C
ông bố nguyên nhân cá và hải sinh vật chết hàng loạt tại khu vực ven biển 4 tỉnh miền trung do chính phủ Việt Nam đưa ra vào chiều ngày 30 tháng 6 vừa rồi chưa giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của giới chuyên môn, cụ thể là một số chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Minh bạch kết quả phân tích
Chính quyền Việt Nam cần phải công khai tất cả những kết quả phân tích từ những mẫu nước biển và cá/hải sinh vật biển chết thu thập được trong thời gian qua. Đây là yêu cầu mà giới chuyên môn quan tâm đến thảm họa môi trường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung khởi phát từ Vũng Áng, Hà Tĩnh vào đầu tháng tư vừa qua nêu ra.
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang ở bang California, Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 7 có bài viết đăng trên mạng AnhBaSam, tựa đề ‘Tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết ở miền Trung do chính phủ Việt Nam công bố’.
Theo vị kỹ sư này thì ‘Những gì được công bố trong cuộc họp báo dường như không khác gì mấy so với Thông cáo báo chí về nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung của Văn phòng Chính phủ được đưa ra cùng ngày’; tức ngày 30 tháng 6 vừa qua.
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang viết tiếp “Mặc dù nguyên nhân của việc cá chết được xác định bởi các cơ quan chuyên môn của Việt Nam với sự đóng góp của “… 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước” và “ …có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế;” không có một phúc trình khoa học, kết quả nghiên cứu/phân tích khoa học, dữ liệu khoa học, hay tài liệu nghiên cứu để dùng làm cơ sở. Chính điều này đã nảy sinh ra những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do chính phủ Việt Nam công bố.”
Vào tối ngày 3 tháng 7 giờ Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Minh Quang phát biểu về điều này như sau: “Nguyên nhân mà chính phủ Việt Nam công bố là đưa ra những dữ kiện khoa học rất mơ hồ, không có những bằng chứng khoa học để biện minh cho lập luận mà họ đưa ra. Thành thử tôi nghĩ chánh phủ Việt Nam cần phải công bố những tài liệu, hoặc những hồ sơ, những dữ kiện khoa học dùng làm cơ sở cho những kết luận của họ.”
Chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp từ Australia cũng yêu cầu về vấn đề công khai kết quả phân tích nguyên nhân cá chết hàng loạt mà chính phủ Hà Nội công bố: “Báo cáo của họ cho biết phenol, cyanur và iron hydroxide. Ba chất này thực ra tác động mạnh đến môi trường nhưng không tồn tại lâu dài như những chất kim loại nặng – thủy ngân, chì, arsenic, hay cadium… Kim loại nặng tồn tại trong môi trường rất lâu và ảnh hưởng đến hệ môi sinh rất lâu.
Báo cáo của chính phủ Việt Nam cho biết các chất phenol, cyanur và hudroxit sắt nhưng thực chất báo cáo chưa được công bố trên mạng hay công bố chính thức. Mình cần công bố khoa học hơn là công bố báo chí!”
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết từ Hoa Kỳ có đánh giá về công bố mà chính phủ Việt Nam đưa ra đối với nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung như sau: “Tóm tắt lại là cái báo cáo về nguyên nhân nhiễm độc do phenol, cyanur, hydroxit sắt là dỏm.
Theo tình hình cá chết từng đợt từ đợt 4 tháng 6, rồi ngưng không chết, rồi đến 25 tháng 6 chết tại Thừa Thiên, rồi lan xuống tận Phan Thiết, đảo Phú Quý cá chết từ từ, từ từ; tôi nghĩ khi những kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì, và hydroxit sắt ở dạng độc thì chúng ở dưới đáy biển. Chúng theo dòng hải lưu trôi xuống phía nam. Vì dòng hải lưu trong tháng 6 mà tôi theo dõi rất kỹ chỉ xuôi nam chứ không ra Nghệ An đâu. Nói cá chết ở Nghệ An là cái gì khác nữa. Những chất độc đó mới làm cá chết như vậy.
Ba chất kể ra chỉ làm cá chết thì chết tại địa phương và một vài ngày là hết chuyện rồi!”
Phản biện
Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 30 tháng 6 vừa qua, thay mặt cơ quan chuyên môn là bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, ông Trần Hồng Hà, cho rằng các độc tố phenol, cyanur trong nước thải từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả ra biển kết hợp với hydroxit sắt tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) khiến cá và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang nêu ra 4 câu hỏi đối với kết luận mà ông Trần Hồng Hà đưa ra như vừa nêu: Hydroxit sắt ở đâu ra? Công thức hóa học của mixel là gì? Phenol, cyanur và hydroxit sắt ở nồng độ nào mới kết hợp thành mixel? Tỉ trọng của mixel là bao nhiêu? Độc tố của mixel như thế nào?
Ông này đưa ra bảng kết quả phân tích mẫu nước thu thập được từ khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế vào ngày 15 tháng tư khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại đó. Theo bảng này thì lập luận của bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà và của chính phủ Việt Nam bị bác bỏ vì cả hai chất phenol và cyanur đều không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước. Trái lại 5 trong 6 mẫu thu thập được có chứa ammonium cao hơn tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh của Việt Nam.
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang nói về điểm này: “Chính phủ Việt Nam không công bố những kết quả phân tích mẫu nước cũng như mẫu cá nên mình không biết nồng độ của những chất đó trong nước và trong cá là bao nhiêu.
