Sau hàng chục ngày mòn mỏi chờ đợi, người dân Việt nói chung và miền Trung nói riêng đã biết đâu là nguyên nhân cá chết. Thủ phạm không ai khác, chính là cái tên FORMOSA. Nó không phải là thủy triều đỏ, táo đỏ hay “rồng đỏ”. Sau khi thông tin được công bố, tôi có vài suy nghĩ nên viết ra vậy.
1) 500 triệu USD đúng là số tiền lớn? Việc Formosa tự nguyện bồi thường, chúng ta ghi nhận đó là thiện chí nhưng liệu đó có phải là thiệt hại cuối cùng và đó có phải là ý chí và sự chấp thuận của người bị thiệt hại hay chưa?
Đây chỉ được xem đây là một tình tiết “giảm nhẹ tội” cho Formosa mà thôi.
2) Thiệt hại có thể thấp hơn hoặc lớn hơn 500 triệu USD. Tuy nhiên, pháp luật nước Việt được mệnh danh là “pháp chế XHCN”. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Đảng và Nhà nước cần phải chứng minh và thực thi việc này.
Người bị thiệt hại chưa có bất kỳ thỏa thuận nào chấp thuận cho việc tự nguyện bồi thường nên, nếu bất kỳ tổ chức nào tự cho mình cái quyền quyết định số tiền bồi thường là đi ngược với “pháp chế XHCN”, cần phải xử lý nghiêm.
3) Vấn đề khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại có khó không? Không chỉ khó mà rất khó. Nhưng khó thế nào vẫn tính toán được, mấu chốt là phương thức thực hiện. Số tiền 500 triệu USD là sự tự nguyện của Formosa nên, nếu thiệt hại thực tế lớn hơn, Formosa vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thêm.
4) Việc ngay lập tức chấp thuận số tiền 500 triệu USD sẽ tạo một tiền lệ xấu và cực kỳ nguy hiểm bởi, các nhà đầu tư khác khi vào Việt Nam để xảy ra trường hợp tương tự và, “cúi đầu xin lỗi” và tự đưa ra con số bồi thường thế là xong.
Do đó, Bộ Công an cần phải cuộc điều tra, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án và xử lý theo quy định. Cạnh đó, chiếu theo luật pháp, nếu vi phạm của Formosa buộc phải tạm dừng hay rút giấy phép thì phải thực thi ngay.
5) Người Việt từ ngàn xưa và cho đến nay vẫn thế, luôn có đức tính vị tha và bao dung. Tuy nhiên, lòng vị tha đó phải do chính những người bị thiệt hại xem xét chứ không thể nói như ngài Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Thái độ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước VN là kiên quyết. Nhưng Formosa đã nhận lỗi, đưa ra năm cam kết, người VN chúng ta có câu đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Việc đưa vụ án ra khởi tố không, Việt Nam sẽ cân nhắc”. Hay “chính phủ mong nhân dân khoan hồng độ lượng với Formosa”.
6) Nếu có hành vi phạm tội, tùy theo thái độ khắc phục hậu quả của Formosa, sự “ăn năn, hối cãi” của những cá nhân đó, người bị thiệt hại sẽ cân nhắc ký đơn bãi nại để tòa án xem xét lượng tội. Một đất nước muốn phát triển và tiến bộ khi và chỉ khi có “thượng tôn pháp luật”.
7) Bộ Tài Nguyên & Môi Trường (Bộ TNMT) khi chưa biết nguyên nhân gây cá chết đã vội nhận định do “thủy triều đỏ”, gây hoang mang dự luận. Vậy, Bộ TNMT có lỗi không? Mới chỉ thấy Formosa cúi đầu xin lỗi mà thôi.
Ngoài ra, trách nhiệm của Formosa là đương nhiên, còn trách nhiệm của tổ chức chính quyền quản lý trực tiếp và gián tiếp thì sao? Thiết nghĩ, cần phải làm rõ và đưa ra xử lý, nếu có, như vậy “lòng dân mới an”.
P/s: Còn, còn rất nhiều vấn đề mà bản thân tôi muốn nêu ra nhưng xin tạm dừng ở đây. Khi viết bài này, tôi nhớ lại câu nói của ông Đinh La Thăng trong buổi họp về sai phạm của một nhà thầu Trung quốc rằng:
“KHÔNG ĐÁNH ĐỔI TÍNH MẠNG NGƯỜI DÂN VIỆT NAM…”.
Sài Gòn, ngày 02/07/2016
LS Lê Ngọc Luân
Leave a Comment