HÀ NỘI (CTM Media) – Theo công bố của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2016, toàn quốc có 5.500 doanh nghiệp phá sản, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và trên 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 15%. Bình quân mỗi tháng có hơn 6.000 doanh nghiệp phá sản và chờ phá sản”.
Nếu trước đây, đa số các doanh nghiệp phá sản hoặc chờ phá sản thuộc loại doanh nghiệp nhỏ thì nay, phần lớn là doanh nghiệp thuộc loại vừa, có vốn từ mười tỉ đồng trở lên.
Tổng Cục Thống Kê VN đưa ra các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế:
Thương mại và đầu tư chậm lại trên toàn cầu… các biến động khó lường tại các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới.
Nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập niên nay trong khu vực, gây thiệt hại tới 681 triệu đôla cho Việt Nam.
Vụ cá chết ở miền Trung cũng được coi là một nguyên nhân.
Tuy nhiên các nghiên cứu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy, thuế và các loại phí mà chính quyền Việt Nam đặt định đã ngốn tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi mà hệ thống ngân hàng buộc doanh nghiệp phải trả khi cần vay vốn cũng cao thuộc loại nhất khu vực vì doanh nghiệp bị buộc phải gánh cả những chi phí do nợ xấu và nợ nần của chính phủ. Chưa kể những khoản lót tay và những rủi ro đủ loại vì môi trường kinh doanh không an toàn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, sắp tới Việt Nam phải hội nhập sâu, rộng nên chính quyền Việt Nam phải có chính sách nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp. Phải tập trung toàn lực để phát triển doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa rủi ro cho doanh nghiệp.
Những đề nghị, góp ý như thế năm nào cũng được lặp đi, lặp lại nhưng rồi thì cũng vẫn y như trước.
Leave a Comment