Nếu Duterte đàm phán với Trung Quốc trên quan điểm trái với quyết định của tòa trọng tài thì Philippines sẽ mất niềm tin của các đồng minh, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, gây thiệt hại cho an ninh khu vực. Ông Duterte phải hết sức thận trọng trong đàm phán các vấn đề trên biển.
Ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines đệ trình tranh chấp tại Trường Sa với Trung Quốc lên tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trước hành động này, vào ngày 25 tháng 8 năm 2006, Trung Quốc gửi tuyên bố lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc khẳng định Trung Quốc sẽ loại trừ các tranh chấp quy định tại điểm (a), (b) và (c), khoản 1, Điều 298 của UNCLOS khỏi thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc.
Philippines cho rằng Trung Quốc đang đòi hỏi quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tất cả vùng nước trong đường chín đoạn vượt quá phạm vi UNCLOS quy định và Trung Quốc chỉ được phép yêu sách các quyền và quyền tài phán trên vùng biển xuất phát từ đất liền, bao gồm cả đảo. Dựa trên lập luận này, Philippines đã yêu cầu Tòa án trọng tài khẳng định việc thiết lập các vùng biển dựa trên đường chín đoạn là vi phạm UNCLOS và nhấn mạnh rằng các rạn san hô và đá ngầm ở quần đảo Trường Sa Trung Quốc hiện đang kiểm soát không có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hay thềm lục địa, và các thực thể như bãi Scarborough là “đá không có khả năng cho con người cư trú và đời sống kinh tế riêng” quy định tại khoản 3, Điều 121 của UNCLOS.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, tòa trọng tài đưa ra phán quyết ủng hộ các đệ trình của Philippines, tuyên bố không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên trong các vùng biển thuộc “đường chín đoạn”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện và đã tuyên bố sẽ phớt lờ quyết định này. Phán quyết của tòa trọng tài là ràng buộc, nhưng UNCLOS không có cơ chế để thực thi nó. Vì lý do đó, Trung Quốc vẫn có thể duy trì kiểm soát thực tế tại các rạn san hô ở Biển Đông.
Trong khi đó, trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 08 tháng 6, Trung Quốc kêu gọi Rodrigo Duterte, tân Tổng thống Philippines giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. Về phần mình, Duterte đã không bác bỏ ý tưởng về đàm phán song phương với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là có hay không những cuộc đàm phán sẽ được tiến hành trên cơ sở phán quyết của tòa trọng tài. Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết của tòa trọng tài không có giá trì, và như vậy Trung Quốc có thể sẽ đi đến các cuộc đàm phán bất chấp phán quyết của tòa trọng tài. Tuy nhiên, nguyên tắc và tôn chỉ cho các cuộc đàm phán quốc tế là nghị quyết số 101 được thông qua tại kỳ họp lần thứ 53 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 08 tháng 12 năm 1998 khẳng định “Mục đích và đối tượng của tất cả các cuộc đàm phán phải là hoàn toàn tương thích với các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế, bao gồm cả các quy định của Hiến chương.” Trung Quốc không thể đàm phán mà phớt lờ luật pháp quốc tế được thể hiện bởi phán quyết của tòa trọng tài.
Là bên khởi kiện trong vụ kiện này, Philippines chịu trách nhiệm lớn hơn để thực hiện phán quyết của tòa trọng tài. Ở đây cần phải nhắc lại Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 về An ninh hàng hải được đưa ra ngày 11 tháng 4 năm 2016, trong đó khẳng định “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước thiện chí quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp biển phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp pháp lý được quốc tế công nhận, bao gồm cả trọng tài, thừa nhận việc sử dụng các cơ chế như vậy là phù hợp với việc duy trì và tăng cường trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật và kêu gọi thực hiện đầy đủ phán quyết được đưa ra bởi các tòa án và trọng tài liên quan ràng buộc các bên, bao gồm các tòa theo quy định của UNCLOS “và” Chúng tôi kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thiết lập một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực.”
Nếu Duterte đàm phán với Trung Quốc trên quan điểm trái với quyết định của tòa trọng tài thì Philippines sẽ mất niềm tin của các đồng minh, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, gây thiệt hại cho an ninh khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông không chỉ là các tranh chấp song phương. Chúng là một vấn đề hiện nay có liên quan đến toàn bộ khu vực. Tân tổng thống đứng trước nguy cơ không chỉ giúp Trung Quốc chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà còn đe dọa sự ổn định và phát triển của châu Á. Thỏa thuận giữa Nhật Bản và Philippines về việc chuyển giao thiết bị quốc phòng và công nghệ được ký kết vào ngày 29 tháng 2 năm 2016 nhằm ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Chấp nhận yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, trong đó biến EEZ của các nước khác thành vùng biển của riêng nước này, là buộc cộng đồng quốc tế phải thừa nhận sự thống trị của vũ lực. Giống như các đồng minh khác, Philippines cần tiên phong trong những nỗ lực biến Biển Đông thành một khu vực mà UNCLOS được áp dụng, để thiết lập các thượng tôn luật pháp trong Biển Đông.
Shigeki Sakamoto là giáo sư tại Đại học Doshisha.
Nguồn: Shigeki Sakamoto, “Duterte, Regional Security and the South China Sea“, The Diplomat, 22/07/2016
Biên dịch: Quách Huyền
Leave a Comment