Tôi không viết những điều này với tâm thức khiếu nại, tôi viết với ý thức về chút hiểu biết của mình về minh triết, nhất là minh triết về đạo trị nước.
Theo dõi báo chí về phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, tôi thấy bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân có nhiều tuyên bố có vẻ tích cực. Riêng phát ngôn của bà về hành động của nhân dân bảo vệ chủ quyền, biển đảo, lên án hành động sai trái và tội ác của Trung Quốc đối với Việt Nam, cảnh báo với Chính quyền, đánh động dư luận quốc tế về lĩnh vực này, theo tôi là không thích hợp với cương vị là một trong những người đứng đầu Nhà nước ta. Bà nói: “Không phải cứ hô hào thật to, kích động là có được chủ quyền. Một số tổ chức cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ, nhưng chưa làm gì cho đất nước, chỉ nói và kích động làm rối tình hình”.
Minh triết của người xưa thường dạy bảo cho kẻ cầm quyền luôn phải biết coi trọng kể cả những hành vi nhỏ nhoi của những người bị coi là khốn cùng, những dân đen, dân thường trong xã hội, những kẻ “thất phu”. Vì thế trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi đã đề cao sự đóng góp của “bốn phương manh lệ”. “Manh” là những người lang thang không nhà không cửa, “lệ” là những người tôi đòi, nô bộc. Những hạng khốn cùng dưới đáy xã hội.
Những người lãnh đạo không cứ của Chính quyền, mà của mọi cộng đồng, tổ chức, khôn ngoan thường phải “uốn lưỡi bảy lần”, mới nói. Để làm gì, để cho có văn hóa và đạo đức, để lời nói của mình có tính thuyết phục, không gây phản cảm, tránh được những thất thố.
Mọi người trong nước đều biết trân trọng, thậm chí nhiều người bày tỏ sự khâm phục, cả lòng biết ơn đối với những phát ngôn, những tuyên bố; cả những hành động xuống đường, biểu tình, hội thảo để nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền Biển Đảo, phê phán và lên án hành động sai trái, kẻ cướp của Trung Hoa cộng sản cướp chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của ta, tàn ác cướp bóc lối hải tặc đối với ngư dân ta. Việc làm ấy, hành động ấy vừa cảnh tỉnh, nhắc nhở Chính quyền, vừa đánh động dư luận quốc tế. Việc làm ấy, mọi người có lương tri trong nước ta chẳng những phải trân trọng mà còn biết ơn.
Cá nhân tôi rất nhiều lần đã nghe người lái taxi, xe ôm, chị bán hàng rong, bán chè nước đã hoan nghênh, khen ngợi, nhiều người còn sẵn lòng giúp đỡ khi cần. Một người lãnh đạo cao cấp lẽ nào lại phủ phàng, bất nhân, bất nghĩa, vô nghì với dân như vậy?! Có thể chị Ngân do được nhiều thông tin mà nhận thấy có những người xấu xen vào, như bọn giả danh công nhân, sau sự cố dàn khoan 981, mà dư luận có chứng cớ cho đó là do bọn tình báo “lạ” tổ chức và xúi dục có sự bao che của những kẻ bất lương trong nước. Nhưng sao lại hồ đồ vơ đũa cả nắm như vậy. Ngay như các em NO-U, sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế PCA ra phán quyết Đường chữ U mà Trung Quốc xằng bậy vạch ra là không giá trị, chúng ta thấy các em ấy nhạy cảm, thông minh, và nghĩa khí biết bao nhiêu. Chúng ta phải hoan nghênh và biết ơn chứ sao lại cho là việc làm kích động và vô ích?
