Người Việt lâu nay vốn sợ chính trị, né tránh những vấn đề liên quan đến chính trị, đàm luận về chính trị, bởi lẽ chính trị là lãnh vực luôn được nhà cầm quyền cộng sản tuyên truyền là chuyện của đảng, chuyện của chính phủ, bên cạnh đó là những thái độ “hăm he, gầm gừ và cắn xé” những ai dám dây mình vào vấn đề chính trị, coi đó là thành phần phản động, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chế tài, dù những hành vi đó là bất lương, côn đồ và tàn ác đến đâu.
Chính trị vì thế nghiễm nhiên trở nên “ghê và nguy hiểm” đối với mọi người, nhất là những người có chủ trương an thân và an phận. Họ chọn cho mình lập trường “ta không đụng đến người, người sẽ không đụng đến ta”, tự phân định lãnh vực của “ta” và của “người”, rồi thích thú với thái độ khôn ngoan sáng suốt ấy. Vì thế, họ trở nên vô cảm với những nỗi đau của người dân, trong đó có họ, dửng dưng với vận mệnh của đất nước, trong đó có họ. Nhưng, trong chiều sâu của thái độ khôn ngoan sáng suốt ấy là sự rúm ró của một tinh thần nhu nhược và một trình độ dân trí thấp, quên rằng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môse và các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
Bởi thế, đừng vội trách những ai “dây mình” vào chính trị, đúng hơn phải tự trách chính mình. Vì nếu ta muốn người khác hoặc chính quyền tôn trọng ta, thì phải làm, nghĩa là phải làm trước, phải làm cho họ biết về quyền lợi của ta; muốn người khác đối xử công bằng với ta, phải cho họ biết cách thượng tôn pháp luật; muốn có một xã hội trật tự, phải cho họ biết quyền hạn họ đến đâu; muốn có cuộc sống tốt đẹp, phải cho họ biết trân trọng những giá trị đạo đức; muốn cho họ nhân bản và trọng danh dự, phải giáo dục họ sống theo lẽ phải; muốn họ trở thành những người yêu mến quê hương, phải cho họ thấy những mối nguy tàn phá đất nước và biết cách bảo vệ đất nước; muốn cho họ thương dân tộc, thì phải cho họ biết việc họ đang làm là “dày mả tổ” và hủy hoại tương lai dân tộc…
Cho nên, chí lý và khẩn thiết thay ý nghĩa lời Đức Giêsu: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”.
Vậy đừng nên mơ giấc mơ của kẻ có tinh thần bạc nhược “chờ sung rụng”, mà phải thấy sự lựa chọn “không dây mình” vào chính trị, chính là một thái độ chính trị nguy hiểm. Vì khi ta giao phó đời sống ta, những quyền của ta, vận mệnh của dân tộc và đất nước vào trong tay những kẻ “muốn làm gì tùy thích”, là ta trao cho họ cái quyền tuyệt đối trên mọi sự. Họ là luật, ý muốn của họ là sự thi hành luật pháp, làm trái là chống đối, lên tiếng là “dây mình” vào chính trị và phản ứng đồng nghĩa với “phản động”.
Nếu Hòa thượng Thích Không Tánh phản đối chính quyền cưỡng chế chùa Liên Trì ở bán đảo Thủ Thiêm, Sài gòn, mọi người sẽ đồng tình và ủng hộ với việc làm đúng đắn đó và chính quyền sẽ phải thấy được sự vi phạm hiến pháp, pháp lệnh, chủ trương và chính sách về tôn giáo của mình. Nếu Hòa thượng Thích Không Tánh không lên tiếng hoặc lên tiếng cách rụt rè, cầm chừng, chẳng khác nào khích lệ chính quyền “làm tới” cho xong. Nếu chúng ta vô cảm, không lên tiếng ủng hộ, khác nào ta đồng thuận, đồng tình với việc cướp đất tôn giáo của chính quyền. Một khi chính quyền đã cướp được chùa Liên Trì, họ sẽ không tha cho nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Khi đó, nếu ta lên tiếng, họ sẽ nói “này các ông, chuyện đó can gì đến chúng tôi và các ông”. Và nếu chẳng may “chuyện đó” xảy ra cho ta, đừng mong nhận được sự ủng hộ, đồng tình của mọi người, vì đó là chuyện “chính trị, phản động”, hoặc sẽ nhận được những câu trả lời: “này các ông, chuyện đó can gì đến chúng tôi và các ông?”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các thẩm phán và luật gia từ khắp nơi trên thế giới, tại hội nghị do Học viện Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội tổ chức, trong Casina Pio IV thuộc khuôn viên Vườn Vatican rằng: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa sự thờ ơ, Giáo hội được mời gọi dấn thân. Giáo hội không làm chính trị nhưng phải đặt mình vào chính trị, vì như Đức Phaolô VI nói, chính trị là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái. Trên hết, Giáo hội phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề đạo đức, khoa học xã hội, đức tin gây ra”.
