Phán quyết gần đây của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ tranh chấp tại Biển Đông là một lời khiển trách gây choáng váng cho Bắc Kinh. Nhiều người mong đợi là phán quyết này sẽ mở ngõ thoát cho các bên. Thí dụ như trong lần phán quyết phân xử tranh chấp vùng Vịnh Bengal giữa Ấn Độ và Bangladesh, khi bị xử thua Thủ tướng Modi hoan hỉ chấp nhận phán quyết. Trong khi đó Bắc Kinh lập tức phủ nhận phán quyết của tòa và bắt đầu phản bác kịch liệt, gọi tòa trọng tài là “tòa bù nhìn”, và phán quyết của tòa là một “trò hề do Washington chỉ đạo” không có cơ sở pháp lý.
Khi nhấn mạnh chính sách “không chấp nhận, không tham dự, không công nhận, và không thực hiện”, Trung Quốc đã tự đẩy mình vào góc tường và làm giảm xác suất giải quyết các tranh chấp trên biển với các quốc gia Việt Nam, Brunei, Mã Lai, Đài Loan, Indonesia và Philippines một cách ôn hòa. Hơn thế, khi tiếp tục tuyên nhận chủ quyền một cách hung hăng, Bắc Kinh gây cản trở trong quan hệ Mỹ-Trung tốt đẹp hơn. Vì cuối cùng lại, lực duy nhất chặn giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á yếu kém hơn là Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Điều làm cho Trung Quốc nhạy cảm với phán quyết của tòa The Hague không chỉ là lời khiển trách làm mất mặt cho Bắc Kinh và chủ tịch Tập Cận Bình, mà còn là sự kiện mới nhất trong một loạt sự việc thất bại trong quan hệ ngoại giao với các quốc gia Châu Á. Tất cả những việc này vẽ lên hình ảnh vụng về của chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Những thất bại này làm thiệt hại đến uy tín của Trung Quốc trên thế giới, làm giảm an ninh của họ, và xói mòn lợi ích dài hạn của người dân Trung Quốc. Trong khi đó, mới cách đây sáu hay bảy năm quan hệ giữa Trung Quốc với hầu hết các nước láng giềng tại Châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á, rất tốt. Còn bây giờ, vì các tranh chấp trên biển và những sai lầm khác, Trung Quốc không có được một đồng minh thực sự, hay ngay cả một nước đàn em dễ bảo, trong vùng ngày hôm nay.
Danh sách các thất bại và đảo ngược gần đây có:
Philippines: Chẳng những vừa thắng đuợc một vụ kiện quốc tế quan trọng, mà còn vì sự lấn chiếm của Trung Quốc trong vùng biển của Phi, quân đội Hoa Kỳ được mời trở lại, sau khi bị đuổi đi trong thập niên 90, củng cố lại liên minh Mỹ-Phi, với hiệp ước phòng thủ chung.
Việt Nam: Vì tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông mà quần chúng có xu hướng chống Trung Quốc, Việt Nam tiếp đón nhiều cuộc viếng thăm của Tổng thống, Bộ trưởng ngoại giao và các viên chức khác của Hoa Kỳ; đồng ý tham gia vào TPP, và bắt đầu thảo luận về việc cho phép Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ hải quân Việt Nam.
Nhật Bản: Mặc dầu trong thập niên 70 những bất bình thời chiến được giải quyết để đôi bên Nhật-Trung hài hòa với nhau trong thập niên 80, trong hai thập niên vừa qua, Bắc Kinh khơi lại các tranh chấp với Tokyo về các đảo Senkaku/Diaoyu. Nhật cũng là một nước có hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ. Và khi tiếp tục kêu ca về việc Nhật Bản chưa xin lỗi đủ về tội lỗi thời chiến, Bắc Kinh gây căng thẳng trong mối quan hệ của đôi bên và kích động các thành phần bảo thủ chống Trung Quốc, giúp cho Thủ tướng Shinzo Abe thắng cử.
Nam Hàn: Cũng là một quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ. Cách đây mới vài tháng, Tổng thống Nam Hàn, bà Park Geun-hye có mặt ở Thiên An Môn tay bắt mặt mừng với Tập Cận Bình và Putin, hy vọng là tạo quan hệ giao thương tốt hơn với Trung Quốc và mong Trung Quốc áp lực lên Bắc Hàn. Tuy nhiên sau khi quay về nhà, chẳng thấy Trung Quốc đáp lễ gì cả, và khi bà Park gọi cho Tập Cận Bình mà không được hồi âm, và khi Bắc Hàn thử vũ khi bom hydrogen và các hỏa tiễn tầm xa khác thì Trung Quốc không có phản ứng. Điều này đã khiến cho Nam Hàn chẳng những yêu cầu Liên Hiệp Quốc xiết chặt cấm vận hơn, mà còn quay trở lại với Hoa Kỳ để yêu cầu Mỹ hỗ trợ cho giàn hỏa tiễn phòng thủ THAAD.
Miến Điện: Một thời do nhóm tướng lãnh quân phiệt cai trị, và là một chư hầu chịu nghe lời, nhưng trong vòng ba năm gần đây, Miến Điện chẳng những ngày càng trở nên dân chủ hơn, mà còn càng độc lập, nghi ngờ với ý đồ của nước lớn Trung Quốc, và vì thế mà ngã về quỹ đạo Hoa Kỳ.
Đài Loan: Dưới thời của cựu Tổng thống Mã Vĩnh Cửu, Đài Loan dễ chịu hơn với Trung Quốc, nhưng sau này cả ghế tổng thống và quốc hội rơi vào tay Đảng Dân Chủ Tiến Bộ do bà Thái Anh Văn lãnh đạo. Đảng này có chủ trương độc lập từ lâu, khiến cho hòn đảo cứng đầu này trở lại tình trạng căng thẳng với Trung Quốc.
Indonesia: Vốn thân thiện với Trung Quốc bấy lâu nay, tranh chấp gần đây về việc đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia đã gây ra hiềm khích và xung đột trong mối quan hệ song phương với Bắc Kinh.
Tuy những đảo ngược này phần lớn là do chính Trung Quốc gây ra, Bắc Kinh lại lần nữa đổ thừa cho “các thế lực thù địch nước ngoài”.
Có một khoảng cách biệt lớn những luận điệu hô hào hoa mỹ của Tập Cận Bình về một Trung Quốc mới giàu mạnh, vô địch và thực tế của thế giới đang bao quanh Trung Quốc hiện nay. Điều đó sẽ khiến cho Trung Quốc khó mà điều chỉnh hướng đi.
Trong bài diễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, sau khi tán tụng Mao Trạch Đông và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, họ Tập diễn thuyết về tham vọng “thực hiện giấc mơ Trung Quốc làm hồi sinh cường quốc Trung Hoa.” Tuy nhiên ông ta nhắn nhủ các quốc gia láng giềng là, “Mặc dầu Trung Quốc không thèm muốn các quyền lợi và lợi ích của quốc gia khác, và không ganh tỵ với sự phát triển của các quốc gia khác, Trung Quốc chắc chắn sẽ không từ bỏ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình… Người dân Trung Quốc không kích động sự việc, nhưng không sợ phải đối đầu với những khiêu khích. Đừng quốc gia nào mong đợi là chúng ta sẽ mặc cả những lợi ích cốt lõi. Đừng quốc gia nào mong đợi là chúng ta sẽ chịu quả đắng khi làm xói mòn các lợi ích về chủ quyền, an ninh, và phát triển.”
Trong cuộc phục hưng đất nước với những ý niệm vĩ đại như thế thì đối với một người kiêu hãnh và nhạy cảm như họ Tập thì không thể nào bộc lộ được hình ảnh yếu kém. Thành ra, phán quyết của tòa The Hague về bề nổi dường như là về đảo, đá, bãi ngầm tại Biển Đông, nhưng đối với họ Tập là về phẩm giá và thể diện. Và trong cẩm nang bộ tịch của họ Tập, chịu thua một tòa án thế giới, của một vụ kiện bởi một nước Phi yếu kém, là điều không thể xảy ra. Vì vậy trong các bích chương dán đầy tại Trung Quốc, khẩu hiệu bây giờ là, “Khi đụng đến chủ quyền Trung Quốc, chúng ta quyết không nhượng một tấc đất.”
Họ Tập đang chiến đấu để trở thành một khuôn mặt vĩ đại của thế giới, và đối với ông ta những biểu hiện của dao động, thỏa hiệp, đừng nói chi đến đầu hàng, là những chỉ dấu yếu đuối không thể chấp nhận được. Vì vậy, chính vì Trung Quốc trải qua một số bước lùi, họ Tập càng dị ứng với một thất bại khác, nhất là trên diễn đàn thế giới to lớn. Do đó sẽ là điều ngạc nhiên nếu họ Tập và Trung Quốc đổi hướng, đi tìm sự thỏa thuận, xoay qua lo chuyện cải tổ kinh tế quan trọng hơn và xây dựng lại quan hệ tốt đẹp hơn với các láng giềng Thái Bình Dương.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment