N gày tôi còn bé, được người nhớn dạy rằng nước ta rừng vàng biển bạc.
Nhớn lên một chút, nghe những bài hát về ngư dân ra khơi đánh cá, làm chủ biển khơi, “gió lên đi cho thuyền ta ra khơi, thênh thang trên biển rộng lòng ta như biển trời. Buồm thẳng ra khơi tung chài tay ta kéo lưới, vượt sóng trở về thuyền ta khoang cá đầy…”, lòng trẻ thơ thêm yêu biển và ngư dân lắm.
Giờ đây, tất cả niềm kiêu hãnh ấy đã xa rồi.
Nói gì thì nói, lúc này ở xứ ta chả ai khổ như ngư dân. Dồn biết bao nhiêu tiền của vào đóng cái tàu ra biển đánh cá, chỉ mong sống được nhờ biển khơi. Tài sản của họ là biển, cũng như của nông dân là ruộng đất, của công nhân là xưởng máy, của thày giáo là bục giảng, của người mua ve chai là đòn gánh quang sọt… Không còn biển thì hết sống.
Giong buồm ra bắc thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm, kéo buồm vào nam thì bị tàu quân sự Thái Lan bắn chết người, liều về đông nam thì Indo nó bắt tàu tịch thu đốt cháy, còn loanh quanh ven bờ cốt nhặt nhạnh được mấy con tép riu, cá vụn thì nước bị nhiễm độc cũng chết cả, cùng đường lên bờ thì không có đất làm ăn.
Một đất nước có bờ biển dài hơn 3.000 cây số, cuối cùng chỉ còn trông vào mấy con cá tra nuôi hầm ở Nam Bộ. Bi kịch.