Quảng Cáo

Đừng yêu nước theo phong trào

Biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016.

Quảng Cáo


Sau phán quyết nghiêng về Philippines tại tòa án La Haye ngày 12/07 vừa qua, hàng loạt các ngôi sao diễn viên, ca sĩ nổi tiếng tại Trung Quốc cùng đồng loạt đăng tải hình ảnh lá cờ tổ quốc và hùng hồn phản đối quyết định mà họ cho là “vô lý” trên. Tất cả đều cho rằng 80% diện tích biển Đông mà Trung Quốc “nhận vơ” thật sự thuộc về đất nước của họ. Trong số những người nổi tiếng đó, có rất nhiều thần tượng của giới trẻ Việt Nam, ví dụ như Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên đóng vai Tôn Ngộ Không trong bộ phim Tây Du Ký đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ nước ta. Ngay lập tức, một phong trào tẩy chay người nổi tiếng Trung Quốc dấy lên trong thanh niên Việt.

Chưa hết, một số bộ phim Trung Quốc đang được chiếu tại các rạp trong nước cũng gặp nguy cơ không có người xem. Thực chất những phong trào như thế này tôi cho là vô thưởng, vô phạt. Nhìn lại, cách mà những người Trung Quốc kia đang phản ứng lại với kết quả của tòa án quốc tế về lãnh thổ biển Đông, nó cũng giống như cách giới trẻ nước ta đối mặt với mọi sự kiện lịch sử chính trị của đất nước mình từ trước tới nay. Nhắc lại, việc Trung Quốc đánh chiếm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và các hải đảo nhỏ khác trên biển Đông đã diễn ra trong một thời gian dài, từ thế kỷ thứ 19. Trung Quốc đã từng tuyên bố có chủ quyền tại 2 quần đảo này vào năm 1883. Từ đó đến nay, cuộc tranh chấp (nóng và lạnh) về biển đảo đã kéo dài giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Nguyễn Phú Trọng & Lục Tiểu Linh Đồng

Tuy nhiên, chưa cần biết đến kết quả phán quyết của tòa án quốc tế, Trung Quốc đã sớm xây dựng khái niệm, hình ảnh tổ quốc trong mắt người dân của họ qua việc giáo dục. “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc hiện nay tuy có vẻ mới mẻ, nhưng với người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, với những gì họ đã được giáo dục, thì phần lãnh thổ đó đã thuộc về đất nước họ từ hàng ngàn năm trước. Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi đa số những người nổi tiếng đã lên tiếng phản đối quyết định của tòa án quốc tế như vậy.

Bây giờ, nhìn lại Việt Nam, nếu bây giờ chúng ta nói với người dân rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ thực chất là một cuộc nội chiến, hiệp định Geneve năm 1954 chia cắt Việt Nam thành 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau, với hậu quả là rất nhiều người dân miền Bắc rời bỏ quê hương vào miền Nam, thì chắc chắn đó sẽ là một trong những sự thật gây hoang mang. Và cái cách Việt Nam phản ứng với những cá nhân hay tổ chức “đi ngược lại chủ trương nhà nước” cũng không khác gì việc Trung Quốc vừa vĩnh viễn cấm các hoạt động nghệ thuật của diễn viên Châu Nhuận Phát, một người nổi tiếng hiếm hoi ủng hộ phán quyết ngày 12/07 của tòa án quốc tế về vấn đề biển Đông.

Diễn viên Châu Nhuận Phát

Chọn cách tẩy chay, xóa bỏ luồng thông tin trái chiều, cũng như trừng phạt những người có hành động hoặc ý nghĩ trái ý muốn của nhà nước chính là gốc rễ của tư tưởng cực đoan của chế độ cộng sản. Chưa đầy 10 năm trước, những phong trào mang theo biểu ngữ “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam” luôn luôn bị đàn áp, người biểu tình bị đánh đập dã man, rất nhiều người tiên phong đã bị xét xử và kết án trong những phiên tòa khép kín. Họ, những người yêu nước luôn cố gắng âm thầm và bền bỉ, cuối cùng cũng đã nhận được niềm vui trong những ngày tháng 7 này. Tôi biết cách các bạn trẻ đang phản ứng đều xuất phát từ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhưng hãy để tình yêu đó vượt xa hơn một phản ứng theo điều kiện, theo phong trào. Bởi vì có lẽ kẻ thù của đất nước ngày hôm nay là Bắc Kinh, nhưng kẻ thù của dân tộc theo từng thế hệ có thể đang ở giữa đất nước ta, hèn nhát ăn mòn, bán rẻ Tổ quốc từng ngày. Đừng để ngọn lửa yêu nước bùng lên với những phong trào rầm rộ hôm nay, nhưng lập tức vụt tắt vào ngày mai. Hãy giữ cho nó trường tồn, dù chỉ âm ỉ trong suy nghĩ, trong hành động, và truyền đi mãi trong lòng dân tộc.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux