chuyến đi đầy bất thường trên, Tổng bí thư Trọng tuyệt đối im lặng về câu chuyện Formosa. Nhưng sau hơn 3 tháng trời, hình như cuối cùng ông ta cũng nhận ra rằng không thể nào cứ “ỉm” mãi, do vậy phải chỉ đạo đưa ra công luận một “con tốt”.
“Con tốt” đó, nhiều khả năng là nguyên bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự – nhân vật đã cãi chày cãi cối. Và còn có thể liên quan đến những nhân vật khác của những ngành liên đới trực tiếp, chẳng hạn như Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng tài nguyên và môi trường, người đã quy kết nguyên nhân cá chết là do “thủy triều đỏ”.
Chỉ có điều, không thể lấy quá khứ để ém nhẹm hiện tại và tương lai. Chắc chắn công luận xã hội và đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền Trung, sẽ không chấp nhận tình trạng “thí tốt”, mà đòi hỏi phải đi đến tận cùng của gốc rễ vụ việc – tức đòi đảng phải đưa những quan chức chịu trách nhiệm chính, kể cả ủy viên bộ chính trị, ra xét xử.
Lê Dung / SBTN
Leave a Comment