Quảng Cáo

Điều gì tiếp theo sau phán quyết của PCA ở Biển Đông?

Quảng Cáo

Trung Quốc đã phải hứng chịu một thất bại pháp lý “sửng sốt” và Philippines đã giành được một chiến thắng pháp lý không kém phần “chấn động” trong vụ kiện về đòi hỏi chủ quyền lãnh hải. Tuy nhiên, sẽ không có gì thay đổi ở Biển Đông.

Phản ứng chính thức của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là khá “lớn tiếng”. Ngay sau khi có tin về phán quyết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phán quyết này là “vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc. Trung Quốc không chấp nhận và cũng không công nhận”. Nhưng không có sự leo thang trong các phát ngôn, Bắc Kinh chỉ lặp lại các văn bản được soạn theo khuôn mẫu vốn đã được sử dụng trong hàng chục bài xã luận và quảng bá (có phí) để được đăng trên các tờ báo ở khắp thế giới. Điều này dường như là “giới hạn phản ứng” của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ “không làm gì” để thực hiện theo phán quyết của PCA. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đã được chứng kiến những thay đổi trong hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông, bắt đầu từ 2 năm sau một quyết định “tai hại” – tiến hành khoan dầu ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Sự phản đối rộng khắp mà Trung Quốc phải hứng chịu sau đó và tác động hệ quả đối với hoạt động ngoại giao khu vực của nước này dường như đã buộc các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải nghĩ lại. Kể từ đó, đã không có vụ khoan thăm dò dầu ở khu vực phía Việt Nam bên kia đường phân thủy danh nghĩa giữa bờ biển của hai nước. Cũng không có bất kỳ vụ việc tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines, Malaysia hay Indonesia tuyên bố chủ quyền.

Có 2 loại tranh chấp ở Biển Đông gồm: tranh chấp về các rạn san hô, bãi đá và tranh chấp về không gian ở giữa các rạn san hô và bãi đá. Phán quyết của PCA công bố ngày 12/7 chỉ đề cập đến loại tranh chấp thứ hai. Do đó, Trung Quốc và các bên tranh chấp khác có thể tiếp tục tin tưởng vào sức mạnh của tuyên bố chủ quyền của họ, bất chấp phán quyết này. Điều này cho thấy một manh mối về “lối thoát” của Trung Quốc. Bằng cách công khai và liên tục đề cập vấn đề “chủ quyền” trong phản ứng đối với vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đã chuyển hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi vấn đề thực tế được xem xét: các quyền mà các nước được hưởng trong khu vực biển giữa các rạn san hô và bãi đá. Trung Quốc càng nói nhiều về chủ quyền của các địa mạo này, các nước còn lại trong khu vực sẽ càng cảm thấy yên tâm hơn . Điều này cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị để “sống chung” với phán quyết của PCA.

Các quốc gia Đông Nam Á cần phải làm gì với phán quyết này? Một động lực lớn cho Philippines tiến hành vụ kiện là nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng thay thế. Mỏ khí Malampaya, cung cấp năng lượng điện cho 1/3 cư dân đảo Luzon, bao gồm Manila, đang cạn kiệt dần. Đất nước này cần phải tìm nguồn thay thế nó. Một giải pháp là mỏ khí đốt tự nhiên lớn thuộc Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), một tài sản lớn trong vùng biển tranh chấp, nhưng nỗ lực nhanh chóng để khoan khai thác ở đây sẽ gần như chắc chắn kích động một phản ứng từ Trung Quốc. Có lẽ sẽ là tốt hơn khi tìm kiếm một giải pháp “cùng thắng”- giữ nguyên trạng mỏ khí này trong thời gian tới và thay vào đó sẽ khuyến khích đầu tư của Trung Quốc, ví dụ như vào năng lượng Mặt trời.

Mỹ dường như cũng ủng hộ việc này. Kristie Kenney, chuyên gia xử lý các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã có mặt ở Manila vào thời điểm PCA công bố phán quyết. Thông điệp mà bà này công khai chuyển đến chính phủ mới của Philippines là “tránh đối đầu”. Trả lời phỏng vấn trang tin “Rappler” mới đây, bà tuyên bố: “Mục tiêu ở đây là một giải pháp ngoại giao cho vấn đề rất phức tạp. Mục tiêu là không sử dụng bạo lực, không được khiêu khích… Chấp nhận phán quyết một cách rất yên bình để mở ra cánh cửa cho đối thoại giữa các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền. Tôi nghĩ rằng đó mới là mục tiêu”.

Sẽ không có bất kỳ rắc rối nào xảy ra trong khu vực trước tháng 11 tới bởi Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu trong hai ngày 4-5/9, Hội nghị Cấp cao Đông Á sẽ diễn ra tại Lào ngay sau đó. Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Từ trước đến nay, Trung Quốc đã luôn cố gắng để tránh trở thành một “vấn đề” trong các chiến dịch tranh cử ở Mỹ.

Bill Hayton/ Văn Cường (gt)/ (Nghiên Cứu Quốc Tế)/TTHN

———–

(*) – Bill Hayton, nghiên cứu viên liên kết thuộc Chương trình Nghiên cứu Châu Á, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Chatham House, Anh, nghiên cứu viên Hội Địa lý Hoàng gia, tác giả cuốn Biển Đông: cuộc cạnh tranh quyền lực ở Châu Á. Bài viết được đăng trên Asian Nikkei Review.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux