B áo Lao Động đưa tin tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” nói về chiến tranh VN đã trượt ra ngoài vòng đề cử Giải thưởng Nhà nước vì không đủ tỷ lệ phiếu bầu.
Ở hai vòng đầu, tỉ lệ phiếu bầu ở tuyến cơ sở đạt tỉ lệ 100% phiếu bầu; ở ủy ban chuyên ngành cấp bộ, đạt tới 90%; nhưng ở cấp nhà nước, tỉ lệ sụt xuống chỉ còn 76%.
Hội đồng xét thưởng Nhà nước có 28 người nhưng chỉ có mấy người hoạt động trong lĩnh vực văn chương.
Không hiểu trong các vị ngồi đó đã ai đọc “Nỗi buồn chiến tranh” và có ai trong số họ trải qua chiến tranh, rồi có hiểu thế nào là một tác phẩm văn học mang tầm của cuộc chiến.
Khi đang viết STT này, trên tivi AXN có cuộc thi The Voice. Ban giám khảo phải trình bày ý kiến của mình về bài hát, về ca sỹ trước hàng chục triệu khán giả. Sự công bằng đến từ sự minh bạch, trình độ và trách nhiệm của ban giám khảo.
Tôi nghĩ thế này. Để đảm bảo công bằng, trước khi bỏ phiếu, các vị trong hội đồng cần phát biểu về các tác phẩm được đề cử, cái được, cái không được, ít nhất phải nói được vài tên nhân vật đặc trưng trong đó, để chứng tỏ họ đã đọc.
Tuyệt đối không bỏ phiếu kín để đảm bảo sự minh bạch, trình độ và trách nhiệm của từng thành viên hội đồng. Ai đồng ý, ai không đồng ý, phải nói rõ ý kiến của mình và đưa lên công luận, giống như các cuộc thi trên tivi.
Tôi từng thấy cuốn sách của Bảo Ninh bày bán tại hiệu sách bên Mỹ “The Sorrow of War”. Gặp một đồng nghiệp Mỹ làm việc tại World Bank bên Rome hồi tháng trước, tán chuyện trời biển, bỗng nhắc đến tiểu thuyết này, bà nói luôn bằng tiếng Việt.
Cơ cấu, trình độ…có hạn thì chuyện Trần Đăng Tuấn không vào QH, Bảo Ninh không được giải thưởng, chẳng có gì lạ.
Trong bối cảnh hội đồng như hiện nay, đưa tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du ra xét giải cũng có khi trượt ngay từ vòng gửi xe.
Leave a Comment