Vài ngày trước, đài truyền hình quốc gia VTV có đăng một phóng sự mang tên “Syria – góc nhìn từ phía trong cuộc chiến.” Chương trình này đã được giới thiệu từ rất lâu trước đó bằng một trailer ngắn gây tò mò từ phía người xem. Tuy nhiên, sau hơn 30 phút chiếu, VTV đã làm khán giả rất thất vọng. Tôi đã xem phóng sự này; là một người đã được đào tạo trong nghề phóng viên, tôi không hiểu nổi tại sao phóng sự đó có thể được đưa lên trình chiếu cho hơn 90 triệu người dân Việt xem.
Độc giả VOA có thể lên kênh Youtube, tìm kiếm từ khóa theo tựa đề phóng sự để xem đầy đủ nếu quý vị muốn nhìn thấy tận mắt. Nhưng tôi không muốn quý vị phí thì giờ vì nội dung phóng sự nói trên không có gì đáng để xem ngoài một vài chi tiết như cô biên tập viên khóc thút thít sau khi được nghe kể chuyện về những hành động hung bạo của “phiến quân” – cách gọi chung chung các nhóm chống đối chính phủ Syria trong phóng sự. Phóng sự này được thực hiện trong mùa hè 2016, sau đỉnh điểm của cuộc chiến tranh, khiến hơn 8 triệu người dân Syria phải bỏ nước ra đi. Vì vậy, những gì mà nhóm phóng viên quay được chỉ là thành phố với những tòa nhà đổ nát. Câu chuyện mà họ đưa lên cũng là do một vài người dân khác tại đây tường thuật lại. Hơn phân nửa hình ảnh là được cắt ghép từ các tư liệu khác (không ghi nguồn). Ngay cả những thước quay gốc cũng thiếu chất lượng và không thể hiện được tính chuyên nghiệp cần có.
Lúc ở Mỹ, tôi học ngành truyền thông tại một trường tư nhỏ, do đó nên số lượng đầu tư máy móc thiết bị như hệ thống ống, máy quay còn hạn chế, nhưng chính vì vậy mỗi học viên đều được dạy cách làm sao để quay được những hình ảnh có chất lượng nhất trong thời gian ngắn nhất. Mỗi khi có bài tập thực hành, trong vòng 1 tuần, lớp học khoảng 15 người phải đăng ký thời gian cụ thể để mượn máy. Làm một chương trình phỏng vấn đơn giản trong 10 phút cũng phải mất cả ngày để quay, căn chỉnh ánh sáng, âm thanh, góc nhìn. Chưa kể khâu cắt ghép sau khi quay cũng mất rất nhiều công sức.
Thực hành trong môi trường tĩnh đã như vậy, đến lúc phải làm “field work” như quay hình tại sân thể thao hoặc sự kiện, các học viên còn vất vả hơn nhiều. Tôi nhớ có lần cả nhóm làm việc của tôi mình cảm thấy rối tung khi cả ngày không quay được một thước hình rõ nét trong bài tập quay hình trên sân bóng bầu dục. Trong thời gian học, tôi được biết đến cụm từ “phóng viên chiến trường” và tôi chưa bao giờ hết khâm phục những phóng viên ấy. Đây cũng được coi là đỉnh cao của nghề báo khi họ phải săn tin tại những khu vực chiến sự hết sức ác liệt. Vì học ngành truyền thông nên việc xem phim tư liệu cũng trở thành một sở thích của tôi. Chưa một bộ phim tư liệu xuất sắc nào có độ dài ít hơn 2 tiếng, và thời gian thực hiện cũng như biên tập phải được tính bằng đơn vị “năm.”
Những sản phẩm mà người phóng viên quay được, hay chụp lại, trở thành đứa con tinh thần của họ. Họ ăn, ngủ và sống cùng với nó. Trước khi dấn thân ra chiến trường Trung Đông tại Pakistan và Afghanistan, Vincent Laforet, một phóng viên của The New York Times, người đã được trao giải Pulitzer năm 2002, đã phải đọc và tìm hiểu rất nhiều về nguồn gốc, lịch sử cũng như tin tức về trùm khủng bố Osama Bin Laden để hình dung trong đầu khu vực anh sẽ đến để tác nghiệp… Chưa kể đến những kỹ năng quan trọng khác như hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa…
Nói lan man những điều trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng nghề phóng viên chưa bao giờ là một công việc dễ dàng nếu muốn cho sản phẩm làm ra phản ánh được cái tâm, cái tầm của phóng viên đó. Quan trọng hơn nữa, đây là một nghề nghiệp gắn kết với xã hội khi mà khán giả chính là những người giám khảo khắt khe nhất xem xét và đánh giá sản phẩm ấy. VTV cử đi một đoàn người bao gồm 1 người quay, 1 người phiên dịch và 1 biên tập đến giữa vùng có chiến sự tại Syria để làm một phóng sự với góc nhìn từ bên trong cuộc chiến. Nhưng tất cả những gì khán giả truyền hình nhìn thấy là một cô phóng (diễn) viên đứng ôm mặt khóc sụt sùi mất 5 phút giữa thành phố Homs đổ nát vắng hoe và giật mình hốt hoảng mỗi khi có tiếng súng vang lên dù đứng dưới hầm sâu cả chục mét. Xem hết phóng sự, khán giả vẫn chưa hiểu được chương trình muốn truyền tải điều gì, khi thiếu cả những thông tin căn bản nhất như lý do xảy ra cuộc chiến Syria, những phe nhóm đang ngày đêm nổ súng qua lại ấy là ai, ngoài cái tên khét tiếng ISIS? Hoặc đơn giản hơn là cuộc sống hàng ngày của người dân Syria trong lòng cuộc chiến ấy như thế nào… Có thể kết luận rằng kiến thức thời sự và bản lĩnh của nhóm phóng viên này là con số 0.
Phải nói thẳng rằng đoạn phim VTV phát sóng không đáng gọi là một phóng sự, nó không hơn gì một đoạn clip được quay vội khi một lần bước đến đất nước Syria. Có lẽ clip này sẽ không bao giờ trở thành một đề tài nóng được đem ra mổ xẻ, bàn tán nhiều đến thế nếu chỉ đăng trên một trang cá nhân hay mạng xã hội thông thường. Nhưng sau khi được VTV kiểm duyệt và trình chiếu trên toàn quốc, đoạn clip đó không chỉ làm xấu mặt đài truyền hình trung ương mà còn thể hiện sự khinh thường khán giả bởi điều mà họ mong đợi là tin tức, là thông điệp, chứ không phải sự khoe mẽ, khoa trương những trải nghiệm mạo hiểm của một nhóm người. Sâu xa hơn, việc thể hiện bản thân trong hình ảnh đau thương của người khác, liệu đó có phải sự vô liêm sỉ của người làm nghề báo chí hay chăng?
Leave a Comment