Biểu tình là hành động văn minh thể hiện quyền tự do ngôn luận của người dân. Trong Hiến Pháp của Việt Nam tại Điều 25 ghi rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Lịch sử đấu tranh của nhân loại chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh, nhiều cuộc cách mạng xuất phát từ những cuộc biểu tình quan trọng, có ý nghĩa bước ngoặt.
Sự bất hợp lý trong những chính sách của chính quyền, khao khát tự do và dân chủ hay phản đối những cuộc chiến tranh phi nghĩa là nguyên nhân hình thành nên những cuộc biểu tình từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Ở xứ Hoa Kỳ: người dân có quyền tuần hành, đình công, đưa kiến nghị, thu thập chữ ký và biểu tình ôn hòa ở một số khu vực công cộng, như trên đường phố, vỉa hè và các công viên… Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ và cho phép mọi người được thể hiện quan điểm, tự do ngôn luận về bất kỳ chủ đề nào, miễn là không vi phạm nội dung khiêu dâm, phỉ báng, đặt điều nói xấu làm tổn hại danh dự, uy tín của người khác, hay dùng lời lẽ kích động bạo lực, hận thù và cố tình tạo ra một cuộc đối đầu.
Hẳn chúng ta còn nhớ cuộc biểu tình chiếm lấy khu Wall Street bắt đầu vào ngày 17-9-2011, các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa tiêu thụ và kêu gọi tự do chính trị làm ảnh hưởng đến hoạt động của những doanh nghiệp lớn. Khởi nguồn với khoảng 200 người với mục đích chiếm đóng lâu dài khu Wall Street; cuộc biểu tình đã lan rộng ra đến qui mô khoảng 15.000 người với khẩu hiểu ” We are the 99%” .
Diễn ra gần hai tuần tại khu tài chính ở New York – biểu tình ở khu Wall Street như một tiếng nói dân chủ, lên án các ông chủ tham lam và đòi hỏi quyền công bằng từ chính quyền Mỹ đã lên đến đỉnh điểm của sự bạo loạn cùng với đó là những hệ lụy nghiêm trọng. Chưa nói đến sự lan tỏa của cuộc biểu tình này đến nhiều nơi khác trên thế giới.
Đã có nhiều cuộc biểu tình bất bạo động thành công trên thế giới và từ đó thay đổi cả một xã hội, đất nước, thậm chí ảnh hưởng tới cả một khu vực địa chính trị rộng lớn.
Nhiều nhà lãnh đạo các nước thế giới, cụ thể là các chế độ độc tài tự cầm tù mình bởi những lý luận không còn phù hợp với thế giới hiện đại. Họ không nhận thức được rằng để hội nhập thành công, họ phải thay đổi hệ tiêu chuẩn những giá trị của mình. Chính việc không đổi mới hệ tiêu chuẩn các giá trị là nguyên nhân làm cho sự trễ nải của cải cách chính trị trở nên đặc biệt trầm trọng.
Cũng có thể sự mặc cảm trong tư duy lãnh đạo của thể chế độc tài tạo ra tâm lý lo ngại, sợ hãi cải cách hoặc ở một khía cạnh khác là sự gian dối về chính trị trong cải cách.
Tôi cho rằng, quyền biểu tình và thực hành quyền biểu tình của mỗi người dân chính là bước đầu khởi nghiệp của một quốc gia phát triển dựa trên tính phổ quát nhắm tới những giá trị cốt lõi về tình trạng phẩm giá của con người, đồng thời xây dựng các giá trị công ích, liên đới và bổ trợ thực sự hoàn chỉnh.
Muốn đạt được các giá trị phổ quát đó, một tiền đề cần và đủ để có được là thay đổi hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Paulus Lê Sơn
Leave a Comment