Thử hỏi suốt bao năm, trước những hành động ngang ngược của Trung Hoa Cộng sản đối với nước ta, với dân ta, mà Đảng, Chính quyền, thậm chí cả Quốc hội cũng đón tiếp trọng thị dường ấy những kẻ (tôi sẽ cùng chị Ngân không gọi là kẻ thù) làm hại Dân ta Nước ta. Trên dưới im re cố sức thực hiện “khổ nhục kế”, nhịn nhục kẻ mạnh, tránh voi chẳng xấu mặt nào, liệu dân ta nước ta có được các dân tộc khác tôn trọng hay không. Chỉ riêng việc làm cho thế giới hiểu rằng “nước Nam đang có chủ”, “dân Việt chắc chắn là không chịu lệ thuộc Trung Hoa Cộng sản” là những việc ơn ích chứ. Tôi tin rằng những bài báo, những phát ngôn của chính khách và học giả thế giới ủng hộ ta vừa qua, không thể không có âm vang những lời nói, những hành động chính khí, chính nghĩa của người dân bình thường trong xã hội. Cả những người cán bộ cao cấp của Đảng, của Chính quyền từng bước có vẽ dõng dạc hơn, không thể không biết ơn tiếng nói và hành động nhân nghĩa ấy của nhân dân.
Với cách nói thiếu đắn đo của chị Ngân, không trách gì ở Hà nội, Sài Gòn và nhiều địa phương khác, công an cùng côn đồ đã hành hung nhẫn tâm, tàn ác với đồng bào mình đang thể hiện lòng yêu nước. Nếu có nhận định kẻ xấu xen vào thì nhiệm vụ của công an là vừa bảo vệ hành động chính nghĩa của đồng bào vừa biết tìm cách ngăn ngừa kẻ xấu. Cớ sao lại vô minh, vô học đến như vậy!
Tôi biết có nhiều tổ chức văn hóa, xã hội; nhiều trí thức, nhân sĩ, thanh niên, sinh viên, doanh nhân, cả tu sĩ khả kính, có cả sĩ quan, tướng lĩnh, lão thành cách mạng, cả nhiều vị từng giữ những trọng trách trong Đảng trong Chính quyền đã tham gia những hành động yêu nước, chống Tàu làm hại làm nhục dân ta nước ta. Điều thật thú vị là họ vẫn làm khoa học, viết sách, dạy học, chữa bệnh, làm kinh doanh, truyền bá đức tin, lòng nhân ái, lối sống tử tế cho đồng bào, giới trẻ, nhiều người làm từ thiện, khuyến học… Những người lao động, sau những cuộc xuống đường, họ lại trở về tiếp tục những công việc nặng nhọc, lương thiện của họ để nuôi gia đình và chắc chắn là đã góp phần không nhỏ cho xã hội. Đó là điều đáng kính của họ. Một quốc gia có những con người như vậy là điều đáng tự hào, đáng biết ơn, cớ sao lại ăn nói phũ phàng, như tâm địa của kẻ ăn trên ngồi trốc, cầm quyền, cai trị, chứ không hề là kẻ công bộc của nhân dân.
Chị Ngân phải biết xấu hổ khi nói bừa rằng: “Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng, hô hào thế này, thế nọ. Nhưng làm gì cho đất nước, chỉ nói và kích động, làm rối tình hình”.
Vì thấy chị cũng có những phát biểu “dễ thương”, tôi ngờ rằng đây là sự ô nhiễm tinh thần do giẫm phải phương pháp luận và tư duy tuyên giáo xơ cứng lệch lạc và cửa quyền mà ra. Có thể nó là sơ suất nhất thời, có thể rút kinh nghiệm và tránh được. Chị Ngân nên biết, khi chị còn là “hạt bụi dính lấm chân ai”, còn chưa ra đời, thì có những người trong số họ đã vào sinh ra tử, chịu tù đày tra tấn, dày dạn trên chiến trường. Khi chị đang là một cô bé nhỏng nhẽo thì nhiều người đã thành danh, có những công trình khoa học, từng là thầy dạy của nhiều tướng lĩnh, Ủy viên BCT, BCH TƯ, đào tạo cho xã hội hàng ngàn kỹ sư, bác sĩ…Và họ vẫn không đòi hỏi đãi ngộ, kể công, vẫn khiêm tốn, làm miệt mài. Nhiều học trò thành danh từng nói vui với họ “em là đảng viên, là cán bộ nhưng mà tốt”. Tôi thấy chị nên đính chính, có lời xin lỗi. Điều đó sẽ càng giúp chị “đẹp” thêm trong con mắt của nhiều người.