Đó là nghi vấn hàng đầu! Nhưng bằng chứng khoa học mà được công bố ra ngoài hoặc trên báo chí thì rõ ràng cá chết là do ammonia trong nước gây nên. Có những bằng chứng thế này: có mẫu nước mà họ thu thập được tại đầm Lăng Cô vào ngày 15/4/2016 chất ammonia trong nước cao hơn mức qui định của chính phủ Việt Nam. Ở nồng độ đó thì cá có thể chết.
Bằng chứng thứ hai là theo một bài báo dẫn ý kiến hỏi thăm người dân trong vùng thì người dân cho biết cá nổi lên trên mặt nước, hớp không khí, lờ đờ, ngắc ngoải. Đó là những dấu hiệu cho thấy cá bị nhiễm ammonia. Bằng chứng cho thấy cá ở miền trung chết là do ammonia chứ không phải do phenol, cyanur hay những thứ khác!”
Chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp có ý kiến về ammonia/ammonium trong nước biển tác động đến hải sinh vật: “Ammonia cũng giống phenol là không có gây tác động lâu dài. Ammonia là chất thường dùng để tẩy rửa trong nhà bếp, nhà tắm… Ammonia thường làm cho độ pH trong nước cao lên. Khi độ pH thay đổi sẽ làm cá chết liền; ví dụ thả cá nước ngọt vào nước biển có độ pH khác (nước ngọt) thì cá nước ngọt chết liền. Nhưng tác động của ammonia cũng là tức thời; còn cái theo tôi nghĩ nguy hiểm nhất là chì, thủy ngân, cadmium. Những chất kim loại nặng này gây tác hại lâu dài cho từ vi tảo đến cá…và nằm trong hệ sinh thái (ecosystem) rất lâu.”
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đề cập đến mức độ và phạm vi tác động của các độc chất phenol, cyanur: “Nếu thực sự là ba chất đó (phenol, cyanur, hydroxit sắt) thì trong một vài ngày chúng tan hết. Tôi lục tài liệu của cơ quan y tế thế giới – WHO, thì nước thải từ bờ biển dù có độc hại cách mấy thì đến giới hạn (limit) 44 cây số tính từ trong bờ ra. Dĩ nhiên họ làm thống kê rồi; dù độc hại cách mấy, thì ngoài cây số 44 độ loãng của đại dương sẽ không còn làm con vật nào chết được và cũng không thể xuống đáy biển.”
Cảnh báo & đề xuất
Ngoài yêu cầu phải công bố một cách rộng rãi tất cả những tài liệu, hồ sơ, nghiên cứu, phản biện liên quan đến việc khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung; kể cả kết quả phân tích mẫu cá chết và nước dùng cho việc truy tìm nguyên nhân; kỹ sư Nguyễn Minh Quang còn yêu cầu công bố rộng rãi bản thảo giấy phép xả thải mới của Formosa để ghi nhận ý kiến của người dân và chuyên viên khoa học rồi điểu chính thích đáng, nếu cần, trước khi chính thức cấp phép cho Formosa.
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang phát biểu: “Điều quan trọng cần phải làm bây giờ là phải duyệt xét lại giấy phép xả thải của Formosa. Những gì thiếu sót trong đó cần phải ghi thêm vào; đặc biệt là những chất hại – nhất là phenol, nhì là cyanur, thứ ba là ammonia.
Sau đó phải có những biện pháp làm thế nào để khi nước thải xả ra môi trường phải đạt đầy đủ các tiêu chuẩn ghi trong giấy phép. Nước thải không được xả ra bừa bãi như trước nữa.”
Chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp có ý kiến liên quan:
“Khúc mắc về Formosa mà chưa giải quyết được là đã vi phạm những gì, ai chịu trách nhiệm. Đó là những vấn đề hoàn toàn khác nữa.
Theo tôi đây là một bài học cần phải rút ra: về sau còn có dự án đầu tư lớn nào thì cần phải tham khảo cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp. Ví dụ phải tham vấn người dân chung quanh Formosa. Như vậy mới có được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân.
Đó là một quá trình mà nhiều nước trên thế giới như Mỹ hay Úc… đều làm: họ tham vấn cộng đồng trước khi có đánh giá tác động môi trường được công bố.”
Vấn đề tham vấn cộng đồng trong các dự án công nghiệp gây hại đến môi trường tại Việt Nam lâu nay được giới chuyên gia cho chỉ được làm một cách chiếu lệ. Đơn cử như dự án nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang đang được dư luận chú ý, tin từ báo chí trong nước nói chỉ có 20 dân cư tại địa phương được hỏi ý kiến về dự án sản xuất giấy được nói là top 5 trên thế giới như thế.
Quốc tế quan ngại
Vào ngày 29 tháng 6 vừa qua, chủ tịch tổ chức OceanCare, bà Sigrid Lueber, có thư gửi cho Tổ chức Y tế Thế giới – WHO và Lương Nông Liên hiệp quốc – FAO bày tỏ quan ngại của tổ chức này đối với an toàn thực phẩm tại Việt Nam sau vụ cá/hải sản chết hàng loạt do độc chất từ nhà máy Formosa xả ra biển.
OceanCare khích lệ WHO thông báo cho người dân Việt Nam về các nguy cơ có thể liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Còn đối với Lương Nông Liên hiệp quốc thì yêu cầu Formosa hiện đại hóa qui trình xử lý chất thải để phòng trành trong tương lai việc xả thẳng nước thải nhiễm hóa chất độc hại ra biển.
Leave a Comment