Giáo hội không làm chính trị nhưng phải đặt mình vào chính trị, nghĩa là đặt mình vào trong những vấn đề của con người, dấn thân trong những hoàn cảnh của con người, để vừa chữa lành những vết thương của họ do tội lỗi và sự độc ác của các thể chế gây ra, vừa lên tiếng đòi công lý, đòi nhân quyền và dân quyền cho họ, như thế Giáo hội mới thật sự “vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15), mới thật sự công bố “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. (GS số 1). Không đặt mình vào chính trị là một Giáo hội vô cảm, lý thuyết và chỉ là thuốc an thần cho những khốn khổ của con người.
Chính trị là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái. Đức ái, như lời Đức Giêsu nói:”Giới răn trọng nhất chính là, Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12,29). Yêu chính mình, yêu tha nhân – phải chăng Đức Giêsu muốn nói, những gì xảy ra cho anh em ngươi hôm nay, sẽ xảy ra cho ngươi ngày mai, nếu những gì ngươi làm cho anh em hôm nay, sẽ có rất nhiều những “anh em” làm cho ngươi hôm mai; nếu ngươi yêu chính mình hôm nay, thì hãy làm cho anh em ngươi. Làm cho anh em ngươi, phải chăng là dấn thân, là đặt mình vào “chính trị”? Và có thể thêm “những gì ngươi không làm cho anh em ngươi hôm nay, đừng mong có ai làm vì ngươi hôm mai”.
Đức Phanxicô còn nói: “Người ta có thể nghĩ rằng một Giáo hội thì phải vận hành ở cấp độ thiêng liêng thuần túy, nhưng tôi nghĩ rằng các học viện nên bám rễ trong thực tế cụ thể, nếu không sẽ có nguy cơ thúc đẩy một khái niệm không vững chắc và dẫn tới hư không, một sự ly dị giữa ý tưởng và hiện thực”. Ngài còn nói: “phải có sự tự do khỏi các áp lực của các chính phủ, sự tự do của các tổ chức tư nhân và tất nhiên sự tự do trong cấu trúc tội lỗi như cách gọi của Đức Gioan Phaolô II, sự tự do khỏi các tổ chức tội phạm vốn thường gây áp lực và các mối đe dọa”.
“Các tổ chức tội phạm” là những tổ chức nào? Đó là những tổ chức thường gây áp lực và những mối chia rẽ. Những tổ chức ấy có thể là băng nhóm, đảng phái và ngay cả những tổ chức chính quyền. “Sự tự do khỏi” phải chăng là Giáo hội tìm về với căn tính và sứ mạng của mình, là thoát ra khỏi những nỗi sợ hãi đưa đến vô cảm, trong đó có nỗi sợ hãi phải tham gia vào chính trị, sợ hãi vì “Con ngáo ộp: phản động”.
Nhưng Đức Phanxicô còn nhắc: “Sự kết hợp tinh tế giữa công lý và lòng thương xót là điều có giá trị cho những người chịu trách nhiệm về tội ác chống lại nhân loại, cho tất cả mọi người và đặc biệt là cho các nạn nhân”. Các cụ có nói: “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. “Không đánh” là cao thượng, không ăn miếng trả miếng, là tha thứ cho kẻ biết nhận lỗi, nhưng không phải là “huề”, là duy trì tình trạng bất công và du di cho những hậu quả kéo dài tới trăm năm!.
Tất cả đều phải chờ, chờ vào thái độ và cách ứng xử của nhà cầm quyền cộng sản, với việc có đổi mới về mặt chính trị là những quyết định liên hệ đến người dân, đến sự tồn vong của đất nước; phải chờ thái độ mà Đức Phanxicô đã gợi ý, nhưng dù thế nào, Giáo hội Việt Nam vẫn phải nói lên lập trường của mình…
Leave a Comment