Vì chị làm chính trị, tôi kể chị nghe một câu chuyện thú vị, bổ ích. Ở Pháp, thời Tổng thống De Gaulle cầm quyền, triết gia Jean Paul Sartre có viết mấy bài báo phê phán De Gaulle. Cận thần xui nịnh, ngài Tổng thống nên cho tay triết gia kia một bài học cho nó câm mồm lại. De Gaulle bảo: dẹp, đừng đụng vào ông ấy, ông ấy cũng có những giá trị của mình. Sau này châu Âu từng bỏ phiếu đánh giá De Gaulle là chính khách số 1 của châu lục. Tài năng và đức độ của chính khách ở hàng đầu là năng lực đối thoại với người khác đặc biệt là với người khác chính kiến với mình. (“Chính khách” là từ mà tôi đã đề nghị anh Trọng chính thức đưa vào công trình của anh ấy về đội ngũ cán bộ công chức trong tình hình mới. Đáng tiếc, anh Trọng cũng như hệ thống nghiên cứu hàn lâm của ta nói xong liền bỏ đấy, chẳng có chút giá trị ứng dụng gì).
Chính khách của ta rất kém về mặt này. Ngay như hệ thống dân vận, có ông bà nào là Bộ Chính trị là Ủy viên TƯ chịu đi về từng làng chài nghe dân kể thảm khốc sau vụ Formosa, có ai chịu nghe những ý kiến khác? Ngay như anh Trọng, khi Formosa đã xảy ra, cá chết, biển chết cả tuần, vẫn vào thăm và chống lưng cho Formosa, không hề có nửa lời an ủi người dân đau khổ của mình! Đến khi buộc phải nói thì đổ riệc vì Formosa mà ảnh hưởng đến bầu cử. Anh ấy không đủ trình độ để nhận định sau Formosa nhất định phải có năng lực mới, đạo đức mới, Quốc hội mới để đủ sức kiểm tra và giám sát… Vì thế người ta có quyền hoài nghi về vai trò thật sự của anh Trọng trong vấn đề này.
Gần đây, cùng với một số nhà nghiên cứu tâm linh đi chiêm bái ở mấy ngôi đền vùng Hải Đông, khi đi qua đền cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm thì trời mưa tầm tã, chúng tôi phải tấp vào một quán ven đường để trú. Ngồi chờ mưa tạnh, nhâm nhi chén trà nóng, tham gia trò chuyện cùng mấy người dân địa phương, tôi nghe họ nói và kể cho nhau nghe nghĩa một đôi câu đối có vẽ như là sấm truyền. Đôi câu đối nói về một triết lý sống ở đời:
Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt,
Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong.
Nghĩa là ngọn đuốc (bỉnh chúc) mà không có nguồn sáng (vô minh), thì ánh sáng tự mất (quang tự diệt).
Ham hố tiền bạc (trọng ngân) nhưng không chịu tu nhân tích đức, khiến cho phúc mỏng (bạc phúc) thì của nả, tài sản chắc cũng mất.
Tôi nghĩ rằng hơn ai hết, những người ở ngôi cao phải làm cho mình luôn luôn có nguồn sáng (không vô minh), luôn học hỏi, nếu không, thì ánh sáng tâm trí mình chắc sẽ tự đánh mất mà thôi. Còn ở ngôi cao mà đua đòi, trọng tiền bạc hơn quý trọng phúc đức thì chẳng chóng thì chầy tài sản dẫu to lớn cũng tiêu vong.
Liệu đây có phải là một lời mách bảo của thần linh hay không? Riêng tôi vẫn luôn ghi nhớ đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Nguyễn Khắc Mai
25-7-2016
Leave a Comment